.

Tháng năm trên đường 20 huyền thoại - Kỳ cuối: Cờ Tổ quốc trên miền biên viễn

Thứ Tư, 21/05/2014, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ km 39, xã Tân Trạch, dọc theo đường 20 huyền thoại ngược lên đến km 61 xã Thượng Trạch, chúng tôi phát hiện ra một điều thật thú vị, khắp các bản làng đồng bào hai tộc người A Rem và Ma Coong định canh dọc bên đường hay chênh vênh trên những triền dốc cao, hoặc ẩn mình dưới thung lũng sâu... nhà nhà đều treo cờ Tổ quốc. Một ngày thật trong trẻo, đứng trên miền biên viễn, thấy sắc cờ đỏ lồng lộng tung bay trong nắng hồng, in bóng vào màu xanh núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Tự hào làm sao! Càng thêm yêu quý những người dân bản địa trung trinh một lòng theo Đảng, theo Bác. Thấy Tổ quốc mình vững chắc trên đỉnh cao muôn trượng.

>> Kỳ 3: Trung đội thép trên đỉnh đèo Phu la nhích

>> Kỳ 2: Những kỳ tích trên cua chữ A

>> Kỳ 1: Ba tháng và hơn ngàn ngày

Cờ đỏ kiêu hãnh nơi bản Cờ Đỏ ven đường 20 Quyết Thắng.
Cờ đỏ kiêu hãnh nơi bản Cờ Đỏ ven đường 20 Quyết Thắng.

Lâu lắm tôi mới có dịp ngồi lại với Đinh Rầu, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Trạch. Lần này vinh dự hầu chuyện cùng ông ngay chính trong ngôi nhà của ông, bên cạnh bà Y Quê vợ ông cùng những đứa cháu nội, ngoại đề huề.

Đinh Rầu bảo, một đời theo cách mạng, cách mạng đem lại ấm no cho gia đình, cho dân bản, thấy bản làng dần thay đổi như bây giờ, cái bụng phấn khởi nhiều! Hỏi: “Bà con mình treo cờ Tổ quốc nhân dịp có sự kiện gì quan trọng hay treo quanh năm như vậy?”.

“Treo quanh năm. Đầu tiên cũng đi đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền treo cờ Tổ quốc, về sau thì không. Bà con ý thức rõ ràng, treo cờ Tổ quốc ở một nơi trang trọng nhất phía trước nhà mình, xem như có Bác, có đất nước hiện diện bên mình”.

Ngày bản Km 39 định hình vào năm 2004, 42 ngôi nhà sàn khang trang cùng chung màu tấm lợp, món quà của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (khi đó đang là Bí thư Thành ủy, T.P Hồ Chí Minh) tặng cho đồng bào A Rem đồng loạt khoe mình giữa đại ngàn, trở thành một bản dân tộc kiểu mẫu phía tây huyện Bố Trạch.

Thời gian mới đó mà đã kịp tròn mười năm. Mười năm trước lên với Tân Trạch, Thượng Trạch, đường 20 được mệnh danh là “con đường xấu nhất Việt Nam”. Mười năm sau, đường 20 thông thoáng, trải nhựa phẳng chạy đến tận trung tâm xã. Con đường giúp đồng bào xích lại gần hơn với miền xuôi, con đường tạo ra hướng phát triển kinh tế-xã hội, ổn định cuộc sống mới cho những người bạn tốt A Rem, Ma Coong.

“Đại gia đình Đinh Rầu là một gia đình cách mạng nòi”- Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ bảo- “Tháng 10 ni, Đinh Rầu về hưu sau mấy chục năm cống hiến cho cách mạng, nhưng UBND xã vẫn quyết định để Đinh Rầu giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Trong xã Tân Trạch, Đinh Rầu là người A Rem đầu tiên được nhận lương hưu đó”. Nghe Bí thư Đảng ủy xã “khoe” về mình, Đinh Rầu cười hồn hậu.

Đinh Rầu có bốn người con trai và ba người con gái: Đinh Vinh, Đinh Pin, Đinh Linh, Đinh Cất, Y Tất, Y Mật, Y Hất. Các con ông có 3 đảng viên đang giữ những chức vụ cốt cán trong xã: Đinh Pin làm Phó Trưởng công an xã; Đinh Linh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã và Y Tất, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.

Điểm cuối đường 20 Quyết Thắng dừng lại trên đất Việt Nam thuộc địa phận xã Thượng Trạch, xã biên viễn vời vợi xa của huyện Bố Trạch. Với diện tích tự nhiên lên đến 70 nghìn cây số vuông, Thượng Trạch như trải rộng ra, nhận lấy cho mình những tình cảm đoàn kết keo sơn giữa đồng bào hai bên biên giới Việt- Lào, giữa miền ngược với miền xuôi. Gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, vết thương chiến tranh dần lành kín miệng.

Người Ma Coong Thượng Trạch không còn lo chiến tranh, cảnh bom đạn máy bay Mỹ cày đi xới lại bất kể đêm ngày trên đường 20 Quyết Thắng, trên những trọng điểm đi qua địa bàn xã như cua chữ A, ngầm Ta Lê, cửa khẩu Cà Roòng... Nhưng đồng bào lại bước vào một cuộc chiến mới đầy cam go hơn- cuộc chiến chống đói nghèo, cuộc chiến chống sự lãng quên. Rất may! Khi cái đói, bệnh tật, hủ tục, lạc hậu chỉ mới bám vào trước cửa nhà của người Ma Coong, người Kinh đã có mặt giúp đỡ kịp thời đồng bào mình. Và con đường 20 năm xưa chi viện cho chiến trường miền Nam, bây giờ nối gần khoảng cách, giúp người với người xích lại gần nhau!

Dân số xã Thượng Trạch khoảng 476 hộ, 1.300 khẩu, đều là người Ma Coong anh em gần gũi với bà con A Rem trong đại gia đình dân tộc Việt. Họ quần tụ, định canh định cư tại 18 bản trải khắp một vùng núi rừng rộng lớn: A Ki, Troi, Tuộc, bản 61, Cờ Đỏ, Chăm Phu, bản 51, Bụt, Nôồng Cũ, Nôồng Mới, Cà Roòng I, Cà Roòng II, Nịu, Cu Tồn, Cốc, Cồn Roàng, Khe Rục, Ban.

Dọc đường 20 ngược lên cửa khẩu Cà Roòng, bản Cờ Đỏ nằm phía bên trái, lưng lửng giữa triền núi. Tôi từng thắc mắc với Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch vì sao bản lại có cái tên thật đẹp và ý nghĩa như vậy thì chính ông cũng không giải thích được. “Hay là trong chiến tranh bản có nhiều cờ Tổ quốc nên mới có tên gọi như vậy?”- tôi võ đoán.

Chủ tịch xã Đinh Hợp khẳng định: “Cờ Đỏ cũng như bao bản làng khác tại Thượng Trạch, cờ Tổ quốc

Rào rẫy, chuẩn bị cho mùa trỉa hạt mới ở Tân Trạch.
Rào rẫy, chuẩn bị cho mùa trỉa hạt mới ở Tân Trạch.

lúc nào chẳng tung bay trước mỗi nhà đồng bào, nhà văn hóa, trường học, trụ sở cơ quan nhà nước...”. Ra thế! Nhưng với riêng bản Cờ Đỏ tôi lại có ấn tượng đặc biệt khi đã từng trực tiếp trao những món quà nghĩa tình của đồng bằng cho bà con và học sinh trong bản.

Trung tá Nguyễn Văn Bình, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cồn Roàng đưa tôi đi thăm một số bản ở xã Thượng Trạch. Sau những ngày mưa kéo dài, nước suối Cà Roòng phía trước Đồn dâng lên khá sâu, xe máy phải dắt bộ lội sang hết suối mới có thể bám theo tuyến đường tuần tra biên giới mà vào với các bản Cu Tồn, Cốc, Cồn Roàng... sâu phía gần cột mốc.

“Trong tương lai, Đồn biên phòng Cồn Roàng sẽ chuyển vào đóng quân gần sát khu vực biên giới. Đường tuần tra biên giới thi công xong nhưng chiếc cầu chính bắc qua suối Cà Roòng thì chỉ mới hoàn thành mấy cái trụ. Mùa mưa, nếu không có cầu, bộ đội biên phòng, đồng bào các bản Cu Tồn, Cốc, Cồn Roàng... sẽ bị chia cắt dài ngày”- Trung tá Bình cho biết.

Trưởng bản Cu Tồn Đinh Với đón tôi và bộ đội Bình ngay dưới chân cầu thang ngôi nhà sàn khá chắc chắn của mình. Trưởng bản, nói như người miền xuôi và bằng ngôn ngữ hiện đại, thuộc thế hệ 8X, sinh năm 1985. Bản Cu Tồn có 36 hộ dân, bà con chủ yếu sống nhờ vào lúa rẫy và sự hỗ trợ từ phía nhà nước. “Đồng bào không đói cái bụng mô!”- Đinh Với khẳng định! Như minh chứng cho lời mình, Đinh Với chỉ cho chúng tôi thấy mấy chục bao lúa rẫy chất cao nơi góc nhà.

Trong nhà Đinh Với, trang trọng nơi gian chính là tấm ảnh chân dung Bác Hồ treo cao nhất. Ngoài hiên nhà, lá cờ Tổ quốc Đinh Với vừa mới thay, tung bay trong chiều sơn cước. “Nhà ai cũng có cờ, bà con tự nói với nhau treo lên thôi. Đó là cái ý thức từ xa xưa của bản rồi. Cha truyền con nối. Mình còn trẻ, nhưng làm trưởng bản, nên phải gương mẫu”- Đinh Với giải thích thêm.

Tôi lại chọn cho mình một điểm cao trên đường 20 Quyết Thắng, ngắm bản làng đồng bào A Rem, Ma Coong ẩn hiện giữa trùng điệp núi rừng. Nơi nào có cờ đỏ sao vàng lồng lộng tung bay... dĩ nhiên nơi đó có nhân dân. Tự hào thay! Khi Tổ quốc mình vững chắc trên đỉnh cao muôn trượng.

Ngô Thanh Long