.

K8 Ký ức không phai - Kỳ 3: K8 hôm nay

Thứ Năm, 24/04/2014, 18:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Non nửa thế kỷ đã trôi qua, những học sinh K8 ngày nào mỗi người đang lênh đênh trên mỗi chuyến đò đời. Nhưng với họ, làm sao quên được người lái đò năm nào và bến đò xưa cũ? Trở về mảnh đất nơi đã từng cưu mang, được tìm gặp lại thầy xưa, lớp cũ là mong ước chung của những “đứa con k8” ngày xưa.

>> Kỳ 2: Nghĩa tình K8

>> Kỳ 1: Cuộc thiên di màu đỏ

Vợ chồng K8 Đoàn Chí Hiển và Hoàng Thị Vy.
Vợ chồng K8 Đoàn Chí Hiển và Hoàng Thị Vy.

Quà cho con

Hai vợ chồng ông Đoàn Chí Hiển và bà Hoàng Thị Vy (Hải Đình, Đồng Hới) đều là những học sinh K8, được lệnh đi sơ tán tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đầu năm 1967. Giờ họ đã là những người ông, người bà, mái tóc đã lốm đốm hoa râm. Cuộc sống mưu sinh lắm vất vả nhưng chưa một lần ông bà quên đi khoảng thời gian được sống và học tập tại mảnh đất ấy.

Bao nhiêu năm trôi đi, biết bao lần ông bà cất công tìm về với miền quê ấy để được tìm lại những ký ức đẹp đẽ ngày xưa. Với ông bà, đó cũng là cách để giáo dục con cháu biết về nguồn cội và nghị lực vươn lên trong nghịch cảnh cuộc đời. Miền quê đó cũng là nơi ông được học những bài học đầu tiên về đạo làm người.

Ông Hiển trải lòng: “Ngày đó, mỗi lúc rảnh rỗi, bố nuôi tôi thường kể cho mấy anh em nghe chuyện cổ tích. Kho chuyện của ông nhiều vô kể. Chúng tôi mê ông kể chuyện đến nỗi, những chuyện nào ông kể cũng ghi nhớ và thuộc lòng. Đó cũng là vốn sống, là những bài học đạo đức đầu tiên của tôi. Để rồi khi có con, có cháu, chúng tôi lại mang những câu chuyện đó ra để kể và giáo dục con cháu mình biết sống có tâm, có đức”.

Cùng những bài học đầu tiên ấy, vợ chồng ông còn kể cho con cái nghe về những ngày tháng chiến tranh gian khó, nhất là những năm tháng ông bà là học sinh K8 sơ tán tại Thanh Hóa. Ngày đó, cũng như bao đứa trẻ của “tuyến lửa” Vĩnh Linh, Quảng Bình, những người con K8 như ông Hiển, bà Vy phải thực hiện một cuộc trường chinh xa hàng trăm km giữa bom đạn chỉ bởi khát khao được sống và được học hành. Rồi cả những khó khăn, thiếu thốn của thời chiến đã tôi luyện nên những bản lĩnh thép để dám đương đầu với bao thử thách của cuộc đời.

“Ngày xưa, để được yên ổn học hành, chúng tôi phải sống xa gia đình với bao nhiêu vất vả. Nói đúng hơn, đi chỉ để được học vậy thì cớ gì con cái chúng ta, sinh ra trong hòa bình, có đủ điều kiện lại không thể chuyên tâm học hành? Đó là điều chúng tôi luôn luôn nói để giáo dục con cái mình”, bà Vy chia sẻ. Từ những bài học thấm nghĩa, đượm tình ấy, hai người con của ông bà đều đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Như bao cựu học sinh K8 khác, những bài học của ông bà lại tiếp tục được truyền lại như món quà gia bảo bằng tinh thần quý giá và thiêng liêng.

Quê chung

Một buổi sáng đầu năm 2011, trong màn mưa bụi lất phất, thôn Đỉnh Tân (xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đón những vị khách đặc biệt. Họ là những đứa con từ Quảng Bình nắng gió, được mảnh đất Thiệu Phú cưu mang trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Hơn 40 năm trôi qua, những đứa trẻ K8 ngày nào giờ đã là những người ông, người bà, mái tóc đã lốm đốm hoa râm. Mảnh đất nghĩa tình này đã đón họ trở về sau bao năm xa cách. Con đường, ngõ xóm... tất cả đều đã đổi khác. Những con đường gập ghềnh, nhầy nhụa bùn đất ngày nào giờ được lát bê tông thẳng tắp. Những ngôi nhà ngói đỏ lô nhô mọc lên.

Như những đứa con xa quê lâu ngày trở lại, những đôi chân líu ríu lần bước theo từng mảng ký ức khi nhớ, khi quên. Họ tìm về với gia đình ngày xưa đã một thời bảo bọc, yêu thương mình. Ai cũng lâng lâng cảm giác sung sướng khi tìm lại được nơi chốn đầy kỷ niệm mà tưởng sẽ không có dịp trở về. Sau những cái ôm thật chặt là những giọt nước mắt của niềm vui ngày gặp mặt, là những câu chuyện hàn thuyên chẳng có điểm dừng.

Mảnh đất ấy vẫn vậy, vẫn hồn hậu và quý người như mấy chục năm về trước. Nghe tin có “đoàn Quảng Bình” ra thăm, khắp các con đường, ngõ xóm, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng cười nói, hỏi thăm nhau. “Trở về nhà, tôi cứ nói với chồng rằng đi được một lần như thế này, tới lúc chết cũng thỏa mãn. Cái cảm giác họ đón chúng tôi như đón một đoàn cán bộ cao cấp. Nhà nào trong thôn cũng dọn sẵn trà nước để tiếp đón những người khách đặc biệt. Người dân ở đó vẫn đầy nghĩa tình như ngày chúng tôi còn nhỏ”, bà Hoàng Thị Vy chia sẻ.

Gặp lại người mẹ nuôi năm xưa-cụ Nguyễn Thị Nhâm, ông Hoàng Viết Quây (Bảo Ninh, Đồng Hới) đã òa khóc nức nở. Hai mẹ con ôm nhau mừng mừng, tủi tủi. Ký ức chưa bao giờ nhạt màu trong lòng người đi lẫn người ở lại. Cuộc trùng phùng đã làm cho mối quan hệ khăng khít đầy duyên nợ ấy bước sang một trang mới. Để rồi từ đó, hai gia đình như cùng chung quê hương, nguồn cội. Mỗi dịp gia đình mẹ nuôi có việc lớn như ốm đau, cưới hỏi đều có mặt của vợ chồng ông Quây. Cả gia đình cụ Nguyễn Thị Nhâm cũng không quản ngại chặng đường xa ngái để vào thăm gia đình ông, thăm mảnh đất Bảo Ninh-nơi “chôn rau, cắt rốn” của đứa con nuôi nghĩa tình.

Những học sinh K8 Bảo Ninh cùng bà con thôn Đỉnh Tân (Thiệu Phú, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) ngày gặp lại.
Những học sinh K8 Bảo Ninh cùng bà con thôn Đỉnh Tân (Thiệu Phú, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) ngày gặp lại.

Cũng từ cuộc trở về của những con em K8 Bảo Ninh hôm ấy, Đảng Bộ, UBND hai xã Bảo Ninh (Đồng Hới) và Thiệu Phú (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã trở thành hai đơn vị kết nghĩa. Những ân nghĩa trong quá khứ sẽ được lớp lớp con cháu họ kết nối và phát huy.

Mong ngày hội ngộ

Chuyến đi của những học sinh K8 Bảo Ninh chỉ là một trong số ít những cuộc hồi hương tìm về mảnh đất nhiều ân nghĩa của ba vạn đứa trẻ K8 ngày xưa. Hôm nay, những đứa trẻ trong cuộc “vạn lý trường chinh” bi tráng ngày ấy giờ đã đi quá nửa cuộc đời. Họ là  những nhà khoa học, doanh nhân, nhà văn, nhà báo, cũng có người đang phải vất vả với cuộc mưu sinh.

Trong số họ, rất nhiều người chưa một lần được có cơ hội trở về thăm lại nơi đã cưu mang mình trong suốt những năm tháng chiến tranh. Tất cả những “người con K8” tôi đã gặp đều có mong muốn là một lần được hội ngộ cùng thầy cô, bạn bè trên chính mảnh đất ngày xưa. “Muốn được gặp lại để xem bạn bè ngày xưa ai còn, ai mất, để được sống lại những ngày tháng vất vả nhưng đầy ắp những kỷ niệm đẹp”, ông Lê Thế Giới (TT Quán Hàu, Quảng Ninh) bày tỏ.

Cùng xuất phát từ những mong muốn đó, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cùng Trung tâm Di sản các nhà Khoa học đã nỗ lực trở thành cầu nối liên lạc của các thành viên K8 hôm nay. GS.TS Nguyễn Anh Trí trải lòng: “Các thế hệ K8 chắc làm ở nhiều ngành, nhiều nghề, không biết ai còn, ai mất? Tôi đặc biệt mong được biết những ai trong thế hệ đó đã trở thành những nhà khoa học. Rất cần có một cuộc điều tra lại thông tin, lập ra một Ban liên lạc để kết nối, nghiên cứu; để thấy rõ hơn đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong những ngày đất nước đầy gian khó. Bản thân tôi là một thành viên K8, tôi xin sẵn sàng làm đầu mối và sẵn sàng tham gia Ban liên lạc nếu được tín nhiệm”.

Theo anh Nguyễn Thanh Hòa, cán bộ Trung tâm di sản các nhà khoa học, thì sau khi thông tin kêu gọi thành lập Ban liên lạc học sinh K8 được đưa ra, có nhiều cựu học sinh K8 ngày xưa có thông tin phản hồi lại. Tất cả họ đều mong muốn là có một cuộc họp mặt đông đủ để được ôn lại nhiều kỷ niệm. Bởi với họ, đó là những hồi ức nhiều vất vả nhưng đẹp đẽ và ý nghĩa nhất cuộc đời mình.

Mọi thông tin về những người con K8 xin gửi về:
Trung tâm Di sản các nhà Khoa học
Địa chỉ: 66 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0918 026 588
Email: nguyenthanhhoa@cpd.vn

Diệu Hương