.

Trường Sa-Đất nước nơi đầu sóng

Thứ Năm, 22/05/2014, 08:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi những người làm công tác báo chí - thông tin đối ngoại vinh dự được ra thăm Trường Sa thân yêu. Đã bao lần đi xa nhưng lần này sự háo hức nhổ neo ra khơi lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Đoàn công tác bao gồm nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngành nghề, lứa tuổi khác nhau. Tất cả ai cũng phấn khởi, háo hức tạm gác công việc ở nhà để tham gia chuyến hải trình lịch sử có một không hai này.

Ra Trường Sa lần này ngoài nhiệm vụ giúp cho chúng tôi được gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ, nhân dân  trên đảo tàu HQ561 còn mang theo một hành lý vô cùng đặc biệt đó là 120 tư liệu quý, hiếm về chủ quyền biển, đảo, để tổ chức triển lãm "Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử".

Triển lãm lần này như một cách tri ân những chiến sỹ hải quân, những người đã ngã xuống tại quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đồng thời cũng là lời tri ân tới đồng bào đồng chí trong nước và nước ngoài đã dày công sưu tầm, lưu giữ và truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những tư liệu quý giá về hai quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa của Việt Nam.

Những tư liệu quý hiếm gồm các châu bản do các triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa. Trong đó đáng chú ý là bộ sưu tập gồm 19 châu bản của Vương triều Nguyễn có niên đại từ triều Minh Mạng 1820-1841 đến triều Bảo Đại 1925-1945.

Đây là bộ tư liệu quý hiếm do Ủy ban biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tuyển chọn biên dịch, công bố, phiên bản 5 văn bản Hán nôm từ năm Gia Long thứ 2 (1803) đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi lại việc thành lập đội quân ra khảo sát các xứ của Hoàng Sa. Tập bản đồ gồm 60 bản để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa do Việt Nam, Trung Quốc, Phương Tây công bố từ thế kỷ 17 đến nay. Phiên bản 15 văn bản hành chính thuộc Pháp và Việt Nam cộng  hòa về việc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Những chứng cứ, tài liệu  rất phong phú của triển lãm qua các thời kỳ là những bằng chứng hiển nhiên về chủ quyền của Việt nam tại hai quần đảo Trường Sa- Hoàng Sa.

Sau một ngày hai đêm hành trình trên biển cả với 1071 hải lý, arạng sáng  ngày 21-4 chúng tôi đã đến điểm đầu tiên của quần đảo Trường Sa thân yêu. Trong mờ xa đảo Đá Lớn A, B, nổi lên kiên trung giữa biển cả bao la. Do đảo nhỏ nên chúng tôi chia nhau để đến được cả ba đảo, để được gặp các chiến sỹ hải quân. Rồi chúng tôi cùng được lên đảo nổi Sơn Ca. Ai ai cũng nhòa lệ khi thấy lá cờ Tổ quốc đỏ thắm máu đào các chiến sỹ đã hy sinh tung bay, kiêu hãnh trên đảo. Cảm xúc về Tổ quốc, về Đất nước về người lính, về nhân dân về tình đồng chí, đồng bào dâng lên, hòa quyện, cao cả, thiêng liêng không thể nào tả xiết. Nếu không phải người trong cuộc sẽ không bao giờ hiểu được điều thiêng liêng này.

Nơi chúng tôi đứng đây là đất của Việt Nam yêu thương là Trường Sa, là Tổ quốc. Trường  Sa - Đất nước nơi đầu sóng nơi có các đồng chí, đồng đội, đồng bào của chúng ta đang ngày đêm canh giữ biển, đảo. Khi chúng tôi đến các anh đã đợi, đón từ lâu. Một tình cảm thân ái, chân tình, tự nhiên như người thân trong một gia đình. Từ trong sâu thẳm tâm hồn ai cùng nhắc nhở mình những người con đất Việt đừng bao giờ quên những giây phút thiêng liêng này.

Trong chuyến công tác này vào ngày 23-4, chúng tôi đã tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Tại vùng biển này, 26 năm trước, vào ngày 14-3-1988, đã diễn ra một cuộc chiến đấu ác liệt cùng với sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc và 64 người con ưu tú của dân tộc đã vĩnh viễn nằm lại nơi này, hòa mình vào trong lòng biển, đảo quê hương.

Các anh đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sỹ xây dựng đảo trong tay chi có cuốc xẻng, súng bộ binh... đương đầu với tàu chiến của nước ngoài có trang bị  vũ khí hiện đại. Dẫu biết có hy sinh nhưng các anh không run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm ngoan cường chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng. Trong số 64 liệt sỹ hy sinh tại đây có 13 người con của Quảng Bình.

Tiếp bước cha anh đi trước, hôm nay trên Trường Sa thân yêu có rất nhiều người con Quảng Bình đã và đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Đó là các anh Phan Văn Đệ, Nguyễn Văn Quảng ở  huyện Tuyên Hóa, thiếu tá Nguyễn Văn Liên ở thị trấn Ba Đồn, anh Danh, anh Sơn ở Bố Trạch, Quảng Ninh...

Trong số đó có người mới lần đầu ra Trường Sa nhưng cũng có người ra đảo đến 11 lần như anh Quảng ở đảo Trường Sa Đông. Dù ở vị trí, địa điểm khác nhau song các anh vẫn hoàn thành tốt nhiện vụ của đơn vị giao, cùng với đồng đội vượt qua khó khăn để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trung úy Phan Văn Đệ ở đảo Sơn Ca mong muốn một ngày nào đó khi về Quảng Bình để được thắp nén tâm hương lên phần mộ Đại tướng và sẽ được trồng một cây bàng vuông Trường Sa tại Vũng Chùa.

Trường Sa hôm nay đã có nhiều đổi thay, đất nước trong hòa bình song vẫn có một số liệt sỹ phải hy sinh để bảo vệ đảo. Trong số các liệt sỹ mới ngã xuống sau chiến tranh có liệt sỹ Đinh Thân Bình quê xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa. Anh nhập ngũ ngày 23-2-2011 vã đã hy sinh ngày 19-9-2011 khi tuổi đời còn rất trẻ. Anh cùng một số liệt sỹ khác nằm lại với Trường Sa  linh thiêng giữa sóng biển quê hương.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tất cả các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Đá Tây Trường Sa và các nhà dàn DK đều đã có điện mặt trời. Những chiếc cột tuốc bin thu năng lượng gió và những cột pin mặt trời chạy dài xung quanh các đảo, rồi những cột ăng ten tiếp sóng điện thoại, truyền hình đã thực sự trở thành điểm nhấn của Trường Sa hôm nay. Tại đảo Trường Sa lớn có trụ sở UBND thị trấn Trường Sa và UBND huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trên đảo có nhiều công trình văn hóa dân sinh quan trọng như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sỹ, nhà khách thủ đô, Chùa Trường Sa, sân bay, trạm khí tượng, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa...

Khi đến thăm nhà dàn DK116, Chuẩn đô đốc, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tương một người con Quảng Bình xúc động đọc bài thơ tưởng nhớ các liệt sĩ của Nhà giàn đã hy sinh năm 1998 trong một trận bão tố trong đó có người bạn cùng trường của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tương.

Gửi theo sóng những lời
đưa tiễn.
Nước mắt nhòa trong sóng
vấn vương.
Nước mắt nhòa trên sóng
biển quê hương.
Anh bỗng thấy những cánh
thư màu tím.
Rồi tím chiều Tổ quốc phía
đường biên...

Tạm biệt Trường Sa thân yêu, vang vọng trong chúng tôi lời thề mang hồn non nước của Đại tướng Lê Đức Anh khi phát biểu tại Trường Sa năm 1988. Chúng ta xin thề trước hương hồn tổ tiên, trước hương hồn các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Minh Hải
(Sở Thông tin và Truyền thông)