.

Làng săn thú

Thứ Sáu, 07/03/2014, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch xưa nổi tiếng khắp vùng với nghề săn thú rừng. Những cánh rừng phía tây Bố Trạch đều in dấu chân thợ săn làng Rẫy, thời hoàng kim làng có đến 3 phường săn. Tuy nhiên, khác với nhiều phường săn, thợ săn làng Rẫy không dùng súng hay đặt bẫy mà chỉ dùng chó săn để phát hiện và rượt đuổi con thú đến mệt lã rồi bắt...

Bây giờ người làng Rẫy không còn đi săn thú nữa vì Nhà nước đã cấm săn bắt và thú rừng cũng không còn nhiều nữa. Những mùa săn bây giờ chỉ còn trong ký ức của những người thợ săn già.

Mùa săn

Lật lại ký ức của những năm chinh chiến cùng rừng già để bắt thú, lão thợ săn già Hoàng Văn Bưu (82 tuổi) bộc bạch: “Cách đây hơn 50 năm, khi đó tui là một chàng trai trẻ ngoài 20 tuổi nhưng đã là chủ một phường săn nức tiếng có trên 10 thợ săn. Ngày đó, khắp dãy Trường Sơn này thú rừng còn nhiều vô kể, không có chuyến săn nào mà chúng tôi về tay không cả”

Ông  Bưu kể, làng Rẫy tuy nức tiếng với nghề săn thú nhưng đây không phải là nghề mưu sinh nên mỗi năm các phường săn của làng chỉ tổ chức đi săn vào mùa xuân khi công việc đồng áng đã hoàn tất, trai tráng trong làng đã rỗi việc. Ăn Tết Nguyên đán xong, các chủ phường săn họp phường để chọn ngày ra quân đi săn. Thường thì chủ phường săn chọn giờ Mẹo và ngày Tuất để làm lễ xuất quân. Sau khi chọn được ngày, chủ phường làm một mâm nhỏ để cúng ngay tại cửa rừng, xin phép với thần rừng, thần núi đã làm kinh động và xin thần phù hộ bắt được con thú to.

Thợ săn Hoàng Văn Bưu và chiến lợi phẩm còn sót lại của những mùa săn
Thợ săn Hoàng Văn Bưu và chiến lợi phẩm còn sót lại của những mùa săn

Trong ký ức của ông Bưu, đó là những cuộc đi săn đầy hấp dẫn nhưng cũng hồi hộp đến ngộp thở. Trong tiếng tù và, tiếng chó săn sủa vang rừng là tiếng kêu xé lòng của những con thú lồng lộn như điên dại để tìm lối thoát. Những cuộc săn như vậy thường kết thúc khi con thú đã mệt lã, không còn sức để chạy nữa, bị đàn chó và thợ săn vây kín, đứng chờ chết. Nhưng nếu con thú đó đang nhỏ, hoặc đang mang thai thì người thợ săn ở làng Rẫy không bắt mà để lại cho rừng. Khi lượng thú săn được nhắm chừng đã được chia, chủ phường săn sẽ dừng chuyến đi săn...

Săn thú chỉ vừa đủ ăn là một quy ước của các phường săn làng Rẫy. Phường săn làng không bao giờ giết thú dự trữ để ăn dần và không bao giờ giết cả bầy thú – dù bầy thú chỉ có một vài con... Thế nên trong lễ cúng sau mỗi cuộc đi săn, chủ phường bao giờ cũng khấn với thần rừng rằng: “Chúng tôi chỉ xin thần rừng vừa đủ. Nếu giết hết giống của rừng sẽ là tội lớn, xin thần rừng hãy cứ trừng phạt chúng tôi.”

Mùa săn của những người thợ săn làng Rẫy kéo dài khoảng 3 tháng cho hết mùa xuân. Đến tháng 4 (âm lịch), khi gió Lào bắt đầu thổi, cũng là lúc bắt đầu vào vụ mùa thu hoạch vụ lúa thì mùa săn kết thúc.

Những chú chó cội

Do cái kiểu đi săn “nguyên thuỷ” của làng Rẫy, nên trong những cuộc đi săn những chú chó săn quyết định sự thành bại của chuyến đi. Thường thì mỗi phường săn ở làng Rẫy có từ 10 đến 12 con chó săn. Trong đàn chó săn đó, chỉ có một con đầu đàn gọi là chó cội. Chó cội có khả năng đánh hơi thú rừng cách xa từ 3 đến 4 km. Trong những cuộc săn, sau khi làm lễ cúng thần rừng xong, xác định cánh rừng cần săn, phường săn thả đàn chó săn vào rừng.

Đàn chó săn vào đó, đánh được hơi thú sẽ sủa loạn xạ, nhưng thường thì những người thợ săn chỉ chú ý đến động tĩnh của con chó cội. Chó cội bắt đầu sủa và dẫn đầu đàn chó tiến gần đến nơi con thú rừng ẩn nấp. Phường săn theo đàn chó săn cho đến khi phát hiện được con thú và cuộc rượt đuổi sẽ bắt đầu cho đến khi con thú mệt mệt lã, không thể chạy được nữa. Vì thế, thú rừng mà phường săn làng Rẫy thường hay bắt là hươu, nai, mang, nây và lợn rừng. Những loài thú như hổ, gấu thì không thể vì chó săn hễ nghe mùi của nó thì đã khiếp vía mà không dám sủa...

Thợ săn Nguyễn Xuân Thi  chỉ cách xem tướng chó săn cho phóng viên.
Thợ săn Nguyễn Xuân Thi chỉ cách xem tướng chó săn cho phóng viên.

Nếu như ông Bưu là một thợ săn nổi tiếng bởi tài nhìn dấu chân biết được đó là con thú gì, kích thước và con đực hay con cái, thì ông Trịnh Xuân Thi (77 tuổi) được biết đến là một thợ săn chạy nhanh không biết mệt. Trong nhiều cuộc săn, chỉ mình ông Thi là người duy nhất theo kịp đàn chó săn. Ông Thi cũng là người có biệt tài xem tướng và huấn luyện chó săn cừ khôi. Theo ông Thi, thường thì trong 100 con chó con, gặp may ông mới chọn được một con chó săn được xem là chó cội. “Đặc điểm để nhận biết một con chó săn tốt thì nhiều lắm. Thường con chó săn tốt là con chó có chân to, người thon, lông mượt. Đặc biệt, khi đàn chó con đang ngủ mà con nào ngước mõm lên trên thì đó cũng là một trong những con chó biết săn...” – Ông Thi chia sẻ.

Con chó cội rất quan trọng, bởi vậy sau những cuộc săn chúng cũng được chia phần thịt thú rừng săn được. Hai chú chó được chia một phần thịt giống như người thợ săn. Thường ai sở hữu được chú chó cội sẽ tự đứng ra lập phường săn...

Ám ảnh với súng săn

Từ ngày Nhà nước cấm săn bắt và thú rừng cũng hiếm đi do nạn săn bắn trái phép thì những phường săn ở làng Rẫy cũng giải thể. Kiểu đi săn của làng Rẫy, dẫu “nguyên thủy” cũng là phạm pháp. Những thợ săn thế hệ như ông Bưu, ông Thi người già yếu, người đã thác về với cát bụi. Thế nhưng, ở cạnh làng Rẫy, nhiều phường săn vẫn tồn tại và họ dùng súng để tận diệt thú rừng.

Ông Thi kể rằng, cách đây chưa lâu, biết ông là một người biết xem tướng chó và huấn luyện chó săn cừ khôi, một nhóm thợ săn ở thị trấn Nông trường Việt Trung đã ra mời ông đi mua chó săn. Sau khi mua được chó, chủ phường săn đó mời ông Thi đi săn với họ. Máu nghề nổi lên, ông Thi theo họ vào rừng. Vào đến rừng rồi, ông Thi mới toá hoả, thì ra họ không đi săn kiểu như phường săn của làng ông. Hàng chục thợ săn của phường này, tay người nào cũng lăm lăm súng. Thôi thì đủ cả chủng loại, đã bắn là khó con nào chạy thoát.

Sau khi thả chó săn cho nó đánh hơi, đàn thợ săn lặng lẽ theo sau với những khẩu súng đạn đã lên nòng. Sau một tiếng “đùm” chát chúa, ông Thi theo đàn thợ săn tiến lại gần, một con gấu to gần nửa tạ nằm thoi thóp dưới gốc cây cổ thụ. Cả đời làm nghề thợ săn nhưng hôm đó ông Thi đã rùng mình và  ám ảnh với cảnh tượng thoi thóp, máu me đầy mình của con thú và tiếng súng nổ chát chúa...

Sau lần đó, ông Thi đã thề không bao giờ đi săn với nhóm người ấy nữa. Nhiều lần họ cũng đã ra đến nhà nhờ ông đi tìm mua chó săn, nhưng ông cáo ốm...

“Bây giờ người ta dùng súng để săn thú cũng phải thôi, “có ăn” quá mà. Một con mang vừa vừa cũng đã vài triệu đồng. Heo rừng thì cứ mỗi kí hơn 200.000 đồng. Con kỳ đà bằng cổ tay cũng gần trăm nghìn đồng. Thú rừng vì thế bị họ tận diệt đến hết” – Người thợ săn già thở dài.

Xuân Phú