.

Níu giữ nét "hương xưa"...

Thứ Sáu, 07/02/2014, 14:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Mười năm hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn, gian nan và thậm chí đôi lúc phải gắng gượng đánh bật quy luật sinh tử của thời gian, các thành viên của Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh nhà đã làm được rất nhiều điều cho hậu thế. Họ không chỉ góp phần níu giữ một chút nét "hương xưa" từ cái chữ của cha ông để lại, mà còn thắp lửa cho không ít trái tim bạn trẻ ngày nay với những nét văn hoá truyền thống vốn dĩ đang dần bị lãng quên.

Nguyễn Thị Hà Hồng Phương (TP.Đồng Hới) vừa bước qua tuổi mười chín, nhưng đã gắn bó với chữ Hán-Nôm gần bảy năm trời. Mặc dù là thành viên trẻ tuổi nhất của Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh, nhưng cô bé sinh viên Trường trung cấp Y tế vẫn không cảm thấy lạc lõng, lo lắng khi tham gia sinh hoạt với các cụ, các bác.

Hồng Phương chia sẻ, ngay từ bé, mỗi lần có dịp vào các đền, chùa, nhìn thấy những dòng chữ Hán, chữ Nôm trên cổng, trên tường hay trên những bức vách, hàng cột, trong lòng em trỗi dậy niềm khao khát, ước ao là mình sẽ hiểu được ý nghĩa của chúng. Ấp ủ bao lâu, Hồng Phương mới dám tâm sự với mẹ và thật bất ngờ, mẹ đã ủng hộ suy nghĩ của con gái, tìm cho em một người thầy học. Vậy là từ năm học lớp 7 đến tận bây giờ, cứ thứ bảy, chủ nhật, Hồng Phương lại cắp sách vở đến học với cụ Trương Quang Phúc, Chủ nhiệm CLB Hán-Nôm tỉnh. Gặp và được cụ Trương Quang Phúc chỉ dạy là điều may mắn với Hồng Phương.

Phương kể, cụ tận tình, tỉ mỉ luyện cho em từng con chữ, bắt đầu từ dễ đến khó, từ những đường nét cơ bản cho đến các buổi tập dịch, luyện viết. Hai thầy trò cùng miệt mài, bỏ nhiều công sức. Đối với chữ Hán-Nôm, viết đẹp thôi chưa đủ, mà hiểu rõ, hiểu sâu từng lớp nghĩa lại càng quan trọng hơn.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng các cụ trong Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh  vẫn say mê với từng con chữ của cha ông xưa.
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng các cụ trong Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh vẫn say mê với từng con chữ của cha ông xưa.

Đến bây giờ, Hồng Phương khiêm tốn cho biết, em mới chỉ lĩnh hội được khoảng 30%-40% về chữ Hán-Nôm và phải mất nhiều thời gian nữa để hoàn thiện. Không chỉ Hồng Phương mà nhiều bạn bè của em cũng mong muốn được học chữ Hán-Nôm và tìm đến học. Nhưng, khi vào đại học, mỗi đứa một nơi, việc học chữ đành gác lại và ngay cả với Hồng Phương, nhiều lúc em cũng rất khó khăn để cân bằng thời gian giữa niềm đam mê từ thuở bé và việc học ở trường.

Tin vui là Hồng Phương chưa phải là cô học trò duy nhất ở thời điểm hiện tại của cụ Trương Quang Phúc. Một vài cô, cậu bé tuổi học trò vẫn tìm đến cụ để hăng say học cái chữ của người xưa mà luyện tâm luyện trí. Theo cụ Trương Quang Phúc, truyền dạy chữ Hán-Nôm cho thế hệ đi sau là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh, chính vì vậy, dù đã bước qua tuổi tám mươi, cụ vẫn không quản ngại truyền dạy cho các cháu, xem đó như cách thiết thực nhất để "kho báu" của cha ông không bị thất truyền.

Được khởi xướng từ năm 2003, đến năm 2005, Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh chính thức ra mắt và sinh hoạt thường xuyên tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Cụ Trương Quang Phúc cho biết, Câu lạc bộ được hình thành xuất phát từ thực tế, trong khi kho tư liệu Hán-Nôm (gia phả, sắc phong, hoành phi, câu đối, sách...) của tỉnh ta được lưu giữ trong Bảo tàng và cá nhân rất lớn, nhưng lại rất hiếm người hiểu và dịch được.

Câu lạc bộ quy tụ các thành viên có hiểu biết về chữ Hán, chữ Nôm và thường các cụ đều ở tuổi xưa nay hiếm, một số ít ở tuổi trung niên, thanh niên. Sau hơn mười năm hoạt động của Câu lạc bộ, một số cụ đã qua đời, mười lăm thành viên còn lại vẫn tiếp tục hăng say cống hiến, làm việc không ngơi nghỉ. Cụ Mai Văn Hải đã gần bước sang tuổi chín mươi, nhưng niềm say mê dành cho chữ Hán-Nôm vẫn âm ỉ cháy với nhiều nghiên cứu tâm huyết, như: dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra ngũ ngôn Hán tự, dịch 400 bài thơ Đường ra thể thơ lục bát, hoàn thành tác phẩm “Hiện đại hoá cách viết chữ Nôm”...

Vì lẽ đó, hoạt động dịch thuật là một thế mạnh của Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh. Trong một vài năm trở lại đây, số lượng gia phả, sắc phong, lục chỉ... cần dịch trong và ngoài tỉnh (Hà Nội, Bắc Ninh, Hoà Bình, Thừa Thiên Huế...) được gửi về Câu lạc bộ ngày càng nhiều hơn. Đáng chú ý là sắc phong của vua Quang Trung triều Tây Sơn phong thần cho Trung lang thượng tướng quân Trương Công Tuấn ở Minh Lệ (Quảng Minh, Quảng Trạch) làm thành hoàng làng hay câu đối thơ tại đền Diềm (Bắc Ninh) của họ Trương, sắc phong của vua Hàm Nghi (Lệ Thuỷ), văn tế độc đáo của làng Cao Lao Hạ (Hạ Trạch, Bố Trạch)... Kể từ bản dịch đầu tiên của Câu lạc bộ là “Mật lệnh của Tôn Thất Thuyết gửi Phan Đình Phùng” đến nay, hàng trăm tư liệu quý đã “sống lại”, vẹn nguyên giá trị qua các bản dịch. Để làm được điều này, công tác giao lưu, phối kết hợp giữa Câu lạc bộ với các câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh bạn được củng cố, thắt chặt, đặc biệt là mối liên kết với Viện nghiên cứu Hán-Nôm (Hà Nội).

Đối với các thành viên cao niên yêu thích chữ Hán-Nôm của Câu lạc bộ, nỗi lo lắng duy nhất bây giờ chính là sức khoẻ để chạy đua với thời gian. Cụ Phạm Ngọc Hiên, thành viên Câu lạc bộ, tâm sự, nhiều cụ tuổi đã cao, sức đã yếu, việc gắn bó dài lâu với chữ Nho giờ chỉ tính tháng tính ngày, trong khi lớp trẻ thời nay lại không dành nhiều sự quan tâm đối với Hán-Nôm. Nguy cơ mai một vốn quý này đang có khả năng sẽ trở thành hiện thực.

Mai Nhân