.

Trên vùng đất giáp ranh - Bài 3: Chiến dịch K15-nghĩa tình Quảng Bình, Quảng Trị

Thứ Ba, 13/05/2014, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Phan Chung, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị nhớ lại: "Sau khi Quảng Trị được giải phóng ngày 1- 5- 1972, nhiệm vụ đặt ra cho Quảng Trị là vừa tổ chức chiến đấu chống trả, đẩy lùi các đợt hành quân tái chiếm của địch, vừa bảo vệ tính mạng nhân dân vùng chiến sự dưới hai làn đạn. Quyết định được Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị thông qua là cần sơ tán nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng ra hậu phương Gio Linh, Vĩnh Linh và Quảng Bình. Kế hoạch 15 (gọi tắt K15) hình thành trong giai đoạn lịch sử đó.

>> Bài 2: Chung biển, chung trời

>> Bài 1: Tình Bắc, duyên Nam

Trở lại với những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, “đất lửa” Quảng Bình và “đất thép” Vĩnh Linh từng có chung hai cuộc di dân lịch sử với mật danh K8, K10. Với riêng vùng đất phía nam Quảng Trị, sau khi  được giải phóng vào ngày 1- 5- 1972, để bảo đảm an toàn cho nhân dân, định hướng cho cuộc chiến tranh có thể kéo dài, đã thêm một cuộc di dân lần thứ ba với tên gọi Kế hoạch 15- K15. Thực hiện kế hoạch này, trên 6 vạn dân ở hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong sơ tán ra hậu phương lớn miền Bắc: từ Do Linh, Vĩnh Linh đến Lệ Thủy, Quảng Bình.

Không có sự chuẩn bị từ trước, bà con vùng nam Quảng Trị xuôi ra phía bắc bằng mọi phương tiện có thể tận dụng, bằng đường biển, bằng đường bộ. Trên đường đi phải hứng chịu nhiều trận oanh tạc dữ dội của máy bay Mỹ, nhiều người chết, nhiều gia đình ly tán người nam, kẻ bắc. Nhân dân hai huyện Gio Linh, Cam Lộ, đón đồng bào Hải Lăng. Nhân dân Vĩnh Linh, Lệ Thủy dang rộng vòng tay chở che cho đồng bào Triệu Phong.

K15 là một cuộc sơ tán dân với quy mô lớn, tuy không bằng K8 và K10 trước đó nhưng do tiến hành trong điều kiện bị động, mức độ chiến tranh khốc liệt nên không tránh khỏi những khó khăn khi phải bảo đảm ăn ở, sinh hoạt, học tập, lao động... trong khoảng thời gian 3 năm, cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chính trong khó khăn, đã hình thành nên một tình cảm gắn bó keo sơn đặc biệt thấm sâu, bền chặt qua hết chiến tranh cho đến tận bây giờ.

Chiến dịch K15 sơ tán đồng bào nam Quảng Trị  ra Vĩnh Linh, Quảng Bình.
Chiến dịch K15 sơ tán đồng bào nam Quảng Trị ra Vĩnh Linh, Quảng Bình.

Nhân dân Triệu Phong thực hiện lệnh sơ tán trong chiến dịch K15, vượt qua sống Bến Hải, đến Vĩnh Linh, Quảng Bình. Gần 4.000 dân huyện Triệu Phong “neo lại” tại Vĩnh Linh và huyện Lệ Thủy. Tại vùng đất giáp ranh, nhân dân xã Sen Thủy đón bà con ra bằng tuyến đường bộ. Phía Ngư Thủy cũng sẵn sàng, dang rộng vòng tay đưa đồng bào các xã biển Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Độ... vào hầm trú ẩn an toàn.

Trong hoàn cảnh thời chiến, máy bay Mỹ oanh tạc ngày đêm, nhân dân Lệ Thủy thực hiện khẩu hiệu “4 chia” (chia nhà, chia cửa, chia lửa, chia máu) với đồng bào Triệu Phong. Các địa phương: Sen Thủy, Ngư Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy, Tân Thủy, Hồng Thủy... cứ một hộ gia đình nhận kết nghĩa, chăm nuôi một gia đình từ Quảng Trị sơ tán, thậm chí có gia đình đón nhận hai đến ba gia đình. Khi nhà nước chưa kịp cấp chế độ, bà con bao bọc nhau có cơm ăn cơm, có sắn khoai dùng sắn khoai, không để một ai bị đói.

Phó chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam Trần Văn Đằng nhớ lại một thời K15: “Tôi sinh năm 1962, khi đó vừa tròn 10 tuổi, vẫn biết những gì xảy ra xung quanh. Còn nhớ một ngày khi đi học về, bước vào nhà thì thấy rất nhiều người lạ. Bố mẹ và mấy người lớn tuổi đang đào thêm hầm tránh bom. Rất nhiều trẻ con trạc tuổi và nhỏ hơn tôi. Bố mẹ nói người thân gia đình do hoàn cảnh chiến tranh, lưu lạc tận Quảng Trị, bây giờ mới tìm về được với quê hương, lại nhắc con cái trong nhà chơi với nhau, không được gây gổ đánh nhau, phải thương yêu, đùm bọc nhau.

Thế hệ chúng tôi có những kỷ niệm đẹp với lũ trẻ đồng trang, đồng lứa diện K15. Ngoài thời gian đến trường thì rủ nhau đánh trần xuống biển bắt còng, bắt cá. Trong thôn, trong xã nhà nào cũng có người đến ở, ít nhất là một gia đình, như nhà tôi có đến hai gia đình từ Triệu Vân ra. Ba mẹ giới thiệu người thân... tôi thắc mắc, rứa thì cả xã Ngư Thủy ni, ai cũng mới nhận lại người thân đi xa về. Thắc mắc rứa, nhưng mau quên... Ba năm sau, khi giải phóng miền Nam, bà con Quảng Trị lần lượt hồi hương”.

Ông Nguyễn Đình Thược, tựa người vào chiếc bơ nan, nhìn xa xăm phía sâu hun hút Quảng Trị, nơi biển trời giao nhau. Ông bảo mình nhớ lắm thời trằn mình trong cát bỏng, lo trực chiến máy bay, lo chống thám báo, biệt kích xâm nhập, lo canh giấc ngủ, đường đi lối lại cho bà con Quảng Trị K15. Bốn muơi hai năm sau... liệu rằng trong nớ nơi Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Độ bà con K15 thủa nào còn nhớ đến vùng biển nghèo Ngư Thủy từng sẻ chia gánh nặng cơm áo, bom đạn, mồ hôi và cả máu xương cùng nhau chăng?! Nhà vợ chồng ông Thược bà Lê Thị Thê, thành viên Xê gái pháo binh Ngư Thủy cũng từng cưu mang một gia đình K15 Quảng Trị gồm 5 thành viên đến từ xã Triệu Độ.

Trở lại thôn Sen Bình, xã Sen Thủy, nhắc đến chiến dịch K15, những người từng lớn lên, gắn bó với vùng đất giáp ranh Sen Bình Khe Lấu trong chiến tranh ai ai cũng biết, cũng nhớ về một thời đạn bom ác liệt, vẫn cưu mang, đùm bọc lẫn nhau, trọn nghĩa, vẹn tình.

Đại gia đình ông bà Nguyễn Văn Yển và Lê Thị Thiếp,  một thời thuộc diện K15.
Đại gia đình ông bà Nguyễn Văn Yển và Lê Thị Thiếp, một thời thuộc diện K15.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Sen Thủy Đinh Đức Ngư kể lại: “Đồng bào K15 ra đến vùng giáp ranh, chúng tôi được sự chỉ đạo của cấp trên, sẵn sàng đón tiếp, bố trí về từng hộ gia đình, về từng hầm trú ẩn. Ba năm cùng “4 chia”, nhân dân Quảng Trị tuyệt đối không có thiệt hại về người cho đến ngày thống nhất đất nước, họ hồi hương. “Bây giờ còn ai thuộc diện K15 bén duyên trên vùng đất giáp ranh, nơi ngọn khoai lang bò ngang hai tỉnh này?”. Câu hỏi của tôi làm Chủ tịch UBND xã Sen Thủy Nguyễn Văn Hiển, cựu cán bộ kỳ cựu Đinh Đức Ngư, Bí thư chi bộ thôn Sen Bình Lê Thanh Vượng và cả Cụm trưởng cụm dân cư Khe Lấu Trần Đức Đông phía Quảng Trị “vắt óc” ra cố tìm xem... Bất chợt, anh Đông à lên: “Có rồi... nơi tui có!”.

Cũng từ cái bảng nhỏ đặt bên phải quốc lộ 1A “Địa phận Quảng Trị, Km 717+ 100” ngược vô nam chưa đầy trăm mét thuộc thôn Chấp Bắc, Bí thư thôn Sen Bình và Trần Đức Đông đưa tôi đến gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Yển, Lê Thị Thiếp. Bà Thiếp đích thị dân K15! Bà kể rằng: “Gia đình tui ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tháng 5- 1972, cả nhà gồm 6 người ra bắc trong chiến dịch K15. Được bà con thôn Sen Bình cưu mang, đùm bọc.

Trong những năm tháng ở Sen Bình, khi đi lao động tăng gia sản xuất, tui gặp ông Yển, người Khe Lấu, dân quân du kích, rồi thành vợ thành chồng. Lấy chồng, tạm biệt Sen Bình nghĩa tình sâu đậm, vào sống tại quê chồng cho đến tận bây giờ. Nói là ở quê chồng nhưng có xa ngái chi mô, nơi ngày xưa gia đình tôi sống những năm thuộc diện K15”.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Yển, Lê Thị Thiếp sinh hạ 4 người con, ba trai, một gái nay đều trưởng thành. Một năm vài lần ông bà, con cháu vào thăm quê ngoại đôi lần.

Câu chuyện về K15... về vùng đất giáp ranh sẽ còn dài lắm. Nghĩa tình, duyên nợ Quảng Bình, Quảng Trị từ đây càng sâu đậm thêm, bắt đầu bằng quá khứ hào hùng, bi tráng đến cuộc sống  hiện tại chân chất, bình dị  và mở ra một tương lai tươi sáng, hiền hòa.

Thanh Long-Công Hợp