Câu hỏi tuần này:

Cơ chế hỗ trợ các giải pháp đạt giải tại hội thi sáng tạo kỹ thuật như thế nào ?

Cập nhật lúc 10:42, Thứ Hai, 28/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Tính đến thời điểm này, tỉnh ta đã tổ chức thành công 4 hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh. Nhiều giải pháp đạt giải đã được áp dụng thành công trong thực tế, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Để tìm hiểu rõ hơn về những cơ chế hỗ trợ đối với các tác giả và giải pháp đạt giải sau khi tham gia hội thi, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Lý, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức hội thi.

* P/V: Thưa ông, ông có thể điểm qua vài nét từ hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh lần thứ nhất đến nay?

- Ông Nguyễn Đức Lý (N.Đ.L): Theo thông lệ cứ hai năm một lần, hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh lại được tổ chức. Từ năm 2005 đến nay đã trải qua 4 lần thi. Ngay sau lễ phát động, thể lệ hội thi được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ban tổ chức cũng đồng thời gửi hàng trăm ấn phẩm tuyên truyền về hội thi về tận cơ sở, các ban ngành liên quan để cùng phối hợp. Qua 4 hội thi đã có 146 giải pháp tham dự, kết quả có 59 giải pháp được trao giải, trong đó có 8 giải nhất. Nhiều giải pháp đã được áp dụng thành công trong thực tế và mang lại hiệu quả cao, điển hình như giải pháp “Kỹ thuật phẫu thuật nội soi treo tử cung trực tiếp vào thành bụng trong điều trị sa sinh dục” của tác giả Phan Xuân Khôi; giải pháp “Bộ đồ dùng dạy hình học cấp THCS với vật dụng compa kỳ diệu” của tác giả Hoàng Thái Anh... Có thể nói, hội thi đã thu hút sự góp mặt của nhiều tác giả ở nhiều độ tuổi, nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự tham gia tích cực đó đã góp phần mang lại hiệu quả cao cho hội thi, đặc biệt là trong 4 năm trở lại đây.

* P/V: Được biết điều kiện để tham gia hội thi là các giải pháp đã được ứng dụng trong thực tế. Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp đạt giải chỉ mới được ứng dụng trong phạm vi hẹp (cơ quan, đơn vị, trường học...). Vậy ngành Khoa học và Công nghệ đã và đang có những cơ chế gì trong việc hỗ trợ các tác giả đạt giải để các giải pháp có thể được ứng dụng rộng rãi trong đời sống?

- Ông N.Đ.L: Đây là một trong những vấn đề chúng tôi rất quan tâm. Để có thể sản xuất và ứng dụng rộng rãi các giải pháp của mình trong thực tế, các tác giả có thể tiến hành bằng hai cách: Thứ nhất là cần có sự liên kết, liên doanh với các nhà sản xuất, công ty, doanh nghiệp, nhà tài trợ... để tiến hành sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường. Cách này đòi hỏi bản thân mỗi tác giả phải có sự chủ động, sáng tạo trong quá trình tìm kiếm đối tác và thị trường. Cách thứ hai, các tác giả có thể tiến hành dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm. Đối với cách này, Bộ Tài chính – Bộ Khoa học và Công nghệ đã có thông tư liên tịch số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21-2-2011, hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm (SXTN) được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Thông tư nêu rõ đối tượng áp dụng cùng những quy định cụ thể, công tác quản lý tài chính và tổ chức thực hiện. Mức hỗ trợ các dự án sản xuất thử nghiệm được quy định cụ thể như sau: tối đa đến 30% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (không tính giá trị còn lại hoặc chi phí khấu hao trang thiết bị, nhà xưởng đã có vào tổng mức kinh phí đầu tư thực hiện dự án); tối đa đến 50% và 70% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án SXTN trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục các tổ chức hành chính thuộc vùng khó khăn và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

* P/V: Để nhận được sự hỗ trợ trong quá trình SXTN theo Thông tư liên tịch nói trên, các tác giả cần tiến hành các bước như thế nào, thưa ông?

- Ông N.Đ.L: Trước hết, sản phẩm tham gia SXTN phải thuộc về những giải pháp, những nghiên cứu đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, cụ thể ở đây là những giải pháp đã được Ban tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh trao giải. Tiếp đó, để nhận được kinh phí tài trợ, các tác giả phải lập dự án chi tiết để trình cơ quan chức năng. Thông tư liên tịch số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN đã hướng dẫn khá cụ thể về trình tự, cách thức triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm cũng như tỷ lệ hỗ trợ cho các lĩnh vực, địa bàn... Nếu dự án sản xuất thử nghiệm của các tác giả đạt yêu cầu theo quy định của thông tư, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các tác giả trong quá trình triển khai cũng như cấp kinh phí theo cam kết...

* P/V: Thưa ông, tính đến thời điểm này đã có dự án SXTN nào được tiến hành với cơ chế hỗ trợ theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN?

- Ông N.Đ.L: Thông tư liên tịch số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN có hiệu lực từ ngày 8-4-2011 và được dùng để thay thế cho Thông tư liên tịch số 85/2004/TTLT-BTC-BKHCN ngày 20-8-2004 của liên Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ. Nói như vậy để thấy cơ chế hỗ trợ này đã có từ trước Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ nhất (năm 2005).

Trên thực tế, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa có dự án sản xuất thử nghiệm nào được triển khai theo hướng dẫn của hai thông tư liên tịch nói trên. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ II, giải pháp “Máy hút dự trữ áp lực âm" của tác giả Phan Xuân Khôi (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới) đã được Công ty dược Đông Á, một doanh nghiệp thuộc ngành y tế, ký hợp đồng và đang trình Bộ Y tế để đưa vào sản xuất hàng loạt. Đây là tín hiệu vui cho các tác giả cũng như những giải pháp đạt giải hội thi.

Để các giải pháp thật sự đi vào cuộc sống, chúng tôi, những người làm công tác khoa học và công nghệ, mong muốn các tác giả mạnh dạn triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm, hoặc tìm kiếm đối tác để liên doanh, liên kết sản xuất sản phẩm. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ các tác giả hết mình trong phạm vi trách nhiệm của mình.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

                                                                                       Hiền Mai (thực hiện)


,
.
.
.