.

Tháng năm trên đường 20 huyền thoại - Kỳ 3: Trung đội thép trên đỉnh đèo Phu la nhích

Thứ Ba, 20/05/2014, 07:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Danh hiệu “Trung đội thép” Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng cho 38 nữ công binh quê Thanh Hóa, Nghệ An thuộc đơn vị B3, đại đội 3, tiểu đoàn 33, Binh trạm 14, Đoàn 559. Đại tướng khẳng định: “Chỉ có ý chí gang thép mới trụ được trên trọng điểm này”.

>> Kỳ 2: Những kỳ tích trên cua chữ A

>> Kỳ 1: Ba tháng và hơn ngàn ngày

Chị Dương Thị Trình gặp lại Đại tướng sau 30 năm.
Chị Dương Thị Trình gặp lại Đại tướng sau 30 năm.

Đèo Phu La Nhích nằm trên tuyến đường 20 Quyết Thắng thuộc địa phận tỉnh Khăm Muộn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trọng điểm kéo dài khoảng 8 cây số trong hoang tàn, đổ nát, không có một bóng cây, ngọn cỏ nào tồn tại dưới sức công phá, cày đi xới lại của bom đạn Mỹ. Ngọn đèo chênh vênh, bên vách núi dựng đứng, bên vực sâu thăm thẳm, không mở được các tuyến đường tránh, không có nơi trú ẩn an toàn...

Trong những năm tồn tại tuyến đường 20 vượt khẩu sang ngã ba Lùm Bùm, đèo Phu La Nhích bị máy bay Mỹ đánh phá gần 10.000 lần, trong đó có khoảng 2.450 lần B52. Số lượng bom đạn ném xuống trọng điểm nhiều gấp 5 lần cua chữ A. Riêng bom phá cỡ lớn trên 10 vạn quả. Mỗi cán bộ, chiến sỹ công binh, TNXP chốt giữ trọng điểm hứng chịu bình quân khoảng 1.900 quả bom các loại. Trong điều kiện ác liệt như vậy nhưng những người gác đường, canh trọng điểm vẫn đào đắp, san lấp khoảng 148.263 m3 đất đá, bảo đảm tỷ lệ thông đường gần như tuyệt đối.

Trung đội nữ công binh cắm chốt trên đèo Phu La Nhích nhập ngũ cùng chung  ngày 7- 1- 1971. Từ quê hương Thanh Hóa, Nghệ An, các chị hành quân vào đường 20 Quyết Thắng và nhận nhiệm vụ bảo đảm thông đường trong mọi tình huống tại trọng điểm đèo Phu La Nhích. Khoảng thời gian 3 năm từ 1971 đến 1973, mặc cho mưa bom bão đạn, B3 vẫn kiên trinh bám trụ ngọn đèo, cho từng chuyến xe qua an toàn.

Trong 3 năm làm nhiệm vụ trên đèo Phu La Nhích của các nữ chiến sỹ công binh B3, bây giờ nhớ lại, chị Dương Thị Trình (xã Hải Hòa, huyện Tỉnh Gia, Thanh Hóa) nguyên Trung đội phó “Trung đội nữ công binh thép” vẫn không thể nào tưởng tượng được rằng mình và đồng đội còn tồn tại được ở một nơi mà mỗi nắm đất đều bị rang cháy bởi bom đạn, nắng rát. Chị Trình bảo: “Cứ sau một đợt bom dứt, chị em chúng tôi có mặt ngay trên cung đường. 80% quân số Trung đội là đảng viên nên luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngày đó ước mơ của các thành viên trong “Trung đội nữ công binh thép” bám trụ trên đèo Phu La Nhích là được ăn một bữa cơm trọn vẹn, một đêm ngủ yên giấc không tiếng súng tiếng bom. Mơ ước dung dị, giản đơn thế mà không thể nào thực hiện được. Bát cơm ngày thường trộn lẫn đất, mồ hôi, thậm chí cả máu của đồng đội.

Mùa khô, nắng trên đất Lào khao khát. Mùa mưa... mưa Trường Sơn kéo dài. Mỗi chị em chỉ có hai bộ áo quần thay nhau, những lúc đi thông đường về áo quần không kịp khô, lại phải đốt lửa sấy quần áo mà mặc. Nhiều tháng liền hậu phương chưa tiếp tế kịp, không có xà phòng, không bồ kết gội đầu, không vải màn vệ sinh phụ nữ... chị em mắc bệnh phụ khoa nhiều, bị sốt rét rừng hoàn hành, rồi vắt sên cắn sinh ghẻ đầy người, thiếu cơm, thiếu muối...     

Con gái tuổi mười tám đôi mươi vốn “bẻ gãy sừng trâu” những ngày đầu vào chiến trường, bây giờ nhìn ai cũng mắt trắng, môi thâm, tóc rụng gần hết sau những trận sốt rét rừng...

38 chị em trong “Trung đội nữ công binh thép” năm xưa bám trụ trên trọng điểm đèo Phu La Nhích sau ngày đất nước thống nhất thì giải ngũ. Một số chị vĩnh viễn nằm lại với đường 20 Quyết Thắng, với đất lửa Quảng Bình. Hiện tại Ban liên lạc Trung đội chỉ mới kết nối được 19 thành viên, trong đó hai chị không lập gia đình.

Đầu tháng tư năm nay, tôi có dịp gặp lại “Trung đội nữ công binh thép” trên đèo Phu La Nhích tại Vũng Chùa-Đảo Yến khi các chị vào thắp hương kính viếng người Đại tướng thân yêu của mình.

“Trung đội nữ công binh thép” có nhiều ân tình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ từng ba lần gặp Đại tướng. Lần thứ nhất vào tháng 3- 1973 ngay tại trọng điểm đèo Phu La Nhích. Lần thứ hai cách lần thứ nhất đến 30 năm, tại Thủ đô Hà Nội. Và lần cuối cùng, nơi Vũng Chùa-Đảo Yến, khi Đại tướng yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng.

“Nhưng chúng tôi không quên, không bao giờ quên những kỷ niệm  từng có với Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên tại nơi đơn vị đóng quân”- Chị Dương Thị Trình cố nén dòng cảm xúc để hồi ức quay trở lại những năm tháng can trường trên đường 20 Quyết Thắng- “Một ngày tháng 3 năm 1973, khi đang cùng với chị em san lấp hố bom trên đèo thì nhận được lệnh đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm bộ đội Trường Sơn, thăm “tọa độ lửa” đèo  Phu La Nhích.

Khi nghe báo cáo từ Ban chỉ huy Binh trạm 14, Đại tướng rất bất ngờ và cảm động khi tại đường 20 Quyết Thắng, trên đỉnh đèo hầu như không còn sự sống vẫn có một Trung đội nữ công binh can trường chốt giữ bảo đảm đường thông suốt hơn ba năm liền. Gặp gỡ Trung đội, Đại tướng ân cần thăm hỏi, động viên, biểu dương tinh thần dũng cảm của toàn chị em. Đại tướng bảo “Chỉ có ý chí gang thép mới trụ được trên trọng điểm này!”. Đại tướng quyết định đặt tên cho Trung đội là “Trung đội nữ công binh thép”.

Trung đội nữ công binh thép viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trung đội nữ công binh thép viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chị Vũ Thị Khương, nguyên tiểu đội trưởng A3 của “Trung đội nữ công binh thép” kể tiếp kỷ niệm về Đại tướng: “Bác hỏi chúng tôi cần gì nhất? Chúng tôi nhìn nhau, thẹn lắm! ấp úng trả lời: Dạ thưa bác! Chúng cháu cần nhất là xà phòng, bồ kết và vải màn. Con gái, thiếu những thứ này, khổ lắm. Khổ hơn phá bom nổ chậm, hơn san lấp hố bom, hơn cả đánh trả giặc Mỹ xâm lược!”. Đại tướng chào từ biệt chúng tôi, sau đó chừng nửa tháng thì đơn vị nhận được quà của Đại tướng gửi vào gồm xà phòng, vải màn, bồ kết... Cả trung đội reo hò mừng rỡ, nhiều người cảm động quá khóc rưng rức. Bất ngờ quá khi Đại tướng Tổng tư lệnh bận trăm công nghìn việc vẫn nhớ đến chúng tôi, những cô gái bám trụ trên đỉnh đèo Phu La Nhích”.

Lần thứ hai họ gặp nhau tại Thủ đô Hà Nội... Chị Dương Thị Trình kể rằng: “Năm 2002, khi đang theo dõi tường thuật trực tiếp Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ 3 trên ti vi thì nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắn rằng: Những ai ở Trung đội nữ công binh thép năm xưa nếu còn sống thì hãy đến gặp bác hoặc biên thư cho bác để bác biết. Nghe đến đây, xúc cảm tôi dâng trào! Sau gần 30 năm, sau lần gặp chưa đầy 20 phút nơi trọng điểm đèo Phu La Nhích mà bác vẫn nhớ, vẫn nhắn nhủ, canh cánh cùng chúng tôi. Không để phí thời gian, tôi liên lạc với các đồng đội hiện đang sinh sống tại Thanh Hóa, chuẩn bị ra Hà Nội tái ngộ cùng Đại tướng”.

Sau 30 năm rời “tọa độ lửa” đèo Phu La Nhích, rời con đường 20 Quyết Thắng huyền thoại trên đất Quảng Bình, 10 nữ công binh thép được gặp lại Đại tướng tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu vào ngày 16- 7- 2003. Lần cuối cùng, “Trung đội nữ công binh thép” gặp Đại tướng ở Vũng Chùa-Đảo Yến, nơi an nghỉ vĩnh hằng của Người...

Tôi chạm đất biên giới, cố gắng vượt lên một con dốc cao trên đường 20 trước khi con đường xuyên sâu giữ rừng già, mất hút về phía nước bạn. Ở trên con dốc cao, tôi nhìn về xuôi, chỉ thấy mây núi quyện hòa lấy nhau, mây ôm lấy núi, núi vờn mây, cảnh đẹp như tranh vẽ. Một bức tranh bi hùng đan xen giữa quá khứ và thực tại...

Sâu phía sau bức tranh ấy, cảnh thanh bình của Vũng Chùa-Đảo Yến hiện ra. Tôi thấy những nữ công binh thép năm xưa trên đỉnh đèo Phu La Nhích bây giờ tóc ai nấy đều phơ phơ bạc kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng. Tiếng khóc bật ra, tiếng nấc nghẹn ngào. Họ đã đến đất lửa Quảng Bình, thăm lại đường 20 Quyết Thắng và tái ngộ với Đại tướng trong nỗi tiếc thương khôn cùng.

Ngô Thanh Long

Kỳ cuối: Cờ Tổ quốc trên miền biên viễn