Góp ý vào báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992:

Chủ thể trả lời chất vấn của đại biểu dân cử - Kỳ 1: Nhận thức và thực hiện chưa đúng?

Cập nhật lúc 13:51, Thứ Ba, 20/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Để bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật do Quốc hội ban hành, Luật Tổ chức Quốc hội quy định: "Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước".

Tương tự, để bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND tại địa phương, Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định: Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND cùng cấp, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND,... Quốc hội và Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua nhiều hoạt động, trong đó có việc thực hiện chất vấn tại các kỳ họp. Vậy, chủ thể có nghĩa vụ phải trả lời chất vấn là ai, vấn đề này cần thiết phải có sự trao đổi. Bởi lẽ, việc lựa chọn đúng chủ thể trả lời chất vấn không chỉ bảo đảm sự tuân thủ pháp chế mà còn là yếu tố góp phần đạt được mục đích và hiệu quả của hoạt động chất vấn.

Trong thời gian qua tại nhiều địa phương, nhân dân rất bức xúc về các vấn đề như: chất lượng của các loại giống cây trồng, vật nuôi; về thủ tục vay vốn tín dụng; về vấn đề ô nhiễm môi trường, chất lượng cung cấp nước sinh hoạt, chất lượng các công trình xây dựng...

Trước sức "nóng" của cử tri, tại nhiều cuộc họp của HĐND các địa phương đã yêu cầu giám đốc công ty giống cây trồng, giám đốc chi nhánh các ngân hàng, giám đốc các công ty xây dựng,... tại địa phương trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về những vấn đề mà cử tri quan tâm. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp yêu cầu Chủ tịch UBND cấp dưới trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND cấp trên.

Ảnh minh họa.
Hội nghị triển khai công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.

Trong đợt nắng nóng kéo dài giữa năm, trước tình trạng thường xuyên bị cắt điện làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt đã gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Chính vì vậy, tại kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND một số địa phương (tỉnh, huyện) đã yêu cầu giám đốc các công ty, chi nhánh điện lực tại địa phương đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Với thực tế nêu trên câu hỏi đặt ra là, lãnh đạo các tổ chức kinh tế, lãnh đạo cơ quan nhà nước cấp dưới có trách nhiệm phải trả lời chất vấn hay không?

Theo quy định tại điều 122 Hiến pháp 1992, các điều 41 và 58 Luật Tổ chức HĐND và UBND thì: Đại biểu HĐND chỉ có quyền chất vấn đối với Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và các thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp. Tương tự như vậy, tại điều 98 Hiến pháp 1992, các điều 2 và 49 Luật Tổ chức Quốc hội, khoản 2 điều 2 và khoản 4 điều 7 Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội thì: Đại biểu Quốc hội chỉ có quyền chất vấn đối với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC.

Như vậy có thể thấy rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì phạm vi chủ thể có nghĩa vụ trả lời chất vấn là những người giữ các chức vụ lãnh đạo của các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước, gồm: Chủ tịch nước, cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội và HĐND các cấp), cơ quan hành chính nhà nước (Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp), cơ quan tư pháp (VKSND và TAND các cấp). Tóm lại, chỉ trong phạm vi bộ máy nhà nước (cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp) được tổ chức, hoạt động theo quy định của Hiến pháp và pháp luật nhưng với điều kiện phải ở cùng cấp.

Còn đối với lãnh đạo các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế (tổ chức và hoạt động theo điều lệ) thì không có nghĩa vụ phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và HĐND. Lãnh đạo UBND, TAND,VKSND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới không có nghĩa vụ phải trả lời chất vấn của đại biểu HĐND cấp trên. Thực hiện đúng các quy định nêu trên chúng ta thấy rằng, từ trước đến nay chưa bao giờ Quốc hội yêu cầu lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn kinh tế hay Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Vậy, trong trường hợp hoạt động của các tổ chức kinh tế, các hội mà gây thiệt hại, gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của các tầng lớp nhân dân gây bức xúc tại địa phương thì ai là người có nghĩa vụ trả lời chất vấn?

Trước hết phải khẳng định rằng, chỉ có các cơ quan nhà nước mới có quyền lực nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật, triển khai thực hiện, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật; áp dụng các biện pháp chế tài để xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức. Tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội đều có các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Theo quy định tại Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04-2-2008 của Chính phủ thì, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và huyện đó là: Giúp UBND quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể, các hội...; kiểm tra, thanh tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Do đó, khi các doanh nghiệp trên địa bàn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chuyên môn thuộc UBND có trách nhiệm phải thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Chẳng hạn như trước thực trạng các công ty điện lực thường xuyên ngừng cung cấp điện như nêu ở trên thì Sở Công Thương, Phòng Công thương các địa phương có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra đối với các công ty điện lực, nếu có vi phạm thì phải xử lý để chấn chỉnh. Do đó, chủ thể có nghĩa vụ trả lời chất vấn ở đây phải là lãnh đạo Sở Công thương, Phòng Công thương.

Việc chất vấn lãnh đạo các doanh nghiệp không chỉ không đúng luật mà không đưa lại hiệu quả. Hoạt động chất vấn của đại biểu dân cử không có nghĩa là quy kết, truy tìm hành vi vi phạm pháp luật của các thể nhân, pháp nhân cụ thể (đối tượng  chịu sự quản lý nhà nước) mà là để biết rõ thực trạng, trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành, hoạt động của  các cơ quan nhà nước (chủ thể quản lý nhà nước) trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Từ đó để quyết định những chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước qua đó bảo đảm các đối tượng chịu sự quản lý nhà nước hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật.

                                                                            Phạm Thái Quý

                                                        Kỳ 2: Cần lấp đầy  khoảng trống pháp lý

,
.
.
.