Vì mục tiêu phát triển bền vững

  • 08:56 | Thứ Hai, 08/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), ngành GD-ĐT Quảng Bình đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD một cách toàn diện.
 
Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã tập trung các giải pháp nhằm thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho GD và triển khai đồng bộ Chương trình GD mầm non (MN), GD phổ thông, GD thường xuyên.
Áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến ở Trường mầm non Sky (TP. Đồng Hới).
Áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến ở Trường mầm non Sky (TP. Đồng Hới).
Ngành GD-ĐT đã chỉ đạo thực hiện 4 mô hình điểm cấp tỉnh ở bậc học MN, gồm: “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN dân tộc thiểu số ở Trường MN Kim Thủy” (Lệ Thủy), “Thực hiện bán trú cho học sinh (HS) vùng khó khăn ở Trường MN số 1 Trọng Hóa” (Minh Hóa), “Phương pháp GD tiên tiến ở Trường MN Paris” (TP. Đồng Hới), “Cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh” tại Trường MN song ngữ Thiên Thần Nhỏ (TX. Ba Đồn).
 
Nhiều trường học đã tổ chức hiệu quả các hoạt động, như: Ngày hội của bé, hội thi “Xây dựng môi trường GD bên ngoài lấy trẻ làm trung tâm”, giám sát quy trình tổ chức bữa ăn và chất lượng bữa ăn cho trẻ... Nhờ vậy, 100% trẻ được bảo đảm an toàn về thể chất, tâm lý; 100% trẻ khuyết tật được hòa nhập trong các cơ sở giáo dục (CSGD). Nhiều trường học, triển khai vận dụng các chương trình GD tiên tiến, như: STEAM, STEM, Montessori, Reggio Emilia…
A
Việc tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm, các trường học đã tạo hứng thú cho học sinh khi tới trường.
Ở bậc tiểu học (TH), các đơn vị đã triển khai thực hiện tốt những nội dung của Chương trình GDPT 2018 (lớp 1, 2, 3, 4) và Chương trình GDPT 2006 (lớp 5), trong đó chú trọng dạy học bộ môn Tiếng Anh, Tin học. Ngành còn tổ chức nhiều hoạt động, như: Hội thảo chuyên đề GD STEM cấp tỉnh, tập huấn các chuyên đề về xây dựng trường học hạnh phúc, dạy học phát triển năng lực giao tiếp, hợp tác, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học tiếng Anh… Đặc biệt, các trường học luôn quan tâm đến công tác GD thể chất và hoạt động trải nghiệm cho HS.
 
Thầy giáo Nguyễn Duy Hoàng, GV bộ môn GD thể chất, Trường TH số 2 Hoàn Lão (Bố Trạch) cho hay: Để rèn luyện sức khỏe, ý thức tổ chức kỷ luật cho HS, nhà trường đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị phục vụ hoạt động GD thể chất cho HS. Giáo viên (GV) của trường luôn tổ chức cho HS thực hiện các bài tập thể dục buổi sáng, tạo điều kiện cho HS tham gia các trò chơi vận động nhằm nâng cao thể lực. Trường còn thành lập các câu lạc bộ bóng đá, bóng bàn, bơi lội trong HS và duy trì hình thức sinh hoạt đều đặn. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, rèn luyện sức khỏe cho HS.
A
Góc hoạt động thể chất ngoài trời của Trường tiểu học Lương Ninh (Quảng Ninh).
Nói về môn học, hoạt động yêu thích, em Nguyễn Thảo Nguyên, HS lớp 4B Trường TH Lương Ninh (Quảng Ninh) cho biết: Em thích nhất là môn thể dục ngoài trời và hoạt động trải nghiệm bởi tham gia các hoạt động này giúp chúng em cảm thấy vui vẻ, được thỏa sức sáng tạo và có sức khỏe tốt hơn, từ đó tạo hứng thú cho chúng em trong học tập.
 
Đối với bậc GD trung học, ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng GD. Nổi bật là ngành đã tổ chức tốt hội thảo khoa học về phương pháp dạy học chương trình GD trung học tất cả các môn của lớp 10. Hội thảo này thu hút gần 600 GV tham gia với 140 báo cáo tham luận nhằm chia sẻ, đề ra các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng dạy và học của GV, HS.
 
Một trong những điểm nhấn trong năm học 2023-2024 là ngành đã tổ chức thành công hội thi GV chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh bậc THPT và cuộc thi khoa học kỹ thuật HS trung học cấp tỉnh. Qua đó, toàn ngành có 41 GV đạt danh hiệu GV chủ nhiệm lớp giỏi và 47 dự án KHKT của HS đoạt giải, trong đó, 2/4 giải nhất tham gia cuộc thi cấp quốc gia đều đạt giải (1 giải nhì và một giải tư).
 
Về chất lượng mũi nhọn, năm học này, ngành đạt thành tích khá cao với 47/67 HS dự kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT đoạt giải. Đối với lĩnh vực GD thường xuyên, ngành GD-ĐT đã tổ chức tập huấn đại trà về đổi mới kiểm tra và công tác phổ cập GD, xóa mù chữ cho cán bộ quản lý, GV các trung tâm GD dạy nghề, GD thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Ngành còn phối hợp với Viện đào tạo-bồi dưỡng nguồn nhân lực tập huấn cho cán bộ quản lý, GV các trường THCS, THPT về công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, định hướng phân luồng cho HS…
 
Công tác chuyển đổi số (CĐS) được toàn ngành triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, CSGD và tập trung những hoạt động nhằm phát triển công dân số…
 
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn, trên hành trình thực hiện mục tiêu đổi mới toàn diện GD, ngành GD-ĐT còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Thực tế cho thấy, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh còn thiếu CSVC, trang thiết bị, tình trạng số HS/lớp vượt quá mức quy định còn khá phổ biến… Theo đó gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG).
 

“Để đổi mới GD toàn diện, ngành GD-ĐT đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá HS theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS trong học tập. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hướng tới trường học hạnh phúc. Mặt khác, toàn ngành tập trung công tác chuẩn bị để tổ chức tốt kỳ thi, tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”, Giáo đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn cho biết thêm.

Tính đến tháng 3/2024, toàn tỉnh có 290/552 trường đạt CQG (52,5%). Một số địa phương triển khai thực hiện tốt hoạt động này là huyện Lệ Thủy với 70/82 trường đạt CQG; TX. Ba Đồn (45/55 trường đạt CQG) và Quảng Ninh (36/48 trường đạt CQG).
 
Không chỉ ở các địa phương vùng sâu, vùng xa mà ngay tại TP. Đồng Hới công tác xây dựng trường học đạt CQG cũng còn nhiều vướng mắc, rào cản. Hiện tại, toàn thành phố có 18/59 trường học đạt kiểm định chất lượng GD và CQG, 28/59 trường đã quá hạn công nhận CQG. Nguyên nhân chính của vấn đề trên là do số HS/lớp cao so với quy định, CSVC, diện tích trường học chưa bảo đảm theo quy định mới của Bộ GD-ĐT.
Trong công tác CĐS, ngành cũng gặp không ít khó khăn. Ngành chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, dùng chung, tỷ lệ nộp các khoản thu không dùng tiền mặt chưa đạt chỉ tiêu tỉnh giao…
 
Từng bước khắc phục khó khăn, ngành GD-ĐT tiếp tục nỗ lực huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa GD để thực hiện hiệu quả công tác xây dựng trường học CQG và tăng cường ứng dụng CNTT, CĐS trong lĩnh vực GD-ĐT, tạo nền tảng vững chắc để đổi mới GD nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nh.V

 

tin liên quan

Bế mạc hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp cơ sở

(QBĐT) - Chiều nay, 31/3, Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình tổ chức bế mạc hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp cơ sở năm 2024.
 

Khai mạc hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cơ sở năm 2024

(QBĐT) - Sáng nay, 30/3, Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình tổ chức khai mạc hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp cơ sở năm 2024.
 

Ghi ở một trường học đạt chuẩn quốc gia

(QBĐT) - Những năm qua, Trường tiểu học Lương Ninh (Quảng Ninh) đã tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.