.
Kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Những anh hùng sau trận mạc - Kì 2: Trong những "cuộc chiến" thời bình

Thứ Hai, 21/04/2014, 08:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Không chỉ giỏi cầm súng trong chiến đấu, những người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân sau khi hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó, trở về với cuộc sống đời thường, họ lại là những người nông dân cầm cuốc, cầm cày, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất để chiến thắng đói nghèo. Thậm chí, có những người phải đối mặt với bệnh tật, di chứng thời chiến. Đó cũng thực sự là những "cuộc chiến" mà những Anh hùng sau trận mạc phải vượt qua. Và bản lĩnh của người lính năm xưa lại tiếp tục được phát huy, khẳng định.

>> Kì 1: Người anh hùng đầu tiên nơi…đầu sóng

Anh hùng Trịnh Xuân Bảng vẫn chăm chỉ làm vườn.
Anh hùng Trịnh Xuân Bảng vẫn chăm chỉ làm vườn.

Cuộc chiến chống đói nghèo...

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hòa chung trong không khí giục giã tòng quân bảo vệ đất nước, cũng giống như bao thanh niên khác lúc bấy giờ, người thanh niên Trịnh Xuân Bảng (thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng) xung phong lên đường nhập ngũ khi tròn 22 tuổi.

Sau mấy tháng huấn luyện, ông trở thành lính bộ binh thuộc đơn vị C365 huyện Quảng Trạch. Công tác ở đó được một thời gian thì ông chuyển sang Binh chủng đặc công nước với nhiệm vụ chủ yếu là gài mìn để phá hủy tàu của địch, nhằm ngăn chặn sự chi viện của chúng. Để trở thành người chiến sĩ của binh chủng đặc biệt này, người lính phải trải qua quá trình tập luyện hết sức gian khổ. Người chiến sĩ rừng Sác - hậu cứ của lính đặc công nước - phải có một "tinh thần thép" bởi khi thực hiện nhiệm vụ nghĩa là họ phải dấn thân vào nơi nguy hiểm nhất.

"Năm 1968 là một năm đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Tôi cùng hai đồng chí Trần Dần (quê ở Hà Tĩnh) và Nguyễn Chất Xê (quê Thái Bình) tự nguyện làm đội cảm tử quân trong trận đánh kho xăng Nhà Bè. Tôi và các đồng chí ra đi làm nhiệm vụ, trong thâm tâm ai cũng nghĩ sẽ không có ngày về. Chiếc tàu nặng một vạn rưỡi tấn của Mỹ cập cảng và được bảo vệ cẩn mật. Ở trên mạn thuyền thỉnh thoảng chúng ném lựu đạn xuống sông để đề phòng đột kích. Chúng tôi phải khó khăn lắm mới gài được mìn hẹn giờ vào mạn tàu địch. Một tiếng sau, một tiếng nổ lớn vang lên, tàu địch nổ tung, kho xăng Nhà Bè bốc cháy, sáng rực cả một vùng"- anh hùng Trịnh Xuân Bảng bồi hồi nhớ lại.

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hi sinh để làm nhiệm vụ cùng với chiến công đốt cháy kho xăng Nhà Bè, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngay sau đó.

Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, con đông nên năm 1987 ông xin về hưu để cùng người vợ bươn chải cuộc sống nuôi con ăn học. Khi trở về, ông được nhân dân địa phương bầu làm Bí thư chi bộ hợp tác xã Tân Sơn (nay thuộc thôn Hòa Bình) trong một nhiệm kì. Là người trưởng thành trong quân đội, ông luôn ý thức được ý nghĩa, nhiệm vụ của một người lính "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ"  nên những hành động của ông đều vì lợi ích của người dân.

Ông bắt tay vào việc công hữu hóa đất đai. Để bảo đảm công bằng cho mọi người, ông chia đều đất cho xã viên. Ai cũng có phần ruộng tốt, ruộng xấu nên ông được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Cùng với đó, ông lập kế hoạch xóa đói giảm nghèo cho xã viên trong hợp tác xã. Theo kế hoạch sẽ thực hiện trong sáu tháng nhưng ông đã hoàn thành trong ba tháng. Cuộc sống của người dân dần dần thoát nghèo và ấm no hơn.

Từ năm 2006-2009, ông làm chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh thôn Hòa Bình. Trong thời gian đó, một sự việc xảy ra khiến cho người dân trong thôn ai cũng bức xúc đó là một doanh nghiệp đã khai thác cát bừa bãi dẫn đến tình trạng mồ mả của người dân bị sụt lún. Trước thực trạng trên ông đã viết đơn khiếu nại gửi cho các cấp, ngành chức năng, mặt khác huy động 1000 người dân cùng ngăn chặn không cho doanh nghiệp tiếp tục khai thác.

Trước sự phản ứng quyết liệt của ông và người dân trong thôn nên việc khai thác cát chấm dứt, đất được trả lại cho địa phương. Ông luôn trăn trở nghĩ cách để làm cho dân trong xã và gia đình thoát nghèo. Ông đã phát động mọi người trồng những loại cây ngắn ngày như dưa chuột, ớt... và khai hoang đất để trồng những cây công nghiệp dài ngày như bạch đàn, keo, tràm.

"Một yến ớt khô tôi đổi được bốn yến gạo. Trồng ớt ít tốn công chăm sóc mà giá trị kinh tế cao. Trong một năm gia đình tôi thu hoạch được 1 tạ 2 ớt"- người anh hùng năm xưa vui vẻ chia sẻ. Hiện nay, gia đình ông có 6 ha bạch đàn, 3 sào ruộng, 1 ao nuôi cá. Giờ đây cái đói, cái nghèo chỉ còn là chuyện quá khứ. 3 đứa con trai và 3 đứa con gái của ông đã lập gia đình, ở riêng, chỉ còn cô con gái út đang theo học cao đẳng Y ở Đà Nẵng.

"Mọi người trong thôn ai cũng biết ơn ông Bảng. Nhờ ông mà người dân nơi đây thoát được cảnh nghèo khổ. Người nhác (lười) chứ đất không nhác, phải chăm chỉ, từ đất đai mà làm ăn, đó là điều ông luôn dặn chúng tôi" - chị Nguyễn Thị Ngân (thôn Hòa Bình) chia sẻ. Quả thực, những việc ông đã làm được cho người dân trong thôn không hề nhỏ.

... và vượt qua tật bệnh-di chứng chiến tranh

Chia tay mảnh đất Quảng Hưng lắm gió, nhiều cát, tôi đi ngược lên Sơn Trạch để được gặp người điệp báo giao liên năm nào từng "vào sinh ra tử" để chuyển tài liệu mật cho các căn cứ cách mạng. Có lẽ cái tên Nguyễn Văn Triêm đã không còn xa lạ với nhiều người. Với những chiến công thầm lặng khi làm điệp báo phòng 76 Cục Nghiên cứu của Bộ Tổng tham mưu (nay là Cục 25, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng) giao phó trong những năm đầu chống Mỹ cứu nước, ông vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2011.

Anh hùng Nguyễn Văn Triêm đang chống chọi với bệnh tật-di chứng của chiến tranh
Anh hùng Nguyễn Văn Triêm đang chống chọi với bệnh tật-di chứng của chiến tranh.

Khi thấy tôi, Anh hùng Nguyễn Văn Triêm chân khập khiễng bước ra. Ông niềm nở mời tôi vào nhà. Ông vừa xuất viện về nhà sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Bố Trạch vì các vết thương tái phát. Hằng ngày, ông vẫn đang chống chọi với cơn đau do di chứng của chiến tranh để lại. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những di chứng của nó vẫn còn hiện hữu trên nhiều vùng đất và ở nhiều gia đình.

Năm 1968, ông cùng 7 đồng chí được lệnh xung phong cảm tử đánh các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Lan, đó là sân bay Udon và Utapao (đây cũng là trận đánh với chiến công nổi bật để ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT). Trong trận đánh ấy, ông bị thương ở mang tai trái, mông trái, mông phải và 2 bắp chân. Gần 50 năm đã trôi qua, những vết thương đã thành sẹo nhưng nỗi đau vẫn cứ bám riết ông cho mãi đến tận bây giờ. Khi thời tiết thay đổi, ông vẫn thường bị choáng do vết thương ở mang tai trái, chân tay bị nhức mỏi, tê phù.

"Hôm nay, cô lên, ông có thể ra ngồi nói chuyện với cô. Mấy hôm trước ông nằm suốt. Cơm nước tôi phải bưng vào tận giường chứ ông có dậy nổi đâu"- Bà Liên (vợ ông) nghẹn ngào chia sẻ. Không chỉ vất vả chiến đấu với bệnh tật, sau chiến tranh ông phải đối mặt với biết bao khó khăn.

"Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đến năm 1976 tôi được đơn vị cho phục viên về tại tỉnh Hòa Bình. Tôi xây dựng gia đình với bà Lê Thị Liên. Sau 2 năm, tôi đưa vợ và con về quê hương. Những năm đầu khi đất nước thống nhất, tình hình chung của cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, vùng quê của tôi cũng không phải là ngoại lệ" - ông Triêm kể lại. Giai đoạn ấy đói nghèo luôn rình rập gia đình ông. Ông cùng vợ phải đi lấp các hố bom để làm ruộng và mót sắn nuôi con. Khi đang học trường Đảng (Bố Trạch) có những bữa ông phải nhịn khẩu phần ăn của mình để dành mì về nấu cháo cho cả gia đình. Ông gom tất cả những gì có thể bán được, kể cả những bộ quần áo cũ, để trang trải cuộc sống.

Không cam chịu đói nghèo, ông cùng với bà con đào hồ khe nước và dùng máy bơm của hợp tác xã để tưới tiêu. Từ đó ông và người dân chăm lo sản xuất và từng bước thoát được cảnh đói nghèo. Phát huy bản chất người lính, không lùi bước trước gian khổ, ông bắt đầu khai hoang đất để trồng cây công nghiệp như cao su, bạch đàn... nhờ vậy kinh tế gia đình ông dần ổn định. Hiện nay 4 người con gái và 1 người con trai của ông đã lập gia đình ở riêng, còn người con trai út đang học tại Trường trung cấp kĩ thuật Miền Trung.

Nguyễn Lê Minh

Kì 3: Nghị lực sống, bình dị và mẫu mực