.

Đơn giản chỉ là... "Biết để sống"

Thứ Năm, 06/02/2014, 19:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà thơ Văn Lợi “vội vã” chạy đua với thời gian, dành những ngày cuối cùng của năm cũ Quý Tỵ 2013 để cho ra mắt tập thơ “Biết để sống”. Gửi gắm nhiều cung bậc cảm xúc, ấp ủ bao dự định và cả những phát kiến mới mẻ, nhà thơ Văn Lợi đã dành một chút thời gian trao đổi với phóng viên Báo Quảng Bình về đứa con tinh thần mới nhất của mình.

 

Bìa tập thơ “Biết để sống” của nhà thơ Văn Lợi.
Bìa tập thơ “Biết để sống” của nhà thơ Văn Lợi.

* P.V: Thưa nhà thơ Văn Lợi! Được biết đây là tác phẩm thứ 21 của ông và cũng là tác phẩm ông mạnh dạn thử nghiệm cách viết mới, đôi chút phá cách so với lối viết nghiêng về ẩn dụ, ngụ ngôn trước đây của mình. Vậy, từ đâu và tự bao giờ ý tưởng của “Biết để sống” hình thành?

- Nhà thơ Văn Lợi: Tập thơ này là một món quà đặc biệt, bởi tôi chưa hề có ý định hình thành tập thơ, mãi đến khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Sự kiện trọng đại này đã tác động mạnh mẽ đến tâm tưởng, suy nghĩ của tôi, thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó.

Tập thơ được hình thành thông qua những trải nghiệm của bản thân đối với các nhân vật lịch sử, có ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách con người. Sự ra đi của Đại tướng, một con người lịch sử đã thành huyền thoại, thực sự trở thành chất xúc tác mạnh mẽ trong tôi, cùng với đó là sự bền vững của các giá trị văn hóa trường tồn trong lòng dân tộc.

Vậy là chỉ trong vòng vẻn vẹn 3 tháng kể từ lúc thai nghén đến khi xuất bản, tác phẩm được ưu ái tạo nhiều điều kiện để đến tay bạn đọc đúng vào thời điểm chuyển giao giữa năm mới năm cũ và dịp 100 ngày mất của Đại tướng.

* PV: Trong “Biết để sống”, ông tâm đắc nhất bài thơ nào viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

- Nhà thơ Văn Lợi: Đối với tôi, tư tưởng và nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuyên suốt, thấm đẫm các bài thơ trong “Biết để sống”. Và tất cả các bài thơ đều là tình cảm tôi dành cho Người, có thể kể đến: “Nhẫn”, “Thánh Nhân” hay “Sống”...

“Nhịn, nhường để nụ thành hoa
Ấy là biết nhẫn, biết ta biết người
Trăm năm muôn một lẽ đời
Khổ đau đều ẩn nụ cười bên trong...”

                                                       (Nhẫn)

“Như linh đan của Thái thượng Lão quân
Được luyện nên, từ lò Bát quái
Đấng anh hùng qua đắng cay khổ ải
Hóa Thánh nhân lừng lẫy giữa nhân gian!”

                                                                 (Thánh nhân)

Điều đặc biệt nữa của tập thơ này là tập thơ gồm có 103 bài. Đây không chỉ là con số chỉ số lượng đơn thuần, trên tất cả, đó là sự liên kết, là “sợi xích” xâu chuỗi những mục đích tâm linh nhân sinh, bái vọng đến sự ra đi của Đại tướng.

* PV: Qua “Biết để sống”, ông muốn gửi gắm gì đến độc giả?

- Nhà thơ Văn Lợi: “Biết để sống” chỉ như là vài ghi chép thơ mà tôi cảm thụ được ít nhiều ở vốn văn hóa hết sức phong phú, đa dạng ấy của cha ông để lại. Với sự hiểu biết còn hạn chế và cũng chỉ là những luận lý mộc mạc đơn sơ mà mình cũng từng chiêm nghiệm và nhận biết được ở cuộc sống, một cuộc sống vốn dĩ không ngừng biến đổi, con người vẫn phải tuân thủ hay nương theo với hệ phát triển, chuyển hóa của nó. Tuy vậy, và dẫu sao thì con người vẫn là nhân tố chủ thể, không thể đánh mất thiện căn của mình.

“Biết để sống” cũng hy vọng phần nào khơi gợi sự tiềm ẩn thiện căn ấy trong con người, trong cuộc sống, cho dù sự ghi chép thơ có thể còn sống sít, gượng gạo. Chỉ mong một điều an ủi rằng, có thể có ai đó chí ít, nhận ra, “Biết để sống” cũng giống ta sống để biết, vậy...

* PV: Xin chân thành cảm ơn nhà thơ!

Mai Nhân (thực hiện)