Xã Thượng Hóa (Minh Hóa): Mỏi mòn chờ... "sổ đỏ"

  • 06:06 | Thứ Tư, 02/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều hộ dân ở thôn Hát, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí đến cả tỷ đồng để làm nhà ở ngay trên chính vùng đất mà cha ông họ đã dày công khai khẩn, lập làng. Thế nhưng, nhiều năm qua, họ vẫn ngày đêm "ăn không ngon, ngủ không yên" vì ngôi nhà ở, đất vườn của mình hiện vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (gọi tắt là "sổ đỏ"), do "vướng" phải một số thủ tục pháp lý, rất cần được các cơ quan chức năng chung tay tháo gỡ.
 
Nguyên nhân của câu chuyện trên một phần bởi các đợt lũ lụt xảy ra giai đoạn từ năm 2010-2015. Thời điểm đó, rất nhiều ngôi nhà người dân ở thôn Hát (cũ) đã lần lượt chịu ảnh hưởng của nhiều đợt lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng khiến các hộ dân nơi đây buộc phải di dời đến nơi ở mới theo chủ trương chung của chính quyền huyện Minh Hóa và xã Thượng Hóa để bảo đảm an toàn về tính mạng con người và tài sản. 
Ông Đinh Xuân Thông, Bí thư Chi bộ thôn Hát chỉ vị trí trước đây gia đình ông đã từng định cư, tuy nhiên do sạt lở nên buộc phải di dời đến nơi ở mới.
Ông Đinh Xuân Thông, Bí thư Chi bộ thôn Hát chỉ vị trí trước đây gia đình ông đã từng định cư, tuy nhiên do sạt lở nên buộc phải di dời đến nơi ở mới.
Ông Đinh Xuân Thông, Bí thư Chi bộ thôn Hát cho hay, toàn thôn Hát hiện có 58 hộ, với 292 nhân khẩu, đại đa số người dân đều sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây, toàn bộ các hộ dân thôn Hát đều có nhà ở ngay sát mép chân núi Vùng Vịnh và suối Nước Cái (tên người dân bản địa thường gọi). Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của các đợt lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng nên toàn bộ người dân thôn Hát đã làm đơn xin phép cấp trên chuyển đến khu vực Cây Ngá (cách địa điểm cũ từ 1-2km) để định cư ổn định cho tới tận hôm nay.
 
Theo ông Thông, từ năm 2010-2012, toàn thôn Hát có 3 hộ được chấp thuận hỗ trợ với mức 14 triệu đồng/hộ (gồm các hộ: Đinh Xuân Đào, Đinh Xuân Niêm, Đinh Xuân Hóa) để di dời nhà ở ra khỏi vùng sạt lở đến nơi ở mới (thôn Hát ngày nay).
Những dấu tích còn lại ở vùng sạt lở của thôn Hát (cũ).
Những dấu tích còn lại ở vùng sạt lở của thôn Hát (cũ).
Đến đợt hai (từ năm 2012-2014), toàn thôn Hát lại tiếp tục có thêm 2 hộ được cấp trên hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ (gồm hộ Đinh Xuân Thông và Đinh Xuân Bông) để di dời nhà ở ra khỏi vùng sạt lở.
 
Vào đợt 3, địa phương có thêm 17 hộ dân được cấp trên hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ (gồm 17 triệu đồng hỗ trợ di dời nhà ở và 3 triệu đồng tiền hỗ trợ lương thực) để di dời nhà ở ra khỏi vùng sạt lở.
 
Nói chung, đến thời điểm này, toàn bộ người dân ở thôn Hát đã thực hiện xong việc di dời ra khỏi vùng sạt lở để đến định cư tại khu vực mới theo đúng quy hoạch.
Ông Đinh Xuân Thông, Bí thư Chi bộ thôn Hát cho biết, một số nhà ở của người dân thôn Hát (cũ) bị suối Nước Cái
Ông Đinh Xuân Thông, Bí thư Chi bộ thôn Hát cho biết, một số nhà ở của người dân thôn Hát (cũ) bị suối Nước Cái "nuốt trôi", buộc phải di dời đến nơi ở mới.
Một số cụ cao niên ở thôn Hát cho biết, trước những năm 2010, do thiếu hiểu biết về Luật Đất đai, hoàn cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn..., nên toàn bộ thôn Hát không ai đi làm "sổ đỏ". Đến nay, khi nhận thấy được giá trị của việc cần thiết có "sổ đỏ" thì lại gặp vướng mắc phát sinh. Người dân nơi đây vẫn biết xuất phát từ nguyên do thiên tai bất khả kháng nên mới dẫn tới biến động về diện tích đất, nhà ở, quy hoạch đường giao thông, hồ sơ thủ tục để chứng minh, công tác đo đạc lại diện tích... ở thôn Hát, khiến việc làm "sổ đỏ" gặp nhiều khó khăn.
 
Tuy nhiên, bà con rất mong muốn các cấp chính quyền cùng chung tay hỗ trợ người dân kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nói trên để làm được "sổ đỏ" cho gia đình an tâm hơn trong cuộc sống. Bây giờ muốn vay vốn để đầu tư làm ăn sản xuất, cho con em học tập, đi xuất khẩu lao động, xây dựng và cải tạo lại nhà ở, trao quyền thừa kế cho con cái... cũng rất cần đến "sổ đỏ" để thế chấp, thực hiện việc chuyển nhượng... 
Một góc thôn Hát, xã Thượng Hóa hôm nay.
Một góc thôn Hát, xã Thượng Hóa hôm nay.
Trước nguyện vọng của người dân thôn Hát, ông Đinh Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết, từ nhiều năm qua, trong một số cuộc tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, huyện Minh Hóa, cử tri của thôn Hát cũng đã đề cập tới việc các cơ quan chức năng cần giúp đỡ, hỗ trợ để bà con có thể làm được "sổ đỏ" trong thời gian sớm nhất.
 
Tuy nhiên, do gặp phải một số vướng mắc liên quan đến phạm vi hành lang giao thông đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông), việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, kinh phí để trích đo lại diện tích sử dụng đất, một số hồ sơ, thủ tục khác có liên quan... nên hiện hầu hết các hộ dân ở thôn Hát vẫn chưa thể làm được "sổ đỏ".
 
"Về vấn đề này, UBND huyện Minh Hóa đã chỉ đạo Phòng TN-MT, các đơn vị chức năng và UBND xã Thượng Hóa cần tích cực phối hợp tháo gỡ các vướng mắc tại thôn Hát để giúp người dân sớm làm được "sổ đỏ" để an tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống. Nếu gặp khó ở khâu nào thì kịp thời báo cáo, tham mưu UBND huyện có phương án tháo gỡ các vướng mắc nói trên...", ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa thông tin thêm.

Liên quan đến nội dung này, ông Đinh Minh Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Minh Hóa giải thích thêm: Vừa qua, có rất nhiều hồ sơ liên quan đến cấp "sổ đỏ" của người dân thôn Hát gửi đến Phòng TN-MT huyện Minh Hóa đều đã bị trả lại vì còn thiếu nhiều giấy tờ, nội dung, thủ tục cần bổ sung, chứng minh.

Đơn cử, như: Trước đây, khi đối chiếu với các quy định có tính pháp lý thì mốc hành lang đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông) ngang qua địa bàn xã Thượng Hóa là 25m. Bây giờ căn cứ theo các quy định mới thì mốc hành lang này đã giảm xuống còn 18m, do đó, cần phải có quy hoạch, trích đo lại cho phù hợp.
 
Tiếp đó là việc cung cấp giấy tờ, tài liệu, hồ sơ nhằm chứng minh nguồn gốc sử dụng đất, nhà ở, thời điểm di dời đến nơi ở mới... của người dân thôn Hát vẫn chưa đầy đủ, thiếu sự chính xác, thống nhất nên chưa thể xác lập được quyền sở hữu về đất, nhà ở tại thời điểm này. 
Văn Minh

tin liên quan

Chủ động ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép

(QBĐT) - Sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN cũng như Việt Nam đã mở cửa cho người nước ngoài nhập cảnh nên tình hình xuất nhập cảnh (XNC) có nhiều chuyển biến tích cực.
 

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính-ngân sách

(QBĐT) - Ngày 31/7/2023, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính-ngân sách nhà nước. 

Tổ chức phiên tòa giả định phổ biến, giáo dục pháp luật tại xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới)

(QBĐT)- Ngày 31/7, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP. Đồng Hới cùng với Sở Tư pháp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền, PBGDPL tại xã Đức Ninh.