Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tròn 13 năm xảy ra thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản

  • 14:31 | Thứ Hai, 11/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ngày 11/3/2024 đánh dấu tròn 13 năm kể từ khi trận động đất - sóng thần xảy ra tại các tỉnh vùng Đông Bắc Nhật Bản khiến trên 22.000 người thiệt mạng cho đến nay và gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986.
 
Các tỉnh Đông Bắc Nhật Bản đang không ngừng hồi sinh và phát triển trở lại nhưng “những ký ức đau thương” sẽ khó có thể phai nhòa trong tâm trí người dân Nhật Bản.
 
Chính phủ Nhật Bản đã dừng tổ chức các buổi lễ tưởng niệm tại Tokyo từ năm 2022. Nhưng đến nay, những địa phương bị ảnh hưởng vẫn tổ chức các sự kiện này hằng năm với quy mô nhỏ hơn. Thủ tướng Fumio Kishida dự kiến tham dự một buổi lễ do chính quyền tỉnh Fukushima chủ trì trong ngày 11/3.
 
Quá trình phục hồi sau trận động đất có độ lớn 9,0 và sóng thần đã tiến triển trong những năm qua. Tuy nhiên, cuộc sống của gần 29.000 người phải sơ tán tính đến ngày 1/2 vừa qua, vẫn chưa thể trở lại bình thường. Trong khi đó, công tác làm sạch khu tổ hợp hạt nhân Fukushima Daiichi dự kiến kéo dài hàng chục năm.
Cơn sóng thần lịch sử xảy ra sau thảm họa động đất tại thành phố Miyako, tỉnh Iwate, Nhật Bản ngày 11/3/2011. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơn sóng thần lịch sử xảy ra sau thảm họa động đất tại thành phố Miyako, tỉnh Iwate, Nhật Bản ngày 11/3/2011. Ảnh: AFP/TTXVN
Số liệu mới nhất do Cơ quan Cảnh sát quốc gia công bố ngày 8/3 cho thấy tính đến cuối tháng 2, số người thiệt mạng do thảm họa trên là 15.900 người trong khi 2.520 người mất tích. Đa số nạn nhân ở các tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate. Theo Cơ quan Tái thiết, tính đến tháng 12/2023, số người tử vong do liên quan đến thảm họa, như bệnh tật hoặc tự tử do căng thẳng, là 3.802 người.
 
Nhà chức trách tiếp tục áp đặt khu vực cấm đi lại gần nhà máy hạt nhân Fukushima và dự kiến dỡ bỏ vào khoảng năm 2041 - 2051. Bảy khu vực đô thị tại tỉnh Fukushima vẫn bị cấm được lui tới do nhiễm phóng xạ. Số người sơ tán giảm so với mức đỉnh điểm 470.000 người nhờ cơ sở hạ tầng được tái thiết.
 
Công tác làm sạch sau thảm họa hạt nhân tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi. Tháng trước, công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) bắt đầu đợt thứ 4 xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý của nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển. Chính phủ Nhật Bản và TEPCO nhấn mạnh đây là bước quan trọng tiến tới dừng hoạt động của nhà máy. Dự kiến, công tác xả nước thải này kéo dài khoảng 30 năm. Tuy nhiên, kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản vẫn vấp phải sự phản đối từ phía người dân địa phương, cũng như một số nước trong khu vực.
Theo Báo Tin tức

tin liên quan

Pháp huy động lực lượng cứu hộ tìm kiếm nhiều người mất tích trong bão

Ngày 10/3, các nhân viên cứu hộ Pháp đã nỗ lực tìm kiếm 7 người, trong đó có 2 trẻ em, mất tích sau khi các cơn bão mạnh quét qua miền Nam nước này khiến nhiều ô tô bị nước lũ cuốn trôi khi di chuyển trên những cây cầu ngập nước.

Giới chuyên gia tại Singapore đánh giá cao mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia

Giới chuyên gia, học giả tại Singapore đã bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao kết quả đạt được trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Australia vừa qua. 

Hơn 32 triệu người theo dõi trực tiếp Tổng thống Mỹ đọc Thông điệp Liên bang 2024

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, đã có hơn 32 triệu người theo dõi trực tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang 2024. Lượng người theo dõi đã tăng khoảng 18% so với bài phát biểu năm ngoái.