.

Những ngả đường đến Điện Biên - Bài 1: Từ bộ đội Nam tiến đến mũi tấn công Phân khu Bắc

Thứ Hai, 05/05/2014, 07:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày cuối tháng tư, chúng tôi vinh dự được ngồi hầu chuyện với những CCB từng sống, chiến đấu, trực tiếp tham gia vào 55 ngày đêm cùng với quân dân cả nước “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” làm nên một chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Các CCB Điện Biên Phủ bây giờ đều đã ngoài tám mươi. Dù vậy… nhiều cụ khi nhắc lại ký ức về Điện Biên vẫn thấy thời gian dài 60 năm ấy, vẹn nét tươi nguyên.

 

Cụ Hoàng Hữu Ấm.
Cụ Hoàng Hữu Ấm.

Làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch nằm phía đông đường thiên lý Bắc Nam. Mười năm trước vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có bốn mái đầu phơ phơ bạc, tuổi ngoài bát tuần: Nguyễn Quang Vi, Phan Hồng La, Hoàng Phúc, Hoàng Hữu Ấm cùng nhau ngồi ôn lại những kỷ niệm về Điện Biên. Mười năm sau, khi tôi trở lại làng Lý Hòa, bốn CCB Điện Biên Phủ nay có người đã khuất núi. Cụ Nguyễn Quang Vi theo con cháu vào Nam. Chỉ còn cụ Hoàng Hữu Ấm một mình thắp nén tâm hương nhớ đến đồng đội một thời...

Theo số liệu từ Hội CCB tỉnh cung cấp, toàn tỉnh Quảng Bình có 124 cán bộ, chiến sỹ quân đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chốt lại danh sách những người đang sống hiện tại thì chỉ còn 50 CCB. Những CCB Điện Biên Phủ năm xưa, người ít tuổi nhất cũng đã ngoài tám mươi, người cao tuổi nhất sinh năm 1918.

Chúng tôi gặp cụ Hoàng Hữu Ấm tại nhà anh Hoàng Ngọc Văn, con trai thứ của cụ ở thôn quốc lộ 1, xã Hải Trạch. Cụ Ấm sinh năm 1922, tuy vậy sức khỏe còn khá tốt, trí nhớ vẫn thông tuệ. Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ bảo mình tham gia từ lúc phát lệnh tiến công chiều ngày 13-3 cho đến khi kết thúc, quân ta phất cao ngọn cờ Quyết chiến Quyết thắng trên nóc hầm tướng Đờ- cát- tơ- ri. Nhưng con đường đến với Điện Biên thì phải bắt đầu từ 9 năm trước, lúc cụ xung phong gia nhập vệ quốc đoàn Nam tiến.

Ngày 11-3-1946, chàng thanh niên Hoàng Hữu Ấm gia nhập bộ đội Nam tiến Quảng Bình. Đơn vị sau đó hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Đường 9, Quảng Trị; chiến trường Lào... Bốn năm sau, ngày 23- 2- 1950, cụ Ấm vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận. Những năm tháng chiến đấu tại mặt trận Đường 9 gian khổ, ác liệt giúp cho cụ Ấm trưởng thành hơn cả về bản lĩnh chính trị lẫn kinh nghiệm trận mạc.

Trong ký ức CCB Hoàng Hữu Ấm vẫn nhớ những thời khắc bước ngoặt chiến dịch Điện Biên Phủ. Về quyết định lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, cụ bảo: “Khi nghe lệnh trên truyền xuống thông báo hoãn tấn công, bộ đội nhanh chóng rút về hậu cứ, ai cũng bần thần trong người, vẫn nghĩ chắc có nhầm lẫn gì đó. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, chúng tôi là người lính, chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh cấp trên, hành quân trở ra, tiếp tục có thời gian tu sửa công sự, đào thêm hầm hào. Sau này khi tổng kết chiến dịch, chúng tôi mới rõ, đó là quyết định táo bạo, có tính chất sống còn đối với quân đội ta của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Trong những cánh quân hội tụ về chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Ấm trực thuộc Tiểu đoàn bộ binh 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 được Bộ chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ cùng với Đại đoàn 312; Trung đoàn 165 thuộc Đại đoàn 312 và Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308 tiêu diệt cụm cứ điểm tại phân khu bắc Điện Biên Phủ gồm các cứ điểm mạnh của Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo... mở màn chiến dịch.

Cứ điểm Bản Kéo. Ảnh: Tư liệu
Cứ điểm Bản Kéo. Ảnh: Tư liệu

Dòng hồi ức của CCB Hoàng Hữu Ấm vẫn cứ mạch lạc: “Chiều 13-3 ta nổ súng tấn công Him Lam, đến gần nửa đêm thì tiêu diệt gọn cứ điểm này. Sáng ngày 15- 3, tiếp tục đánh đồi Độc Lập, trời sáng hẳn thì cắm được cờ lên đỉnh đồi. Phía bên Tiểu đoàn bộ binh 84 chúng tôi chịu trách nhiệm đánh Bản Kéo sáng ngày 17- 3. Nói rõ thêm về cứ điểm Bản Kéo ni nghe! Nó nằm trên một quả núi án ngữ phía tây bắc thung lũng Điện Biên. Tại Bản Kéo có 1 tiểu đoàn lính Thái do sỹ quan Pháp chỉ huy đóng chốt. Đơn vị chờ sáng, chưa kịp nổ súng thì thấy toàn bộ binh lính Thái kéo cờ trắng chạy ra hàng. Bộ đội chiếm Bản Kéo không tốn một viên đạn, không có thương vong”.

Đơn vị càng vào sâu hơn trong cuộc chiến, mức độ ác liệt càng tăng lên gấp bội, lúc này cụ Ấm là tiểu đội trưởng, phụ trách một tiểu đội chuyên giúp bộ đội vượt giao thông hào và hàng rào kẽm gai bằng cách đặt nhanh những tấm đan bằng tre phủ qua hầm và hàng rào kẽm gai. “Công việc sát trước làn đạn địch nhưng tiểu đội luôn phối hợp nhịp nhàng”- Cụ Ấm chia sẻ- “Cả tổ cơ động dưới giao thông hào, khi đến địa điểm vượt, nhanh chóng đẩy các tấm đan về phía trước, một chiến sỹ vọt lên băng qua phía bên kia rồi giữ chặt lấy để bộ binh xung phong chiếm lĩnh trận địa”.

Cụ Hoàng Hữu Ấm đi hết chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn lành lặn, chỉ bị một vết thương nhẹ vào chân. Năm 1964, cụ chuyển sang Ban xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nghệ An. Giai đoạn 1965- 1968, công tác tại Ty giao thông tỉnh Nghệ An sau đó thì trở về quê hương, làng Lý Hòa, xã Hải Trạch. Cụ Ấm nên duyên vợ chồng với bà Phạm Thị Yêm, quê quán huyện Thanh Chương, Nghệ An năm 1950, khi đơn vị của cụ về đóng quân tại đó. Vợ chồng cụ có 6 người con trong đó người con trai cả Hoàng Hồng Minh, sinh năm 1951, liệt sỹ, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1974.

Thời gian 60 năm đối với những CCB từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa quả thật là  dài. Rất nhiều người đã mất, những người sống ký ức giờ lẫn lộn giữa nhớ nhớ, quên quên. Hiếm người được như cụ Hoàng Hữu Ấm, luôn đau đáu về tình đồng chí, đồng đội, người còn, người mất, về một thời dệt nên chiến thắng Điện Biên chấn động khắp năm châu.

Ngô Thanh Long

Bài 2:  Hai lần duyên nợ với Điện Biên