icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
NHÂN NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA 10/10

"Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị"

  • 06:54 | Thứ Ba, 10/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, kết quả thực hiện chuyển đổi số (CĐS) và triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT)-cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Quảng Bình.
 
- P.V: Thưa ông, tỉnh ta đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh CĐS trong hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Ông có thể đánh giá khái quát những kết quả bước đầu trong công cuộc CĐS của tỉnh?
 
* Ông Nguyễn Xuân Ngọc: Có thể khẳng định rằng, CĐS tỉnh Quảng Bình thời gian qua đã có những bước chuyển biến tích cực, trên cả 5 yếu tố nền tảng chung là nhận thức số, thể chế số, nhân lực số, hạ tầng số và an toàn thông tin; cũng như 3 mặt hoạt động chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
 
Trong đó, nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị được nâng lên rõ rệt. Hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, các quy định, quy chế… được xây dựng, hoàn thiện cơ bản. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề và UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện CĐS tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là căn cứ, cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng cho việc triển khai, tổ chức thực hiện CĐS một cách tổng thể, toàn diện.
Các nhà mạng trên địa bàn Quảng Bình tích cực triển khai nhiều giải pháp du lịch thông minh qua ứng dụng số.
Các nhà mạng trên địa bàn Quảng Bình tích cực triển khai nhiều giải pháp du lịch thông minh qua ứng dụng số.
Các hệ thống thông tin chính quyền số đã được xây dựng cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành, giải quyết công việc của các cấp chính quyền và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Đề án 06 và Đề án 468 (về đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính) được triển khai tích cực, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động tạo lập, khai thác dữ liệu số và giải quyết công việc, cung cấp dịch vụ công trên môi trường mạng. Tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc xử lý trên môi trường mạng tại cơ quan cấp tỉnh là 96%, cấp huyện là 90%, cấp xã là 75%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh của các dịch vụ công trực tuyến đạt 74,2%.
 
Tại TP. Đồng Hới và TX. Ba Đồn đã tổ chức khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) cấp huyện. Đồng thời triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh rất thiết thực, như: Ứng dụng công dân số; ứng dụng phản ánh hiện trường; camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông; wifi internet miễn phí công cộng… 
 
Kinh tế số và xã hội số tiếp tục phát triển. Các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn và tăng cường sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, không gian số để đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động. Người dân từng bước tiếp cận, rèn luyện kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó hình thành thói quen số và văn hóa số.
 
Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2023 do Bộ TT-TT cung cấp, chính quyền số Quảng Bình đứng thứ 46/63, kinh tế số đứng thứ 34/63 và xã hội số đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
- P.V: Thưa ông, cùng với những kết quả nổi bật nêu trên, còn có những khó khăn, vướng mắc, hạn chế nào trong CĐS?
 
* Ông Nguyễn Xuân Ngọc: Bên cạnh nhưng kết quả đạt được, thực tế CĐS tỉnh Quảng Bình vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn, đó là: Kiến thức, kỹ năng về ứng dụng CNTT, CĐS của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Nhân lực chuyên trách, kiêm nhiệm về CNTT, CĐS, an toàn thông tin mạng của các ngành, cơ quan, đơn vị còn quá mỏng, năng lực tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển.
Lực lượng Công an tích cực hỗ trợ người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Lực lượng Công an tích cực hỗ trợ người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Hạ tầng mạng kết nối internet băng rộng tại một số địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được phủ toàn diện hoặc chưa bảo đảm chất lượng. Một bộ phận người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có điều kiện sở hữu, sử dụng thiết bị máy tính, điện thoại thông minh để tiếp cận công nghệ, dịch vụ số, nâng cao kiến thức, kỹ năng số.
 
Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ trực tuyến thực sự chưa cao; tỷ lệ giao dịch thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính còn thấp...
 
- P.V: Hưởng ứng Ngày CĐS Quốc gia 10/10, Quảng Bình đã và đang triển khai những hoạt động nổi bật nào, thưa ông?
 
* Ông Nguyễn Xuân Ngọc: Các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS Quốc gia 10/10 năm nay cơ bản bám sát chủ đề và nội dung hướng dẫn hoạt động chung của Ủy ban quốc gia về CĐS, Bộ TT-TT và có một số điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình CĐS tại tỉnh.
 
Theo đó, Quảng Bình đã và đang tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính, như: Triển khai truyền thông cổ động trực quan và trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về CĐS, về tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị. Trong đó bao gồm cả việc tuyên truyền, vinh danh, nêu gương các điển hình có kết quả, hiệu quả tốt trong CĐS.
 
Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức ra quân tổ công nghệ số cộng đồng trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân về CĐS; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân mở tài khoản thanh toán điện tử, đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, như: Vỏ sò, Postmart; sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng VNeID, ứng dụng phản ánh hiện trường…
 
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn chia sẻ, trao đổi, truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về CĐS và bảo đảm an toàn thông tin trong CĐS; về số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng và bảo vệ dữ liệu, bao gồm cả bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đối với nhóm hoạt động này, qua theo dõi cho thấy, đã và đang diễn ra khá sôi động trên nhiều lĩnh vực.
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Quảng Bình (IOC) đi vào hoạt động góp phần xây dựng chính quyền điện tử.
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Quảng Bình (IOC) đi vào hoạt động góp phần xây dựng chính quyền điện tử.
- P.V: 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị”, ông có thể chia sẻ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu này nói riêng và về CĐS tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nói chung?
 
* Ông Nguyễn Xuân Ngọc: Năm 2023 đã được Ủy ban quốc gia về CĐS xác định là Năm Dữ liệu số quốc gia với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị” nhằm thúc đẩy phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp.
 
Tại Quảng Bình, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 698/KH-UBND của UBND tỉnh về CĐS tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hiện nay các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương đang triển khai CĐS theo hướng lấy dữ liệu làm trung tâm (Data Centric) và tận dụng hiệu quả sự bùng nổ dữ liệu trên các nền tảng số, dịch vụ số. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
 
Thứ nhất, rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị công nghệ và hạ tầng kết nối internet băng rộng để đáp ứng yêu cầu thực hiện số hóa và triển khai các Đề án 06, Đề án 468 của Chính phủ. Đẩy mạnh cung cấp và tăng cường hướng dẫn, trợ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính.
 
Thứ hai, nghiên cứu, đề xuất bố trí ngân sách để xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phát triển dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực. Phối hợp thực hiện kết nối, tích hợp dữ liệu với nền tảng hồ sơ dữ liệu, các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh để chia sẻ, tổ chức khai thác hiệu quả dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở tạo giá trị mới trong chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
 
Thứ ba, chủ động triển khai các hoạt động dẫn dắt phát triển kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực và trên địa bàn quản lý. Phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng quản trị, kinh doanh và đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp CĐS, tham gia sàn thương mại điện tử.
 
Thứ tư, tích cực triển khai cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở về công dân số, kết nối số và văn hóa số. Đồng thời chú trọng phối hợp phổ biến, hướng dẫn cho người dân kỹ năng bảo vệ bản thân trên môi trường mạng, kỹ năng tham gia môi trường số an toàn, bảo mật, hợp pháp.
 
- P.V: Xin cảm ơn ông!
Nội Hà (thực hiện)

tin liên quan

Quy chế xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường tỉnh

(QBĐT) - Ngày 28/9, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2023/QĐ-UBND ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường tỉnh Quảng Bình.

Việt Nam tăng 2 bậc trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023

Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57 theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023.

Vai trò quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm

(QBĐT) - Sáng 28/9, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học "Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Bình".