Thực hiện chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập:

Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho bậc giáo dục mầm non

Cập nhật lúc 10:12, Thứ Năm, 24/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 2010, UBND tỉnh đã có quyết định chuyển đổi 105 trường mầm non bán công ở 6 huyện, thành phố sang công lập (riêng huyện Minh Hóa 100% trường mầm non đã được công lập). Với các trường mầm non, điều này cũng đồng nghĩa với việc được tự chủ về tài chính, được sự đầu tư và quan tâm nhiều hơn từ phía Nhà nước. Có thể nói, đây còn là điều kiện thuận lợi để các trường mầm non trong toàn tỉnh khắc phục những khó khăn để nâng cao chất lượng dạy và học.

Với kế hoạch đó, năm học 2010-2011, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng đề án chuyển đổi các trường mầm non bán công trên địa bàn tỉnh sang công lập. Cụ thể, công tác chuyển đổi được phân thành hai giai đoạn gồm: tỉnh sẽ chuyển 25 trường mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, vùng miền núi, vùng nông thôn nghèo sang công lập; 80 trường mầm non bán công còn lại chuyển sang công lập tự chủ và hoạt động theo Nghị định của Chính phủ "Về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập".

Mục đích của việc thực hiện đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập nhằm bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có trường mầm non công lập để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (giai đoạn 2010-2015). Đây còn là giải pháp nhằm tăng cường sự đầu tư của Nhà nước và huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư cho bậc giáo dục mầm non.

Cô giáo Trần Thị Dung, Hiệu trưởng Trường mầm non Đồng Phú (Đồng Hới) cho biết, thực tế cho thấy, mặc dù cùng một trình độ đào tạo nhưng chế độ đãi ngộ quá chênh lệch nhau giữa các loại hình trường đã tạo ra sự mất công bằng, gây tâm lý thiếu yên tâm công tác trong đội ngũ giáo viên ngoài biên chế. Vì vậy, việc áp dụng chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện, bảo đảm sự công bằng trong giáo dục.

Chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Ảnh: N. L
Chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Ảnh: N. L

Đến nay, toàn tỉnh đã có 105 trường mầm non bán công và công lập tự chủ được chuyển đổi thành trường mầm non công lập với 1.610 giáo viên, nhân viên được tuyển dụng vào viên chức nhà nước và hưởng lương theo hệ số ngạch, bậc quy định, (trong đó có 1.446 giáo viên và 164 nhân viên). Cụ thể, tại huyện Quảng Trạch có 22 trường với 358 giáo viên, nhân viên trúng tuyển; Đồng Hới có 16 trường với 229 giáo viên, nhân viên trúng tuyển; Quảng Ninh có 12 trường với 221 giáo viên, nhân viên trúng tuyển; Lệ Thủy 16 trường; Bố Trạch có 28 trường với 214 giáo viên, nhân viên trúng tuyển; Tuyến Hóa có 11 trường với 113 giáo viên, nhân viên trúng tuyển. 

Theo ông Trần Đình Nhân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên ở các trường mầm non vào biên chế đã được thực hiện trên cơ sở các quy định của Nhà nước và có tính đến đóng góp của từng cá nhân đối với trường và ngành GD-ĐT. Tiêu chí mà liên ngành GD-ĐT và Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh trong việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường mầm non vào biên chế là: giáo viên phải đạt chuẩn theo quy định, cụ thể là trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; thời gian công tác đến khi về hưu ít nhất phải 15 năm; phải hoàn thành nhiệm vụ trong các năm công tác; có quyết định tuyển dụng vào làm việc của cấp có thẩm quyền hoặc đơn vị tuyển dụng; người có trong danh sách đề nghị của trường mà thời gian tuyển dụng có ít nhất là hai năm công tác và ít nhất một năm đóng bảo hiểm. Mốc thời gian để tính là 31-5-2011.

Bên cạnh đó, các trường không được phép tuyển dụng mà các huyện, thành phố lập hội đồng tuyển dụng để xét từng trường hợp dựa trên các tiêu chí trên. Với tiêu chí đã nêu, các địa phương đã tuyển dụng được đội ngũ giáo viên, nhân viên có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề để phục vụ việc dạy học; đồng thời tránh các sai sót, vi phạm trong quá trình tuyển dụng.

Bậc giáo dục mầm non đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là lớp học đầu đời của trẻ, do vậy bậc học này cần phải được đầu tư một cách bài bản. Việc thực hiện chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập chính là tạo điều kiện tốt nhất để các cháu vào học lớp 1 đạt hiệu quả.

                                                                                                                       N.L

,
.
.
.