.

Những ngả đường đến Điện Biên - Bài 2: Hai lần duyên nợ với Điện Biên

Thứ Ba, 06/05/2014, 07:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Hai năm trước, theo lời giới thiệu của thượng tá Nguyễn Văn Quyết, Chánh văn phòng Hội CCB tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đã từng diện kiến cụ Hoàng Văn Đồng, lão thành cách mạng tại tiểu khu 6, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh. Lúc đó, câu chuyện chỉ xoay quanh khoảng thời gian 18 năm cụ làm chuyên gia và tình nguyện quân tại nước bạn Lào. Trở lại lần này, ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ của 60 năm về trước được cụ kể rành mạch, khúc chiết. "Đời tôi hai lần duyên nợ với Điện Biên"- Cụ Đồng tâm sự xen lẫn chút tự hào.

>> Bài 1: Từ bộ đội Nam tiến đến mũi tấn công Phân khu Bắc

Những ai từng gặp cụ Hoàng Văn Đồng đều có chung nhận xét, dường như cụ không có tuổi. Vẫn bộ râu dài bạc trắng, tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát của người lính dạn dày trận mạc, giọng nói to át cả sóng dòng sông Nhật Lệ. Cụ sinh tháng 10 năm 1921, vị chi đến thời điểm này đã 93 tuổi. Cụ Đồng từng tham gia hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và 18 năm làm chuyên gia quân sự, bộ đội tình nguyện trên đất nước Triệu voi.

Tháng Tám năm 1945, cụ Hoàng Văn Đồng tham gia cướp chính quyền tại phủ Quảng Ninh, tháng 10 năm đó gia nhập lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình, là một trong những đội viên đầu tiên của Chi đội Lê Trực (tiền thân Trung đoàn 18 sau này) Nam tiến vào chiến đấu tại đường 9- Nam Lào. "Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, bộ đội Chi đội Lê Trực thiếu thốn trăm bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Mỗi tổ ba người được trang bị một khẩu súng mút- cơ- tông. Sốt rét rừng liên miên làm mờ mắt người. Thuốc men khan hiếm nên 5 người nhiễm sốt rét mới được nhận 2 viên thuốc kí ninh, nghiền ra, pha với nước dùng chung".

Từ trong gian khổ, bộ đội Chi đội Lê Trực hay Trung đoàn 18 sau này dần trưởng thành lên, vang danh khắp chiến trường Trung Trung bộ, cả một vùng rừng núi phía tây Quảng Trị, Quảng Bình. Từ mặt trận đường 9- Nam Lào rồi đánh dần ra bắc, đến Mường Xén, Kỳ Sơn, phía tây tỉnh Nghệ An. Cụ Hoàng Văn Đồng cho biết thêm: "Một trong những chiến công vang dội nhất của Trung đoàn 18 là trận Xuân Bồ, gắn liền với tên tuổi anh hùng, liệt sỹ Lâm Úy".

Ký ức Điện Biên Phủ được cụ Đồng dồn công, dồn sức chép lại trong một tập vở học trò. Cụ cất cùng những huân, huy chương được tặng thưởng suốt cuộc đời binh nghiệp như là phần gia tài lớn nhất đời mình. "Duyên nợ với Điện Biên lắm! Bởi rứa nên sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi rồi, thực dân Pháp cút về nước thì chúng tôi trở lại vùng lòng chảo này lần hai trong kế hoạch xây dựng, kiến thiết Tây Bắc do Trung ương và Bác Hồ phát động".

Vợ chồng CCB Hoàng Văn Đồng, Đoàn Thị Ruy.
Vợ chồng CCB Hoàng Văn Đồng, Đoàn Thị Ruy.

"Tôi cho rằng quyết định của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chuyển phương châm chiến lược từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là vô cùng sáng suốt. Thực tế đã chứng minh khi Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 của chúng tôi đánh cứ điểm đồi A1 mất đến 35 ngày đêm, 4 đợt tổ chức tấn công với rất nhiều thương vong, cuối cùng chiến thắng nhờ khối bộc phá ngàn cân được công binh điểm hỏa ngay trong lòng A1. Với một tập đoàn cứ điểm kiên cố, hỏa lực pháo binh, không quân vượt trội ta, dự định giải quyết trong 3 ngày đêm như kế hoạch ban đầu là không tưởng. Và chiến dịch dù chuyển sang đánh chắc, tiến chắc vẫn trải qua 55 ngày đêm".

"Lúc đó tôi giữ chức chính trị viên Đại đội 924, Trung đoàn 174, đánh A1 lần thứ nhất vào ngày 30- 3 đến trưa 31- 3, bộ đội chỉ chiếm giữ được nửa đồi A1. Trong trận này tôi bị thương vào lưng phải nằm điều trị tại bệnh viện Mường Phăng. Chừng 20 ngày, khi vết thương vừa lên da non, tôi trốn trở lại đơn vị. Qua các đợt ba, đợt bốn, đại đội trưởng bị thương nặng, tôi phụ trách chỉ huy đại đội. Đêm... bộ đội đào hào giao thông nống lên đồi A1. Ngày... lính Pháp với địa hình thuận lợi, trang bị hỏa lực mạnh phản công đánh bật bộ đội ra, chúng cho lấp lại hết các tuyến giao thông hào".

"Vòng vây quân ta như chiếc thòng lọng xiết chặt dần các cứ điểm quân Pháp cố thủ trong lòng chảo Điện Biên. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn không quên cảm giác là lạ khi đối mặt với địch trong những thời khắc cam go, khốc liệt nhất: cực khổ nhất cũng ở tuyến đầu Điện Biên Phủ, sướng nhất cũng ở tuyến đầu Điện Biên Phủ vì có đêm trận địa của đại đội thu đến 21 chiếc dù tiếp tế của địch. Khi hậu cần chưa kịp lên, bộ đội dùng tạm thực phẩm đáng lý ra là dành cho lính Pháp".

"Sáng 6- 5, Trung đoàn 174 được lệnh rút khỏi đồi A1. Bộ đội trong đội hình xung phong quanh đồi A1 được lệnh quay lưng về phía đồi, nhắm mắt, há mồm đề phòng sức ép của khối bộc phá ngàn cân. Và những người lính chúng tôi đều thầm hiểu rằng, sau tiếng nổ của khối thuốc trong lòng đồi A1, số phận quân đội viễn chinh Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được đánh giá là hùng mạnh nhất Đông Dương đã được định đoạt. Khắp trận địa cờ trắng xuất hiện ngày càng nhiều, lính Pháp cầm ngang súng hướng lên trời lũ lượt ra hàng. "Chiến thắng rồi! Khắp lòng chảo Điện Biên Phủ vang tiếng hò reo khi lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng Đờ- cát- tơ- ri".

Cụ Hoàng Văn Đồng lập gia đình năm 20 tuổi, trước lúc gia nhập bộ đội Nam tiến. Người bạn đời của cụ là bà Đoàn Thị Ruy bây giờ cũng đã ngoài 90. Làm vợ bộ đội chinh chiến trận mạc, thường xuyên xa nhà. Quãng thời gian từ khi lấy nhau đến năm 1958 họ có ba người con trong những lần cụ Đồng về phép vội hay đi công tác, tranh thủ ghé thăm nhà.

Hai năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 được Trung ương cử trở lại chiến trường xưa xây dựng kinh tế. Bà Đoàn Thị Ruy gửi các con lại vùng đồng bằng theo chồng lên Tây Bắc. "Lên Điện Biên Phủ lần này, không còn cảnh bom đạn, bên mình có người bạn đời đi theo. Rất tự tin!- Cụ Đồng hồi tưởng lại cuộc trường chinh thứ hai lên Tây Bắc.

Như bao gia đình khác, vợ chồng cụ Hoàng Văn Đồng tham gia lao động, sản xuất trong các nông trường, trồng chè, trồng lúa, sắn, ngô... Lúc này cụ giữ chức vụ Chính ủy hậu cần Đại đoàn 316. Tháng 9- 1959, khi Đoàn 959- Chuyên gia quân sự Việt Nam sang giúp nước bạn Lào (còn gọi là Ban công tác miền Tây) thành lập thì cụ Đồng được điều sang làm Trưởng ban tổ chức Đoàn 959, bắt đầu hành trình 18 năm trên đất nước Triệu voi. Năm 1978, cụ Đồng trở về nước với cấp bậc Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khi cùng nhau lên Điện Biên Phủ chỉ có hai người, ngày trở về Hà Nội thêm một thành viên mới, con trai út Hoàng Văn Biên...

Những CCB Điện Biên Phủ ở Quảng Bình có những con đường, trực thuộc từng cánh quân, hướng tiến công khác nhau trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sáu mươi năm sau, chúng ta tri ân họ- cùng với quân dân cả nước "Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng..."

Ngô Thanh Long