.

Hội xuân ở làng

Thứ Tư, 12/02/2014, 07:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải qua thời gian, người dân Quảng Bình vẫn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống của làng quê. Đó là các lễ hội, làng nghề và các thể loại dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... Và mỗi dịp tết đến, xuân về cũng là mùa trẩy hội của người dân, nhất là ở  vùng nông thôn.

Từ bao đời nay, cứ đến ngày 7 tháng giêng âm lịch, người dân xã Quảng Long (huyện Quảng Trạch) lại nô nức tham gia các lễ hội truyền thống của làng. Đó là lễ hội cướp cù nổi tiếng khắp vùng phía bắc sông Gianh ra đời từ hàng trăm năm được truyền tụng trong dân gian rằng: “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày mùng 7 về coi cướp cù”.

Cướp cù, là một trong những lễ hội rất đặc sắc của huyện Quảng Trạch và nổi tiếng nhất là xã Quảng Long. Lễ hội truyền thống của làng được bắt đầu ngay sáng sớm ngày mồng 7 tháng giêng với lễ khai hạ cầu phúc tại di tích lịch sử Đình làng Tượng Sơn với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong làng được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Lễ được tổ chức hết sức trang nghiêm và độc đáo, nhất là những màn múa quyền, múa roi, múa đao, kiếm do các cụ cao tuổi trong làng biểu diễn. Đây là nét văn hóa truyền thống thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Quảng Long.

Cứ mỗi độ xuân về, dòng người khắp nơi trong huyện và các địa phương khác lại kéo đến Quảng Long để xem lễ hội cướp cù, hội vật truyền thống được tổ chức tại một bãi cát rộng, phẳng của làng. Trên bãi cát đó, người ta trồng hai cây tre cao có vài cành lá lơ thơ ở hai phía cuối sân, trên ngọn cây buộc một dải vải điều hoặc cờ để làm mục tiêu ném cù (quả cù có hình tròn). Mục tiêu ném cù là lỗ rọ tre có đường kính gấp đôi đường kính quả cù.

Tham gia các đội cù là những thanh niên trai tráng trong làng có sức khỏe tốt. Sau phần nghi lễ khai hội, trọng tài cầm một quả cù bước tới phát lệnh lung cù và trận đấu được bắt đầu trong sự cổ vũ nhiệt tình của hàng nghìn người, cùng với tiếng chiêng, tiếng trống vang dội. Đấu thủ hai bên dùng sự nhanh nhẹn, khéo léo để tranh nhau ném quả cù vào rọ trong tiếng reo hò cổ vũ của người xem. Theo quan niệm của người dân nơi đây, ai cướp được cù và tung được cù vào sọt cao hơn 5 mét là năm mới cả đội gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt.

Người dân Quảng Thuận nô nức tham gia các lễ hội xuân.
Người dân Quảng Thuận nô nức tham gia các lễ hội xuân.

Và một trong những nội dung không thể thiếu trong mỗi hội làng của xã Quảng Long là hội vật, một lễ hội mang tinh thần thượng võ của người dân trong xã. Hội vật của xã năm nay thu hút hàng trăm đô vật, thi đấu ở các hạng cân khác nhau. Các đô vật đã được tuyển chọn từ các thôn để tham gia tranh tài nên nhìn chung rất cân sức, cân tài, cống hiến cho khán giả những pha vật kỹ thuật, đẹp mắt. Ngoài ra, xã còn tổ chức liên hoan văn nghệ và trò chơi dân gian kéo co, thi đấu bóng chuyền với sự tham gia của những đội văn nghệ quần chúng, các vận động viên nam, nữ đến từ các thôn trong xã. Đây không chỉ là dịp để xã tôn vinh các giá trị văn hóa nhằm giáo dục truyền thống cho người dân mà còn là cơ hội để xã tuyển chọn những đô vật, vận động viên xuất sắc để tiếp tục tập luyện tham gia thi đấu trong giải vật truyền thống và các giải thể thao văn nghệ của huyện Quảng Trạch.

Đã thành thông lệ, ngay từ những tháng cuối năm, người dân xã Quảng Thuận (Quảng Trạch) lại nô nức tập luyện các môn thể thao, các tiết mục văn nghệ để tham gia thi đấu, biểu diễn phục vụ bà con trong xã. Đặc biệt, nhiều năm qua, xã đã tổ chức thành công giải bóng đá truyền thống với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân” thu hút sự tham gia tranh tài của các đội tuyển đến từ tất các các xóm, thôn trong xã. Giải được tổ chức khá quy mô, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các đội tuyển nên hầu hết các trận đấu đều thu hút rất đông người xem cổ vũ. Ngoài việc động viên phong trào thể thao phát triển, xã còn chọn ra đội tuyển xuất sắc để tham gia thi đấu với các địa phương khác nhằm tạo điều kiện cho người dân được giao lưu học hỏi, xây dựng tinh thần đoàn kết với các địa phương lân cận.

Cùng với thi đấu bóng đá, giải kéo co cũng được tổ chức hết sức phong phú, có phần nghi lễ do các bậc cao niên trong làng thể hiện và những trận thi đấu sôi nổi, nhiệt tình của các vận động viên. Trong suốt những ngày tết, bà con được cập nhật thông tin về lịch thi đấu từng bộ môn và các chương trình vui xuân, đón tết trên hệ thống loa truyền thanh. Và cứ đến giờ diễn ra các trận đấu, sân vận động xã lại chật kín người trong tiếng loa truyền, trống giục, tiếng vỗ tay, hò reo như tiếp thêm sức mạnh cho các vận động động viên tranh tài trên sân cỏ.

Sức xuân của làng Quảng Xá (Quảng Ninh) được thể hiện rõ nét từ cơ sở hạ tầng: trường học, trạm y tế, đến các sân chơi thể thao, nhà văn hoá, sân khấu biểu diễn văn nghệ ngoài trời...  khá đồng bộ, khang trang, hiện đại. Đường làng, ngõ xóm ở Quảng Xá được bê tông hoá. Người dân nơi đây luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua: sản xuất kinh doanh giỏi, thi đua xây dựng đời sống văn hoá, làng văn hóa... Quảng Xá cũng được biết đến là vùng đất của các di sản văn hoá phi vật thể như trò chơi đánh đu, bài chòi, các làn điệu dân ca. Để các giá trị văn hoá ấy không bị mai một theo thời gian, Quảng Xá đã thành lập các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, thể thao và tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, thể thao vào các dịp lễ, tết...

Thành phố Đồng Hới trong những ngày xuân cũng sôi động hơn bởi các giải thi đấu thể thao, hội bài chòi, hội diễn văn nghệ do các xã, phường trên địa bàn tổ chức. Nhờ đó, người dân có điều kiện tham gia các các hoạt động tập thể, góp phần nâng cao nâng cao đời sống tinh thần, khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước.

Mùa xuân là mùa trẩy hội của người dân ở các làng quê. Đó là các lễ hội truyền thống như lễ hội làng Thổ Ngọa 10 tháng 3 (Quảng Thuận, Quảng Trạch), Lễ hội Rằm Tháng Giêng của các làng quê ở Quảng Ninh, Quảng Trạch...; Lễ hội Rằm Tháng Ba (Minh Hóa)... Mùa lễ hội cũng là dịp tỉnh ta đón rất rất nhiều du khách thập phương đến du xuân và cũng là mùa tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Nhật Văn