.

Trên vùng đất giáp ranh - Bài 2: Chung biển, chung trời

Thứ Hai, 12/05/2014, 07:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Không còn cảnh “chang chang cồn cát” như ngày xưa tìm về Ngư Thủy. Mảnh đất nghèo nàn, xác xơ phía cực nam Quảng Bình trong cát bỏng năm nào bây giờ tựa như một ốc đảo mướt xanh. Con đường cái dẫn ra phía Ngư Thủy Nam hồng lên trong nắng hè. Ngư Thủy Nam của Quảng Bình, xa phía trong một chút là xã Vĩnh Thái, Quảng Trị như quyện lấy nhau, chung biển, chung trời... tưởng như không thể nào tách bóc ra được.

>> Bài 1: Tình Bắc, duyên Nam

Tây Thôn ngày càng thêm trù phú.
Tây Thôn ngày càng thêm trù phú.

Xưa... xã Ngư Thủy anh hùng rất rộng lớn, chạy dài bên biển, bên cát từ giáp Cam Thủy vô tới Vĩnh Linh, Quảng Trị. Bây giờ Ngư Thủy cũ chia thành 3 xã Ngư Thủy Bắc- Trung- Nam. Hành trình trên vùng đất giáp ranh đưa chúng tôi về Ngư Thủy Nam đầy duyên nợ.

Nhớ lại 41 năm về trước, ngày 15- 9- 1973, trong chuyến thăm Vĩnh Linh, Quảng Trị, Chủ tịch Cu Ba Phi- đen Cát- xtơ- rô cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đặt chân lên vùng cát trắng Ngư Thủy, tìm gặp Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng. Khi xem Xê gái làm thao tác nạp đạn vào pháo rất nhuần nhuyễn,Chủ tịch Phi- đen khen: “Đúng là phụ nữ Việt Nam!”.

Chính trị viên Ngô Thị Thới thay mặt Xê gái tặng Chủ tịch Phi- đen chiếc vỏ đạn pháo 85 ly trong trận bắn cháy tàu chiến Mỹ ngày 7- 2- 1968. Cuối năm đó, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi đồng chí Trường Chinh cùng rất nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hơn 90 thành viên Xê gái, trong chiến tranh anh dũng, kiên cường. Thời bình, mặc dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ vẫn giữ trọn trong tim ngọn lửa nhiệt tâm và niềm tin cách mạng sâu sắc. Tin vào ngày mai tươi đẹp đối với bản thân mình và đồng đội cũng như sự đổi thay trên vùng cát trắng quê hương.

Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam Trần Văn Đằng bảo rằng: “Nhắc đến Ngư Thủy nói chung, đồng bào cả nước nhớ ngay đến Đại đội nữ pháp binh Ngư Thủy, chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, 5 lần bắn cháy và chìm tàu chiến Mỹ, làm rạng danh hình tượng người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Nhưng nhớ đến Ngư Thủy Nam, phải tìm về với Trung đội dân quân Tây Thôn được Nhà nước tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1966, danh hiệu anh hùng đầu tiên của huyện Lệ Thủy. Tây Thôn cũng chính là đơn vị hành chính cuối cùng thuộc tỉnh Quảng Bình giáp Quảng Trị”.

Tây Thôn, ngồi bên bãi biển lồng lộng gió nam nồm, Trưởng thôn Nguyễn Đình Phương, tiếng nói nằng nặng đặc trưng “riêng có” của dân kẻ biển không lẫn vào đâu được kể về cuộc sống bà con mình: “Thôn có 66 hộ, 287 khẩu, gần như 100% thanh niên, thanh nữ đều hành phương nam kiếm sống, chỉ về làng khi năm hết tết đến. Ở lại với thôn chỉ còn phụ nữ, trung niên, người già, trẻ con... Biển bãi ngang lay lắt, cho con cá, con tôm đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Phụ nữ trồng thêm sắn, khoai lang, chế biến nước mắm, ruốc tươi... Dù đời sống bây giờ đang khá dần lên, nhưng muốn làm giàu trên miền cát bỏng này thì khó lắm lắm!”

Tây Thôn anh hùng phía bắc, ngược vài bước chân vô nam đã chạm đất thôn Mạch Nước, xã  Vĩnh Thái, huyện Vinh Linh, cũng toàn cát trắng chang chang. Người thôn Mạch Nước sang đất Tây Thôn trồng rừng chắn cát, lấn mãi ra... Người Tây Thôn vô lấy đất Mạch Nước trồng khoai, lấn mãi vào... Đôi lúc vì chút “đất cát” nhân dân, chính quyền hai thôn, hai xã   “khúc khắc” nhau. Chỉ xích mích nho nhỏ thôi, rồi thì cũng thuận buồm xuôi gió. Bà con rỉ tai nhau câu nói “mát lòng, mát dạ”: ai mô xa đó, đều là dân trên vùng giáp ranh chung trời, chung biển, chung cả đường đi lối về. Giải pháp vẹn đôi đường là cho xâm canh, không được xâm cư.

“Nhưng trai gái thương nhau thì không ngăn sông, cấm đò, cấm chợ chứ?”- Tôi hỏi trưởng thôn Nguyễn Đình Phương. Anh cười mà rằng: “Hoàn toàn không, ở Tây Thôn có 7 chị em đang làm dâu thảo tại thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái đó!”.

Trên những động cát trắng vùng giáp ranh chỉ thấy toàn phi lao rì rào cùng sóng nước. Tây Thôn và Mạch Nước cần có một con đường xuyên giữa cát dài khoảng 3 cây số là đến với nhau rất thuận tiện. Người từ Mạch Nước ra mua cá, mua tôm nơi biển Ngư Thủy Nam ước mơ thế. Cái bụng dân Tây Thôn cũng tương tự như những người hàng xóm khác thôn, khác xã, khác tỉnh... Ước mơ vẫn chỉ ước mơ, còn hiện tại bà con qua lại thăm nhau bằng cách lội cát mà đi.

Chuẩn bị cho một chuyến đi biển mới ở vùng giáp ranh Tây Thôn, Mạch Nước.
Chuẩn bị cho một chuyến đi biển mới ở vùng giáp ranh Tây Thôn, Mạch Nước.

Hoặc nữa, họ thăm nhau khi con nước xuống, biển lùi xa bờ, cát sát mép biển được lèn chặt lại, phụ nữ Ngư Thủy Nam đòn gánh cong hai đầu gánh cá vào tận chợ Vĩnh Thái để bán. Nhiều người sang hơn, hè nhau đẩy xe máy xuống mép biển... cứ thế mà bon bon vô ra. Cuộc sống bình dị, giản đơn ngày lại ngày qua, đong dày thêm tình đoàn kết keo sơn giữa Tây Thôn và Mạch Nước.

Hôm chúng tôi về Ngư Thủy Nam, ghé Tây Thôn, gặp lại ông Nguyễn Đình Thược, nguyên trung đội trưởng dân quân Tây Thôn ngày nào. Ông  Thược đến nay vẫn còn lưu giữ những tấm bằng khen, cờ thi đua của Đảng, Nhà nước tặng cho lực lượng dân quân Tây Thôn anh hùng. Theo thời gian, những kỷ vật quý giá đó bị hư hỏng nặng. Ông Thược lần dở từng kỷ vật cho chúng tôi xem, gương mặt già trĩu nặng nỗi ni­ềm.

“Trung đội dân quân Tây Thôn thành lập năm 1961 gồm 63 cán bộ, chiến sỹ với nhiệm vụ tuần tra, canh gác vùng biển; trực chiến bắn máy bay và chống biệt kích, gián điệp xâm nhập... Vào ngày 11- 6- 1966, trung đội đã bắn cháy một chiếc F4H. Sau đó sáu ngày, chúng tôi tiếp tục liều mình “gánh lửa” giải vây, cứu bà con hai thôn Liêm Bắc và Liêm Lấp bị máy bay Mỹ  ném bom hủy diệt”. Ông Thược nhớ như in cảnh tượng bi tráng hôm đó: “Đất trời rung chuyển, bom nổ chụp lấy trên 300 nóc nhà hai thôn Liêm Bắc, Liêm Lấp. Bà con chạy phân tán ra rừng phi lao trú ẩn, máy bay Mỹ vẫn quần thảo, dùng bom napan, bom bi, rốc két... truy sát.

Trên Cồn Yến, tổ dân quân gồm các đồng chí; Trần Hưng, Nguyễn Văn Du, Trần Thị Di, Trần Văn Hoa, Nguyễn Hữu Lạc, Lê Quang Quế... nảy ra sáng kiến dùng các loại đạn lửa, đạn vạch đường bắn lên trời, thu hút hỏa lực địch về phía mình. Bị phát hiện, máy bay Mỹ lao đến cắt bom. 5 quả bom rơi đúng trận địa, 4 người hy sinh, 2 đồng chí khác bị thương. Trận bom hủy diệt này, hơn 30 người dân vô tội, trong đó có nhiều trẻ con thuộc hai thôn Liêm Bắc, Liêm Lấp bị chết. Nếu không có sáng kiến của dân quân Tây Thôn, chắc chắn thương vong sẽ tăng lên rất nhiều”. Quá khứ bi hùng đã qua mấy chục năm rồi. Bây giờ gợi lại, vết thương lòng lại nhói lên.

Chiều tím sẫm dọc biển trời Ngư Thủy Nam và xã Vĩnh Thái phía Quảng Trị. Trên bãi cát, những chiếc bơ nan được lật lại, vần xuống sát mép biển, ngư lưới cụ chất lên sẵn sàng cho chuyến đi biển mới. Ngư dân hai phía Tây Thôn, Mạch Nước chào nhau bằng điếu thuốc thơm, chén nước chè xanh chát đậm kèm theo lời chúc một đêm bám biển hanh thông, cá mực đầy khoang.

Chiều nơi vùng biển giáp ranh, chúng tôi nghe kể về câu chuyện di dân từ phía nam Quảng Trị ra Vĩnh Linh, Quảng Bình. Nhân dân Quảng Bình nơi vùng giáp ranh đón đồng bào, thêm một lần mở lòng ra, chia ngọt, sẻ bùi, nhường cơm sẻ áo cho bà con Quảng Trị. Đợt di dân này mang mật danh K15.

Thanh Long-Công Hợp

Bài 3: Chiến dịch K15-Nghĩa tình Quảng Bình, Quảng Trị