Khởi sắc tại các xã miền núi Lệ Thủy

  • 07:56 | Thứ Năm, 14/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 3 xã miền núi của huyện Lệ Thủy là Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy có 24 thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Đến cuối năm 2023, vùng ĐBDTTS của huyện có 2.378 hộ với gần 9.100 nhân khẩu. Với sự quan tâm và nỗ lực của địa phương, đời sống, sản xuất của đồng bào nơi đây đã có nhiều khởi sắc quan trọng.
 
Năm 2023, với hơn 69 tỷ đồng được phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS và miền núi (MN), huyện Lệ Thủy đã tập trung đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh; hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; giao khoán rừng cho đồng bào nhận khoanh nuôi, bảo vệ.
 
Bên cạnh đó, nguồn vốn đã hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế của 3 xã; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề cho đoàn viên, hội viên vùng dân tộc; tập huấn nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào về thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Lễ ra mắt các đội văn nghệ truyền thống của các bản tại xã Lâm Thủy.  A2: Nhiều khởi sắc trong đời sống văn hóa tại xã Ngân Thủy.
Lễ ra mắt các đội văn nghệ truyền thống của các bản tại xã Lâm Thủy. 
Kết quả của chương trình đã góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH và thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của các xã MN. Đến nay, 100% hộ đồng bào dân tộc đã định canh định cư, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, đường ô tô vào tận thôn, bản. Cả 3 xã đều được phủ sóng điện thoại, phát thanh truyền hình, internet, đây là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển của các địa phương.
 
Xác định tầm quan trọng của việc đầu tư, nâng cao kiến thức, hiệu quả sản xuất cho bà con, huyện Lệ Thủy đã quan tâm hỗ trợ nhiều loại giống cây trồng và vận động, hướng dẫn bà con đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Các phòng, ban chức năng cử cán bộ, chuyên viên trực tiếp phụ trách, theo dõi, “bắt tay chỉ việc” trong sản xuất, giúp đỡ các địa phương và đồng bào trong quá trình triển khai các chương trình, dự án… Cấp ủy, chính quyền các địa phương và thôn, bản, đồng bào luôn tích cực phối hợp hiệu quả với các lâm trường trên địa bàn để bàn giao rừng, nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ, tạo thu nhập bền vững.
 
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, những năm gần đây, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào có nhiều khởi sắc mới. Đặc biệt, qua hơn hai năm thực hiện dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp trong sinh hoạt cộng đồng được phát huy.
 
Cả 3 xã hiện có 24 đội văn nghệ với trên 250 hạt nhân nòng cốt; duy trì hoạt động 1 câu lạc bộ nghệ nhân văn hóa truyền thống dân tộc Bru-Vân Kiều (xã Kim Thủy). Năm 2023, lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều (xã Ngân Thủy) được khôi phục và được cấp bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 
Với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, huyện thông qua các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN, đời sống của đồng bào 3 xã Kim Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy đã có nhiều khởi sắc quan trọng. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH và thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Đời sống văn hóa được bảo tồn, cùng với sự đầu tư phát triển các mô hình du lịch sinh thái dưới tán rừng, trong đó có hoạt động của các đơn vị du lịch tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong đã tạo tiền đề thuận lợi giúp bà con tham gia hoạt động du lịch, tạo sinh kế bền vững. Một số hộ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Rum Ho, xã Kim Thủy đã tham gia vào chuỗi du lịch cộng đồng, bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, hứa hẹn nhiều khởi sắc mới trong đời sống.

Ý thức về tầm quan trọng của cái chữ đối với con em và tương lai bản làng, cùng với sự quan tâm đầu tư về trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục của tỉnh, huyện, bà con đã chăm lo, động viên con em chuyên cần học tập. Hệ thống hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông thuận lợi đã giúp cho hành trình đến trường của con em đồng bào dễ dàng hơn, góp phần đưa tỷ lệ huy động học sinh của các cấp học đạt kế hoạch giao, tỷ lệ huy động học sinh các lớp đầu cấp đạt 100%.

Trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, cùng với hệ thống trạm y tế được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm, hiện 3 xã đều có đủ biên chế y bác sĩ, sẵn sàng tư vấn, thăm khám, chăm sóc cho bà con; 3/3 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn được quan tâm chăm lo, động viên kịp thời bằng nhiều chính sách thiết thực, cụ thể. Vai trò người có uy tín trong ĐBDTTS, được phát huy cao độ, góp phần tích cực trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH nói chung, triển khai các chương trình MTQG trên địa bàn nói riêng.
 Nhiều khởi sắc trong đời sống văn hóa tại xã Ngân Thủy.
Nhiều khởi sắc trong đời sống văn hóa tại xã Ngân Thủy.

Với nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ nói chung, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS nói riêng, những năm qua, đội ngũ cán bộ cốt cán ở 3 xã Kim Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy đã có chuyển biến nổi bật.

Cụ thể, có 31/45 cán bộ có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (có 18 người DTTS, chiếm 58,06%); có 41/45 cán bộ có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên (có 28 người DTTS, chiếm 68,29%). Đây là yếu tố rất quan trọng để các địa phương MN huyện Lệ Thủy vững tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.

“Qua hơn hai năm triển khai với nhiều nỗ lực, nhất là việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với 3 xã. Năm 2024, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Dân tộc và các phòng, ban liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền 3 xã và các đơn vị đóng trên địa bàn, động viên đồng bào nỗ lực, đoàn kết, thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với vùng ĐBDTTS và MN nói chung, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN nói riêng, từng bước nâng cao đời sống đồng bào, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy Đỗ Trung Quân chia sẻ.
Ngọc Mai

tin liên quan

Xây dựng đô thị văn minh từ những mô hình thiết thực

(QBĐT) - Để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" theo hướng thiết thực, hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP. Đồng Hới đã tập trung xây dựng nhiều mô hình điểm gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVIII dự kiến tổ chức vào ngày 29/3

(QBĐT) - Ngày 13/3, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch bàn, thống nhất nội dung, chương trình, kế hoạch kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 do đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
 

2/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành đại hội MTTQVN cấp xã, phường, thị trấn

(QBĐT) - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Hoàng Văn Minh cho biết: Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành đại hội MTTQVN cấp xã, phường, thị trấn, nhiệm kỳ 2024-2029.