.

Tục xin lửa-nét đẹp văn hóa làng biển Cảnh Dương

Thứ Năm, 06/02/2014, 15:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Cảnh Dương từ lâu đã nổi tiếng với các làn điệu hò khoan, hát ru, chèo cạn, lễ hội đánh cờ người, lễ cầu ngư đêm rằm tháng giêng... Giữa các lễ hội ấy có phong tục đã kéo dài hơn 350 năm và trở thành một nét đẹp văn hóa của làng, đó là tục xin lửa trong đêm 30 tết.

Vốn là một vùng đất ven biển, người dân Cảnh Dương suốt ngày lênh đênh trên sóng nước, vật lộn với những trận gió to, sóng lớn. Nên từ rất lâu con người nơi đây đã luôn gìn giữ phong tục xin lửa vì với họ ngọn lửa mang lại sự may mắn và thịnh vượng.

Tục lấy lửa của người dân Cảnh Dương mỗi năm tổ chức một lần tại Đình làng vào lúc 22 giờ đêm 30 tháng Chạp đến 24h ngày mùng 3 tết. Để cho đêm lấy lửa diễn ra thuận lợi, trước đó hàng tháng trời nhiều thanh niên khỏe mạnh trong làng được cử đi chặt những cây dương liễu đường kính chừng 15 -20cm về phơi khô, sau đó dựng đứng lên cao gần khoảng 10m trước sân đình làng.

Đúng vào đêm 30, mọi người trong làng cùng nhau lên đình. Mỗi người thường mang một bó nhang, một cây đuốc, bùi nhùi bằng rơm được tết rất cẩn thận. Tất cả mọi người cùng vây tròn quanh đống củi chờ đợi thời khắc giao hoan của đất trời. Sau bài văn tế, một cụ già có đầy đủ phẩm chất được dân tín nhiệm đại diện cho làng cầm bó nhang châm vào lư trầm trước bàn thờ tổ để lấy lửa.

Thời điểm lửa được rước từ đình ra cũng là lúc tiếng trống cái nổi lên giòn giã trầm hùng, tiếng chiêng điểm nhịp, dàn trống con cùng lúc đổ dồn tấu lên giai điệu hòa theo nhịp bước rộn ràng làm cho cả sân đình sôi động. Ngọn lửa bốc cao dần lên, soi tỏ nét mặt rạng ngời, hân hoan, mãn nguyện của người dân nơi đây. Mọi người cùng ôm lấy nhau, chúc nhau những lời tốt đẹp, an lành trong năm mới.

Lần lượt từng gia đình tiến đến dùng bùi nhùi, đuốc, bó hương, đèn dầu... đã mang đi để lấy lửa về nhà. Từ ngọn lửa lớn ở sân đình tỏa về các gia đình trong thôn tạo nên hàng trăm ngọn lửa nhỏ lung linh sáng rực khắp đường làng ngõ xóm. Những ngọn lửa được dùng để cáo tế với thổ công, gia tiên và nhóm bếp nấu đồ cúng trong suốt 3 ngày tết. Phong tục lấy lửa là dịp mọi người được giải toả, giãi bày phiền muộn, lo âu với thần linh, mong được thần giúp đỡ, chở che đặng vượt qua những thử thách.

Người dân tin rằng ngọn lửa được lấy từ đình tổ về nhà sẽ mang lại may mắn, tránh được những cơn sóng dữ, biển động, một năm ra khơi tôm cá đầy khoang, đó là ngọn lửa xông đất có thể xua đuổi tà ma trong nhà. Ngọn lửa mang theo niềm hi vọng về tương lai tươi sáng, thành công, con cháu học hành đỗ đạt, ai ai cũng sức khỏe dồi dào.

Tục xin lửa đêm giao thừa còn thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã, địa phương khi thờ chung một vị thần, có chung mục tiêu đoàn kết để vượt qua gian khó, giành cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Giá trị văn hoá của tục xin lửa được kết tinh từ hàng ngàn đời nay mang đậm tính nhân văn, thể hiện nét tiêu biểu trong tính cách, đời sống tinh thần của người dân vùng biển. Đó là phong tục được thế hệ cha ông đi trước truyền lại giúp cho thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị phong tục lễ hội truyền thống, tôi luyện lòng tự hào, tình yêu quê hương, yêu đất nước.

Cẩm Vân