.

Trên vùng đất giáp ranh - Bài 1: Tình Bắc, duyên Nam

Thứ Sáu, 09/05/2014, 14:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Chủ tịch UBND xã Sen Thủy (Lệ Thuỷ) Nguyễn Văn Hiểu khi nhắc đến chuyện trạng Vĩnh Hoàng kể về “ngọn khoai lang bò ngang hai tỉnh” thì cười ngất... “Cái ý sâu xa từ câu chuyện cho chúng ta hay về tình cảm sâu nặng của nhân dân hai tỉnh ở vùng giáp ranh được vun đắp qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc cho đến ngày hôm nay. Phân chia rạch ròi ranh giới giữa hai tỉnh trên bản đồ thì có vẻ lớn lao lắm. Nhưng thực tế, chỉ một bước chân là đã qua về Quảng Bình, Quảng Trị. Con gà gáy, con chó sủa bên này lay động ở phía bên kia!”. Ông chủ tịch xã bảo rằng: “Các anh về vùng giáp ranh, sống với bà con vài ngày đêm, có nhiều chuyện đáng để đời”.

 

Biểu tượng Quảng Bình nơi vùng đất giáp ranh.
Biểu tượng Quảng Bình nơi vùng đất giáp ranh.

Từ Bàu Sen ngược vào nam non chục cây số sẽ chạm đất thôn Sen Bình, xã Sen Thủy. Sải một bước chân khá rộng qua hết tấm biển cắm phía bên phải quốc lộ 1A ghi nội dung “Địa phận Quảng Trị, Km 717+ 100” đã là tỉnh bạn, cụm dân cư Khe Lấu, thôn Chấp Bắc, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Đêm cuối tháng tư nơi vùng giáp ranh, trời đất hanh hao. Chúng tôi trú lại nhà một người quen tại Khe Lấu.

Hồi trưa, khi ghé nhà cụm trưởng cụm dân cư Khe Lấu Trần Đức Đông, tôi thắc mắc hỏi vì sao chưa thành lập được đơn vị hành chính thôn, anh Đông trả lời rằng: “Khe Lấu chỉ có 55 hộ dân, 221 khẩu nên vẫn đang chần chừ, chưa chia tách khỏi thôn Chấp Bắc. Nhưng tương lai sẽ trở thành thôn mới để “xứng tầm” với Sen Bình phía Quảng Bình chứ!”, Trần Đức Đông cười khá tếu táo, dáng dấp của tay nói trạng “lai” Vĩnh Hoàng.

Đêm Vĩnh Chấp... chuyện trạng Vĩnh Hoàng chảy tràn theo om chè xanh “đặc đến đứng đôi đũa”. Riêng tôi, trong giấc ngủ muộn mằn, vẫn có cảm giác rưng rức cười từ câu chuyện của ông chủ nhà: “Con trai tui sáng nớ ra đồng bới khoai cho đến chiều tối mà khôông thấy về. Mạ hắn đi ra đi vô dấm dẳng hỏi hắn có bị tai nạn, sập đất, sập đai chi khôông? Nóng “rọt” (ruột) quá, tui liền xách cây đèn bão đi tìm. Đến roọng khoai, thấy hầm hố thằng con đào lên tô hô, tôốc hôốc, khoai lang thì chất thành từng đôống ngổn ngang.

Tui rọi đèn ra phía Quảng Bình, thấy nơi Bàu Sen có ánh sáng lấp ló, tui cắt đường chạy tới hỏi thăm. Bà con cho biết thằng con tui bị cán bộ kiểm lâm bắt giữ, đang lấy lời khai. Tức khí! Tui xông vô lớn tiếng: “Cớ chi mà mấy chú bắt con tui một ngày đàng, khôông cho hắn về cơm nước?”. Một cán bộ kiểm lâm bảo: “Bác biết khôông, nơi đất giáp ranh ni đã có lệnh cấm mọi người đừng đụng đến bom mìn, rứa mà con trai bác ngang nhiên đào lên, xếp đống lại, may mà chưa nổ. Khôông phạt là còn may lắm đó”. Tui bán tín, bán nghi... con trai đi bới khoai chứ có nghịch ngợm bom mìn chi mà để cho dân quân, kiểm lâm phía Quảng Bình bắt giữ. Tui dõng dạc: “Con trai tui ngoan lắm, bom đạn hắn biết chi, khôông tin thì mấy chú theo tui”.

Vô tới roọng khoai, họ lật từng củ lên, bẻ lấy đầu khất kiểm tra mới rõ là khoai lang. Xấu hổ, họ phân trần: “Rứa mà bọn tui tưởng bom chưa tháo ngòi. Thì trước đây chỗ ni là vùng bom đạn ngút trời nên chẳng ai dám tới trồng trọt. Ngờ mô ngọn khoai lang trong làng bác bò ra thấu đây. Có chi mong bác thông cảm”. Tui nhẹ cái bụng, xua tay: “Thôi thôi... chuyện lỡ rồi, chừ đói bụng, mấy chú cho người khiêng một củ ra ngoài đó luộc để anh em ăn cho vui”.

Trở lại thôn Sen Bình, Bí thư chi bộ thôn Lê Thanh Vượng thông báo nhanh một số tình hình: “Thôn có 164 hộ, 588 khẩu, người dân chủ yếu làm công nhân khai thác nhựa thông và trồng rừng cho Lâm trường Bến Hải phía Quảng Trị, một bộ phận nhỏ buôn bán, kinh doanh ăn uống dọc hai bên quốc lộ”.

Bí thư Vượng giải thích cho chúng tôi về những chuyện “tình bắc, duyên nam” như thế này: “Sen Bình tuy là đất Quảng Bình nhưng mọi mặt đời sống, giao lưu buôn bán hàng ngày đều nhờ cả vô Quảng Trị. Nguồn thu nhập chính là nhờ làm công nhân cho Lâm trường Bến Hải. Từ Sen Bình bà con ra chợ Tréo mất gần hai chục cây số, ngược vô chợ Hồ Xá chỉ có sáu cây thôi. Con em Sen Bình học THCS, THPT cũng vô tại các trường Quảng Trị, khoảng 30 cháu học sinh THCS và trên 10 cháu theo học THPT. Đó là cái duyên nợ của đồng bào Sen Bình với bà con thôn Chấp Bắc, với huyện Vĩnh Linh anh hùng”.

“Còn cái tình thì rõ ràng lắm rồi, qua cuộc sống hàng ngày của người dân giữa hai thôn. Năm nào cũng vậy, mỗi khi vào dịp lễ tết, dân hai thôn đều tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao... vui ngất trời. Nhưng có cái ni đặc biệt lắm, mà tui tin không mô có được”- Lê Thanh Vượng tự hào khoe- “Trai gái hai bên qua lại tìm hiểu với nhau, từ đó mà nên đôi, nên đũa. Vì rứa nên cái ranh giới phân biệt hai thôn, hai xã, hai huyện, hai tỉnh chỉ rạch ròi trên bản đồ thôi, chứ thực tế bà con hai bên không ai để tâm tới. Sen Bình hay Khe Lấu đều người một nhà!”.

Lê Thanh Vượng đếm nhẩm tên con gái trong thôn vô làm dâu Vĩnh Chấp: “Lê Thị Tiến, Lê Thị Thiên, Lê Thị Thận, Lê Thị Hiền, Đinh Thị Thuyến, Hoàng Thị Hoa, Nguyễn Thị Xuân... Nhiều, nhiều lắm, trên 40 chị em. Nhưng bù lại con gái trong thôn cũng đem về cho Quảng Bình hơn 10 chàng rể”. “Rứa thì bên Quảng Bình thiệt à?”- Tôi hỏi đùa.

Ông Bí thư chi bộ bảo: “Không phải thế, thuận theo quy luật con nước chảy vô đó anh. Với lại đất lành

Bước qua tấm biển chỉ dẫn này, đã là đất Quảng Trị.
Bước qua tấm biển chỉ dẫn này, đã là đất Quảng Trị.

chim đậu. Mà con gái trong thôn vô Quảng Trị làm dâu, sải bước chân là về nhà mẹ đẻ rồi. Xem như không tính toán thiệt hơn”. Thì ra tại xã Sen Thủy vốn có hồ nước Bàu Dum cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân 5 xã phía bắc của huyện Vĩnh Linh, lại thêm một mối ân tình giữa Quảng Bình, Quảng Trị.

Cũng trên vùng đất giáp ranh này, tôi nghe bà con hai thôn Sen Bình, Khe Lấu kể lại câu chuyện để đời về Chủ tịch Cu Ba Phi- đen- Cát- xtơ- rô nhân chuyến thăm của ông vào Vĩnh Linh, Quảng Trị tháng 9- 1973. Ông Lại Văn Ly, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Trưởng ban đón tiếp Chủ tịch Phi- đen hồi đó cho biết: Sau khi thăm Quảng Trị, trên đường quay trở ra Quảng Bình, đến vùng đất giáp ranh Quảng Bình, Quảng Trị, Chủ tịch Phi- đen và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các thành viên trong đoàn chứng kiến cảnh một nữ thanh niên bị thương do bom bi. Phi- đen xuống xe và yêu cầu bằng mọi giá phải cứu sống người con gái đó. Ông đã nhường chiếc xe chở mình đưa cô gái vào cấp cứu kịp thời tại bệnh viện Vĩnh Linh. Người con gái được cứu sống sau này xác định danh tính là chị Nguyễn Thị Hương, hiện đang sinh sống tại thành phố Đông Hà.

Nhưng cũng là câu chuyện xúc động trên, những nhân chứng còn sống ở vùng đất giáp ranh khẳng định, trận bom bi rải thảm xuống Sen Bình, Khe Lấu làm bị thương ba người, chị Hương và hai cha con trong một gia đình. Và “ông tây” cao lớn đi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, quyết định nhường xe ô tô đưa cả ba người vào cấp cứu tại bệnh viện Vĩnh Linh.

Ông Đinh Đức Ngư, sinh năm 1937 và vợ Hoàng Thị Đẻn trong những năm kháng chiến chống Mỹ là y tá tại vùng giáp ranh. Năm 1980, ông Ngư làm Chủ tịch UBND xã Sen Thủy cho đến năm 1991 mới về hưu. Ông  nhớ lại: “Sen Bình, Khe Lấu trong chiến tranh phá hoại, ác liệt lắm, bom đạn mù trời mù đất. Trận bom rải thảm chiều ngày 15-9-1973, khi thấy có người bị thương, tôi cho chặt hạ hai cây dương ngáng ngang đường chặn xe lại. Đoàn xe chở Phi- đen và Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ trong Quảng Trị ra, sau đó quyết định dành một xe chở người bị thương đi cấp cứu. Hai cha con cùng một gia đình bị dính bom bi là ông Hoàng Kim Xu và cháu Hoàng Kim Thiện”.

Lần theo địa chỉ ông Đinh Đức Ngư giới thiệu, chúng tôi tìm gặp được bà Đinh Thị Nguyên, 78 tuổi, vợ ông Hoàng Kim Xu. Trong ngôi nhà nhỏ, bà Nguyên đang ăn cơm trưa cùng đứa cháu ngoại. Nhắc lại kỷ niệm đau thương ngày xưa, bà Nguyên nước mắt vắn dài: “Lúc đó khoảng bốn giờ chiều, tui đang đi cắt lá ủ phân cho hợp tác xã thì nghe hung tin. Chạy lên quốc lộ thì thấy xe của đoàn khách ông tây đưa hai cha con vô bệnh viện Vĩnh Linh rồi. Con trai tui, Hoàng Kim Thiên, năm đó lên 10 tuổi. Bệnh viện Vĩnh Linh chỉ cứu sống được ông Xu đứt 9 đoạn ruột, bị thương ở chân. Thằng Thiện ruột đứt đến 13 đoạn, không qua khỏi, mất tại bệnh viện Vĩnh Linh...”.

Ông Hoàng Kim Xu trở về đời thường, canh cánh món nợ ân tình từ tấm lòng bao dung của Chủ tịch Phi- đen cách nửa vòng trái đất. Năm 2001 thì ông Xu qua đời, để bà Đinh Thị Nguyên trống vắng trong căn nhà nhỏ với căn bệnh suy tim ngày một trầm trọng thêm...

Chiều Sen Bình, Khe Lấu nắng hanh hao... chúng tôi bắt tay những người dân dung dị, chân chất nơi vùng đất giáp ranh để tiếp tục hành trình của mình đi về phía biển Đông.

Thanh Long-Công Hợp

Bài 2: Chung biển, chung trời