.

Quê hương Quảng Bình...! - Kỳ 1: Những con phố trước đây không hề có

Thứ Năm, 24/04/2014, 18:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Quê hương Quảng Bình đang chứng kiến những đổi thay lớn nhất trong hằng trăm năm qua. Gần đến ngày kỷ niệm 410 năm danh xưng Quảng Bình, trăm họ thường nhắc nhớ đến tiền nhân trước đó tận thuở xa xưa của ngàn năm trước. Rồi khoảng thời gian 25 năm tái lập tỉnh với bao biến đổi ngoạn mục; cuộc sống của người dân khởi sắc hơn. Giá trị vật chất trong 25 năm được sản xuất gấp nhiều lần so với các thập kỷ trước cộng lại. Những phố xá, những gia tài dựng xây từ bàn tay tập thể, từ khối óc của từng người dân.

 

Phố Lê Lợi trước đây là đường đất đỏ, ngày nay phố xá thẳng tắp, trải nhựa phẳng lỳ.
Phố Lê Lợi trước đây là đường đất đỏ, ngày nay phố xá thẳng tắp, trải nhựa phẳng lỳ.

Nhiều đàn anh đi trước tôi thường nhắc lại trong câu chuyện kể và bài viết của họ rằng, ngày mới tái lập tỉnh, Đồng Hới lác đác một vài căn nhà kiên cố hai tầng, số còn lại lụp xụp, bụi bặm, chất đầy khó khăn. Cuộc sống người dân đa phần kiếm ăn từng bữa. Các con phố toàn đất đỏ, chỉ vài ba con đường chính rải nhựa đơn giản.

Nhưng ngày nay, phố xá Đồng Hới đã có cuộc vươn mình. Tuy chưa sánh bằng các thành phố khác, nhưng biết trải nghiệm với những phố xá ấy từ ngày đó đến nay, chắc chắn sẽ biết ơn về sự đổi thay.

Đường xưa nay sầm uất

Đường Trần Hưng Đạo ngày nay được xem là một trong các phố sầm uất nhất ở Đồng Hới. Con phố này là một trong những biểu tượng phát triển về đất đai, mua sắm. Nhưng 20 năm trước, qua ký ức của nhiều người, hai bên con đường là đồng ruộng nắng cháy khét lẹt, lề đường đầy cát bụi, hàng quán không có gì, bóng mát vắng tênh.

Mỗi ngày những gương mặt cũ kỹ của người bán chè gánh, thùng kem, thu mua phế liệu lẻ ngược xuôi trên đó một cách lầm lụi. Cỏ dại ven đường cùng với rác thải bừa bãi là thứ phong phú nhất lúc đó. Con đường ở thời điểm những năm 90-94 của thế kỷ trước có quán nước kiêm chiếu phim video với các bộ phim chưởng chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung là thu hút khách khứa khắp vùng đến xem. Mỗi ngày, rất nhiều người đến và ra về với bàn luận thế đánh đấm sau mỗi cuốn phim băng từ... thời đó, thế đã là nhộn nhịp.

Nhưng ngày nay, con phố từng đơn điệu như thế đã thật sự chuyển mình. Hàng cây xanh, vỉa hè lát đá, khách tây đã bách bộ và chi trả những gì họ thích mua sắm ở đây. Các ngân hàng lớn mở văn phòng trên khu phố này như ACB, Sacombank, Vpbank... Nhưng thực sự ngoạn mục là các nhãn hàng công nghệ toàn cầu như Iphone, Ipad của Apple hay của Sam Sung hoặc bất cứ hãng điện tử nổi tiếng nào của thế giới đều có thể tìm kiếm ở đường phố này.

Có lẽ, nhãn hàng thế giới có mặt đầu tiên ở phố Trần Hưng Đạo là những chai nước coca cola từ miền nam chuyển ra mà tụi trẻ chúng tôi vẫn thường mua mỗi chai 500 đồng. Nhưng ngày nay, bạn có thể tìm những gì bạn thích từ hàng công nghệ, đến các loại máy tính, áo quần, giày dép, kính mát, thuê xe tự lái, và cả cửa hiệu bán xe ô tô mà bạn có thể chọn lựa. Những điều đó, trước đây không hề có. Nay thì cửa hàng mua sắm đồ công nghệ luôn đón những người trẻ tấp nập lui tới, đó là dấu hiệu của sầm uất, cũng là điều kích thích phát triển những nơi khác trong vùng của TP. Đồng Hới. Nhưng để có như

Các con phố như Lý Thường Kiệt, Mẹ Suốt, Hữu Nghị, Nguyễn Hữu Cảnh... đã dần dần khai sáng văn minh ẩm thực, đi lại, và mua sắm. Đồng Hới ngày xưa, cây xanh hiếm như nước trên cát, nhưng ngày nay, nhiều mảng xanh đã mọc lên mà người xa quê trở về cứ ngỡ ngàng khó tả.

thế, chúng ta phải trải qua 25 năm dằng dặc để đón đợi.

Ký ức đường chang chang nắng

Lũ con nít chúng tôi còn nhớ ngày theo bố mẹ từ Huế ra Đồng Hới trên các chuyến xe tải chất đầy đồ gia đình. Đó là những ngày trở lại quê hương. Uể oải sau gần một ngày đường rung lắc trên moóc xe, bước xuống khu tập thể cảng Nhật Lệ đầy bụi than, khung cảnh chẳng thể điêu tàn hơn. Không bóng mát, chẳng cây xanh. Sông Nhật Lệ đôi bờ vắng tanh, chỉ vài ông già chiều lại đi câu cá hoặc cất rớ. Bãi tắm Nhật Lệ người Pháp đánh giá nổi tiếng, nhưng lúc đó người dân chỉ ra tắm tự phát, chẳng thích gì.

Nhưng khó nhất, muốn ra bãi tắm đó, phải đi bộ, và đoạn cầu Hải Thành bây giờ thời đó là khúc sông, muốn qua phải bơi, bơi xong lại đi bộ miết trên đường đất đỏ mới đến bãi tắm dày đặc rau muống biển, một cảm giác đơn điệu đến nao lòng. Con phố ấy ngày nay là đường Trương Pháp tráng nhựa bóng lộn. Ngược vào là đường Nguyễn Du với phố xá nhà cửa san sát. Mấy ai biết, trước đây hai con phố này chẳng ai muốn ra ở. Đường Trương Pháp bụi đỏ quạch, hàng quán lèo tèo bằng cót. Nay ở đây mang một bộ mặt khác của đổi mới và phát triển. Tuy chưa thật sự gây chú ý mạnh nhưng nó là cung đường đáp ứng các nhu cầu ẩm thực hải sản bất cứ lúc nào và bất cứ khi nào, miễn túi tiền của bạn đủ chi trả sở thích của mình.

Công viên dọc đoạn sông Nhật Lệ ở khu cảng và quanh nhà thờ Tam Tòa là một sự nỗ lực rất lớn từ chắt chiu từng đồng ngân sách để ngày nay trở thành xanh, đẹp. Nhớ ngày bao gia đình từ Huế về lại quê hương, vào ở từng căn phòng tập thể cấp bốn trong khu cảng, đứa trẻ nào cũng đen đúa, gầy rộc.

Lũ chúng tôi phụ giúp gia đình bằng hai việc ở mỗi mùa hè: mót than cám rơi vãi ra, mỗi bận như thế, mặt đứa nào cũng đen nhẻm đến thảm; việc nữa là các xe gỗ chờ đưa gỗ xuống tàu, từng thanh sắt từ tay tụi trẻ đến bóc lớp vỏ của nó về để ba mạ có củi nấu. Hình ảnh đó, bữa nay kể, có nhiều bạn chả tin.

Bởi công viên đã xây dựng khang trang, mọi dấu vết về khu cảng bụi mù, lếch thếch đã hoàn toàn biến mất. Cảng còn lại là nơi đỗ của tàu tuần tra biên phòng, di tích duy nhất thuyết minh là tấm bia trên đó như chứng nhân của một thời côi cút khó khăn. Triền sông Nhật Lệ phía bên này đã thật sự xanh.

Ngó qua bên tê của dòng sông hiền hậu, con đường du lịch ven sông của xã Bảo Ninh đang riết ráo thi công. Cảnh đó tấp nập xe cộ. Và tin đó, cũng là một điều tốt để bờ sông phía đông có một tương lai xanh tốt.

Bữa cơm của 25 năm trước

Bữa cơm của ngày vừa trở về quê hương, những người bố, người mẹ quần quật việc cơ quan còn phải tăng gia thêm. Cơm toàn nước mắm tự làm. Nhà nào cũng có vại mắm để tích trữ lúc mùa đông khan hiếm tiền bạc. Có nhà quá đông người, con cá mua được phải chia phần. Có khi khúc cá nhỏ cũng phải xén ra từng miếng để chia nhau. Thằng Đông ở Hải Thành, bạn học với tôi, đến lúc nó lên cấp 3 trường Đào Duy Từ cũng không mua được cái áo mưa đi học, mỗi lần đến trường, nó men theo các tàng cây hoa sữa dọc đường để vào lớp.

Buổi học mùa mưa, hắn thường ướt sũng. Nhà hắn đông con, đến 7 đứa, tính ba mạ nữa lên 9 khẩu, miếng ăn xoay vần. Bữa học, có khi nó nhịn đói. Nó vẫn ước mơ một bữa ăn thật no, chả cần ngon, nhưng ước hoài cũng chẳng có. Bởi lúc đó nhà nghèo, xóm làng quê hắn cũng nghèo.

Tốt nghiệp 12, hắn chẳng có điều kiện đi thi đại học, chọn cách ở nhà vay chút đỉnh kinh doanh vặt, rồi có chút vốn thời mở cửa mạnh, hắn làm ăn to hơn, phát triển hàng quán thôi, nhưng cũng xây được nhà tầng báo đáp ba mẹ, lo cho các em việc vàn. Bữa cơm ngày nay với hắn, chẳng phải lo toan. Với hắn và nhiều người làng, cơ chế đổi mới đã thực sự cho gia đình nhiều thứ nếu biết nắm bắt.

Minh Phong

Kỳ 2: Một thế hệ doanh nhân mới