.

Đưa văn hóa lên với vùng biên

Thứ Năm, 06/02/2014, 09:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ký kết chương trình phối hợp “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa- thông tin trên các tuyến biên giới, bờ biển”. Qua 20 năm triển khai chương trình, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ở hai tuyến biên giới thay đổi rất diệu kỳ. Các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần bị loại bỏ; giá trị văn hóa cộng đồng của các tộc người anh em được bảo tồn, phát huy; đồng bào tiếp cận với nền văn hóa mới tiên tiến, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, bản, làng; càng tin tưởng hơn vào chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.

 

Đội chiếu bóng lưu động trên đường phục vụ cho đồng bào dân tộc vùng biên.
Đội chiếu bóng lưu động trên đường phục vụ cho đồng bào dân tộc vùng biên.

Tỉnh ta có trên 317 km đường biên giới đất liền và bờ biển. Địa bàn biên phòng gồm 27 xã, phường với dân số 38.086 hộ, 163.124 khẩu, trong đó có 9 xã biên giới đặc biệt khó khăn (7.148 hộ, 29.813 khẩu).

Hầu hết các xã đặc biệt khó khăn này là nơi cư trú của 3.775 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 17.147 nhân khẩu thuộc hai dân tộc: Bru- Vân Kiều và Chứt gồm các tộc người: Vân Kiều, Khùa, Mày, Sách, Rục, Mã Liềng, Ma Coong, A Rem... Trong chiến tranh cũng như ở thời bình, địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thường xa xôi, cách trở; sống phân bố rải rác dọc tuyến biên giới Việt- Lào; những nơi có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về kinh tế- chính trị, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh.

Đại tá Hồ Thái Sơn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khẳng định: “Qua 20 năm thực hiện chương trình phối hợp, cùng với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, cán bộ, chiến sỹ biên phòng trên hai tuyến biên giới ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia thì đã khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng các điểm sáng văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa vùng miền, văn hóa các tộc người; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, định canh định cư”.

Đội tuyên truyền văn hóa thuộc cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các tổ tuyên truyền văn hóa ở các đồn biên phòng trở thành hạt nhân trong công tác tuyên truyền, chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với nhân dân vùng biên giới; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ đồng bào dân tộc. Bộ đội Biên phòng phối hợp với chính quyền tổ chức 850 đêm dạ hội, giao lưu văn nghệ phục vụ trên 125 nghìn lượt đồng bào là kết quả đáng ghi nhận.

Các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch cũng tích cực, chủ động thực hiện chương trình phối hợp. Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Bình tổ chức trên 7.000 buổi chiếu phim phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, thu hút hơn 200.000 lượt người xem. Thư viện tỉnh Quảng Bình đưa 150 lượt luân chuyển đầu sách với khoảng 3.500 bản sách, báo đến với các bản làng. Đoàn nghệ thuật truyền thống biểu diễn 24 đêm văn nghệ, phục vụ cho khoảng 15.230 lượt đồng bào.

Có thể khẳng định rằng, những cán bộ, chiến sỹ gánh trên vai trách nhiệm chương trình phối hợp “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa- thông tin trên các tuyến biên giới, bờ biển”, trong 20 năm với trên 7.300 ngày miệt mài, âm thầm...  đưa ánh sáng văn hóa đến với đồng bào dân tộc, để có được những thôn, bản, làng văn hóa, điểm sáng văn hóa dọc hai tuyến biên giới như ngày hôm nay.

Song song với công tác tuyên truyền, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch cùng lực lượng bộ đội Biên

Bộ đội biên phòng Đồn Cà Xèng giúp đồng bào Rục triển khai trồng lúa nước  ở cánh đồng Rục Làn.
Bộ đội biên phòng Đồn Cà Xèng giúp đồng bào Rục triển khai trồng lúa nước ở cánh đồng Rục Làn.

phòng tích cực vận động đồng bào các dân tộc dọc hai tuyến biên giới thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Xây dựng môi trường văn hóa”.

Kết quả đã có 72 làng, thôn, bản khu vực biên giới được công nhận làng văn hóa với 23.767 hộ gia đình văn hóa. Bộ đội Biên phòng tham mưu cho chính quyền địa phương  thành lập mới, củng cố, kiện toàn 239 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó xóa 12 bản trắng đảng viên, kết nạp 578 đảng viên; kiện toàn 257 tổ chức chính quyền cơ sở, 112 chi đoàn thanh niên, 208 chi hội phụ nữ, 226 chi hội nông dân và 8 hội CCB. Những thầy giáo quân hàm xanh trực tiếp tham gia dạy học, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục được 44 lớp với 2.552 học viên, vận động 1.058 em học sinh bỏ học trở lại trường.

Trên hai tuyến biên giới, Bộ đội Biên phòng tiên phong cùng với  chính quyền địa phương giúp dân xóa đói giảm nghèo. Đây là điều kiện tiên quyết tạo nên sự thành công của chương trình phối hợp “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa- thông tin trên các tuyến biên giới, bờ biển”. Nhiều mô hình kinh tế hình thành trên những vùng miền khó khăn tưởng chừng không thể thực hiện được như: mô hình lúa nước bản Tân Ly (xã Lâm Thủy, Lệ Thủy); bản Chăm Pu (xã Thượng Trạch, Bố Trạch); Rục Làn (xã Thượng Hóa, Minh Hóa) và hiện tại là cánh đồng lúa nước tại bản Ka Ai (xã Dân Hóa, Minh Hóa).

Hành trình 20 năm thực hiện chương trình phối hợp “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa- thông tin trên các tuyến biên giới, bờ biển” góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa trên địa bàn biên giới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đồng bào định cư trên hai tuyến biên giới càng tin tưởng hơn vào Đảng, Bác Hồ, luôn nâng cao ý thức cảnh giác chống lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, mua chuộc, kích động của các thế lực thù địch; làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, góp phần củng cố cơ sở chính trị xã, phường biên giới, vùng biển vững mạnh toàn diện.

Thanh Long