Phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

  • 09:27 | Thứ Tư, 17/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện tại, đàn gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn huyện Bố Trạch cơ bản bảo đảm an toàn về dịch bệnh. Tuy nhiên, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm, như: Lở mồm, long móng, tai xanh, cúm gia cầm, bệnh dại… là rất cao. Do đó, huyện Bố Trạch đang tích cực triển khai các giải pháp để phòng, ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
 
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, nhờ có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện nên ngành chăn nuôi vẫn đạt được một số kết quả nhất định. Tổng số đàn trâu, bò trong nông hộ được duy trì; tổng đàn lợn tăng so với cùng kỳ; đàn gia cầm vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, đàn trâu 5.586 con, đàn bò 18.803 con, đàn lợn 62.916 con, đàn gia cầm 958.210 con. Các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn sinh học tiếp tục được đẩy mạnh ở các trang trại, hộ chăn nuôi.
Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Chất lượng đàn vật nuôi được duy trì tốt, tỷ lệ đàn bò lai trong nông hộ đạt 56,5% so với tổng đàn bò (tăng 3,5% so với cùng kỳ). Các giống bò năng suất, chất lượng cao vẫn đang được sử dụng để phối giống trên địa bàn và được người chăn nuôi ưa chuộng. Lợn nái ngoại sinh sản hơn 2.600 con, đạt 56,5% so với tổng đàn lợn nái. Các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đã có sự phát triển, mang lại hiệu quả cao.
 
Tuy nhiên, trong năm 2023, một số bệnh, như: Dịch tả lợn châu Phi; viêm da nổi cục trâu, bò; lở mồm long móng trâu, bò và cúm gia cầm… vẫn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn huyện. Đặc biệt, bệnh dại tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trong thời gian tới, do công tác quản lý đàn chó, mèo chưa được quan tâm. Kết quả tiêm phòng vắc-xin GSGC và bệnh dại năm 2023 đạt thấp, chưa bảo đảm miễn dịch phòng bệnh cho đàn vật nuôi…
 
Ý thức được sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, có thể gây hại cho vật nuôi bất cứ lúc nào, nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa.
 
Anh Lê Quốc Bảo, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi vịt Vạn Lộc (xã Vạn Trạch, Bố Trạch) chia sẻ: “Hiện, tổ hợp tác của chúng tôi đang nuôi khoảng 3.000 con vịt đẻ trứng. Để bảo đảm đàn vịt được sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Định kỳ 6 tháng, chúng tôi tiêm vắc-xin phòng dịch cho đàn vịt 1 lần và thường xuyên phun thuốc khử trùng trong, ngoài chuồng; đồng thời bổ sung các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng và vitamin C để tăng sức đề kháng cho vịt…”.
Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đàn vịt của Tổ hợp tác chăn nuôi vịt Vạn Lộc (xã Vạn Trạch) sinh trưởng, phát triển tốt.
Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đàn vịt của Tổ hợp tác chăn nuôi vịt Vạn Lộc (xã Vạn Trạch) sinh trưởng, phát triển tốt.
Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các địa phương trích ngân sách mua hóa chất. Các trang trại chăn nuôi chủ động mua thêm các loại hóa chất, vôi bột, thực hiện vệ sinh, tiêu độc môi trường chăn nuôi. Công tác tiêm phòng cho GSGC ở các trang trại thực hiện tốt, các chủ trang trại chủ động tiêm phòng theo từng lứa nuôi và đạt tỷ lệ tiêm 100% tổng đàn. Huyện cũng quan tâm, đẩy mạnh xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, xác định đây là một trong những giải pháp cơ bản trong phòng, chống dịch, đồng thời là cơ sở để chuyển dần sang hình thức chăn nuôi an toàn sinh học.
 
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn còn một số hạn chế, như: Một số địa phương chưa quyết liệt trong rà soát, thống kê tổng đàn vật nuôi để xây dựng kế hoạch tiêm phòng sát đúng với thực tế; công tác chỉ đạo tiêm phòng chưa quyết liệt, nhiều địa phương tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp. Chăn nuôi phần lớn là nông hộ nên việc áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh chưa đồng bộ; chính sách hỗ trợ về công tác tiêm phòng còn hạn chế, một số địa phương còn thiếu cán bộ thú y…
 
Hiện, trên địa bàn huyện Bố Trạch có 26 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh (đứng đầu cả tỉnh); trong đó có 21 cơ sở cấp trang trại, 2 cơ sở loại hình công ty, 1 cơ sở loại hình hợp tác xã và 2 cơ sở an toàn cấp xã.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện đã đưa ra các giải pháp, như: Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở để tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Các ngành, địa phương liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; khuyến cáo người chăn nuôi không bán chạy, không vứt xác động vật ra môi trường; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch theo quy định.

Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là giải pháp tốt nhất và chi phí thấp nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó, huyện yêu cầu tỷ lệ tiêm phải đạt trên 80% tổng đàn GSGC tại thời điểm tiêm phòng.
 
Năm 2024, UBND huyện hỗ trợ vắc-xin viêm da nổi cục tiêm phòng cho đàn trâu, bò của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; hỗ trợ 100% tiền mua vắc-xin dại để tiêm phòng cho đàn chó nuôi theo nhu cầu đăng ký của các địa phương. Công tác giám sát dịch cần được tăng cường, phát hiện sớm và kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm hạn chế số ổ dịch xảy ra. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển GSGC, sản phẩm GSGC nhằm hạn chế dịch bệnh xâm nhiễm từ các tỉnh, huyện khác vào, đi qua địa bàn huyện. Huyện tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn GSGC, bệnh dại trên chó, mèo…
Lê Mai

tin liên quan

Tăng chuyến bay đêm, linh hoạt giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đã họp với các hãng hàng không để xem xét tăng chuyến bay, tăng chỗ, linh hoạt giá vé máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại dịp lễ 30/4 - 1/5 của người dân.

TP. Đồng Hới: Tiếp tục triển khai phủ sóng thanh toán QR Code

(QBĐT) - Sáng nay, 16/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình phối hợp với UBND TP. Đồng Hới tổ chức khảo sát thực tế tình hình triển khai phủ sóng thanh toán QR Code tại địa bàn xã Đức Ninh.

 
 

Chú trọng thúc đẩy phát triển ngoại giao kinh tế

QBĐT) - Với khát vọng phát triển, Quảng Bình đã và đang tập trung thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Qua đó, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.