Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp thứ tư: Tiếp tục thu hút nhà đầu tư vào các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu

Cập nhật lúc 09:35, Thứ Sáu, 16/12/2011 (GMT+7)

Tiếp tục Phiên họp thứ tư, hôm qua (15-12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã thảo luận cho ý kiến về Báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu (KKT, KKTCK), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo báo cáo của Ðoàn giám sát, qua 15 năm triển khai thực hiện, đến nay cả nước đã thành lập 28 KKTCK tại 21 tỉnh trong tổng số 25 tỉnh biên giới đất liền, với tổng diện tích quy hoạch khoảng sáu nghìn km2. Các KKTCK đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung; thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên và giao lưu kinh tế giữa nước ta với các nước láng giềng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có cửa khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống dân cư; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập như: chưa có chính sách đặc thù nhằm khai thác lợi thế của từng KKT nói chung và KKTCK nói riêng; cơ sở hạ tầng các KKT, KKTCK thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển; việc phối hợp hoạt động, cải cách hành chính tại các cửa khẩu còn hạn chế, chưa thực hiện được cơ chế "một cửa tại chỗ". Ðoàn giám sát đã đưa ra một số kiến nghị với QH, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư, trong đó bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển các KKT,  KKTCK,  cần  tập trung  đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng và bảo đảm các điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư chiến lược trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư vào các KKT, KKTCK.

Thảo luận về kết quả giám sát, các thành viên Ủy ban TVQH đã tập trung phân tích những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng của các KKT, KKTCK, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các KKT, KKTCK, hướng tới mục tiêu phát triển KKT tổng hợp có sức lan tỏa, làm động lực phát triển kinh tế cho cả vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Trước đó, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và dự án Luật Giá.

                                                                                        Theo NDĐT

,
.
.
.