Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12)

Sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe

  • 07:13 | Thứ Tư, 27/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dịp Tết 2024 đã cận kề, nhu cầu giao thương dịp cuối năm tăng cao, cùng với những thay đổi bất thường của thời tiết, rét đậm, rét hại kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số ca mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp… Vì vậy, Sở Y tế đề nghị người dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho bản thân và gia đình để mọi nhà vui xuân, đón Tết an toàn.
 
Tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường
 
Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa... tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện.
Ngành Y tế Quảng Bình nỗ lực phòng chống dịch SXH bảo vệ người dân bằng hóa chất diệt muỗi.
Ngành Y tế Quảng Bình nỗ lực phòng chống dịch SXH bảo vệ người dân bằng hóa chất diệt muỗi.
Quán triệt quan điểm phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai; đặc biệt, hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023, với chủ đề "Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe", Quảng Bình đã và đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực nhằm nâng cao ý thức của người dân; tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, vận động các hộ gia đình tích cực chủ động tham gia các chiến dịch diệt loăng quăng phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH).

Chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đỗ Quốc Tiệp: Hiện, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt trên địa bàn toàn tỉnh. Tính từ ngày 15/12/2022-15/12/2023, Quảng Bình ghi nhận 1.061 ca mắc Covid-19 (cùng kỳ năm 2022 là 128.627 ca) và không ghi nhận ca tử vong do Covid-19.
 
Bên cạnh đó, trong năm 2023, tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đa số giảm so với cùng kỳ năm trước. Riêng thủy đậu tăng 261 ca. Ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh dại tại xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa), phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) và xã Hóa Thanh (Minh Hóa). Các nhóm bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các bệnh mới nổi, tái nổi như cúm AH5N1, H7N9, MerS-CoV; các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A như tả, nhiễm não mô cầu, dịch hạch… chưa ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này và là nghị quyết do Việt Nam cùng 5 quốc gia đồng đề xuất. Ngày 27/12 được chọn làm Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur (1822-1895), một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế dự phòng. Các công trình nghiên cứu của ông về bệnh dịch và điều chế vắc-xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhân loại trên toàn thế giới.

Giám đốc CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp nhấn mạnh, tuy nhiên, tỉnh ta đang trong giai đoạn vào mùa đông-xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường, rét đậm kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Đặc biệt, thời gian này cũng là thời điểm gia tăng giao thương trong mùa du lịch và lễ hội cuối năm, sẽ là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số ca mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền…

Cùng với đó, một số nước trong khu vực, như: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia… đã ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em, cúm A/H5N1 ở người và gia tăng trở lại số mắc Covid-19…

Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, CDC tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là dịch SXH, Covid-19, cúm A… Tổ chức thực hiện giám sát, phát hiện ca bệnh, ổ dịch, chỉ đạo và hỗ trợ các đơn vị y tế cơ sở trong công tác khoanh vùng và xử lý kịp thời các ổ dịch không để bùng phát ra diện rộng. Bên cạnh đó, chú trọng giám sát các điều kiện, quy trình nhập cảnh, kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ để phát hiện, cách ly và xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhất các dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, Marburg…
 
Riêng đối với dịch bệnh SXH, hiện vẫn đang lưu hành rải rác một số ổ dịch nhỏ tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là tại huyện Bố Trạch số ca mắc vẫn dẫn đầu toàn tỉnh. Tính đến ngày 25/12, Quảng Bình đã ghi nhận 1.793 ca mắc SXH, 1 ca tử vong; so với cùng kỳ năm 2022, giảm 80,7% (1.793 ca/9.286 ca) và không xảy ra ổ dịch lớn trong cộng đồng.
Trẻ em cần được tiêm chủng đúng lịch để tạo sức đề kháng lâu dài chống lại các dịch bệnh truyền nhiễm.
Trẻ em cần được tiêm chủng đúng lịch để tạo sức đề kháng lâu dài chống lại các dịch bệnh truyền nhiễm.
Thời gian qua, Bố Trạch đã nỗ lực rất lớn trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tập trung phun hóa chất diệt muỗi chủ động, bảo vệ người dân. Nhưng từ tháng 9 đến nay, trên địa bàn huyện vẫn ghi nhận thường xuyên các ca mắc SXH. Trao đổi về vấn đề này, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật-Tư vấn điều trị nghiện chất (Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch) Đỗ Xuân Tính cho biết: Do địa bàn rộng và là trung tâm du lịch, người dân đi lại giao thương nhiều nơi, nên nguy cơ lây lan dịch là rất lớn. Hơn nữa, ý thức người dân chưa cao, còn chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; nhất là việc làm sạch môi trường sống, diệt loăng quăng ở các hộ dân chưa thực sự chủ động, đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH lưu hành trong cộng đồng dân cư.
 
Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới Phạm Thị Ngọc Hân cảnh báo: Hiện tại ở khoa đang gia tăng bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp, như: Viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn… Vì vậy, trong thời tiết chuyển mùa, rét đậm kéo dài như hiện nay, các bậc phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cho trẻ. Đặc biệt, để bảo vệ trẻ trước dịch bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp, phụ huynh tránh đưa trẻ tới nơi đông người, không tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng... Đặc biệt, phải bảo đảm cho trẻ tiêm chủng đúng lịch, nhất là vắc-xin phòng các bệnh về đường hô hấp để tạo sức đề kháng lâu dài cho trẻ.
 
UBND tỉnh đã có chỉ thị tăng cường các biện pháp bảo đảm đón năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trong đó giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa đông-xuân. Theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là dịch cúm A, không để lây, bùng phát lan rộng trong cộng đồng. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vắc-xin, trang thiết bị, phương tiện, nhân lực bảo đảm đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Nội Hà

tin liên quan

Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn: Chìa khóa của hạnh phúc bền vững

(QBĐT) - Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là một trong những yếu tố cần thiết, quan trọng giúp nam, nữ chuẩn bị kết hôn.

Môi trường lao động-Hiểm họa của bệnh nghề nghiệp

(QBĐT) - Tác động từ những tác nhân trong môi trường lao động đó, số trường hợp giám định bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2018 là 29.725 trường hợp.

Bộ Y tế thông tin về biến thể JN.1 của virus SARS-CoV-2 gia tăng nhanh

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong thời gian qua, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi tạo ra các biến thể mới, gần nhất là biến thể JN.1.