Kết quả bước đầu thực hiện luân chuyển cán bộ

Cập nhật lúc 13:45, Thứ Năm, 15/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ  Chính trị và Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 02-4-2002 của Ban Tổ chức Trung ương về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, các đảng bộ trong tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu.

Sau khi có Nghị quyết 11-NQ/TW , Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 23-KH/TU ngày 29/5/2002, Quy định số 05-QĐ/TU ngày 05/3/2003 về quy định tạm thời một số chính sách đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý luân chuyển và tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để quán triệt triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung và quy trình luân chuyển cán bộ.

Cùng với việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị  quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo công tác kiểm tra đối với các huyện, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc, thông qua đó, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện công tác luân chuyển cán bộ. Qua luân chuyển cán bộ đã từng bước sắp xếp, bố trí cán bộ một cách hợp lý, tăng cường cán bộ cho những nơi có yêu cầu cấp bách, nhất là cơ sở, cơ quan, đơn vị, địa bàn khó khăn; khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Kết quả qua 10 năm thực hiện công tác luân chuyển cán bộ ở tỉnh ta có 1 đồng chí từ Trung ương luân chuyển về tỉnh; tỉnh đã luân chuyển 17 cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh về các địa phương trong tỉnh; trong đó, có 1 đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, 4 đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, 12 đồng chí là trưởng, phó sở, ban, ngành và tương đương. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã luân chuyển 23 cán bộ. Nhiều đồng chí được luân chuyển về địa phương giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND huyện, thành phố; số còn lại được luân chuyển từ ngành này sang ngành khác và đều được bố trí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của ngành hoặc địa phương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức giao ban công tác xây dựng Đảng. Ảnh: Tr.T
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức giao ban công tác xây dựng Đảng. Ảnh: Tr.T

Hầu hết cán bộ được luân chuyển đã trưởng thành về nhiều mặt, đúc rút được kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành và đã được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ cao hơn. Hiện nay, sau khi thực hiện xong quá trình luân chuyển đã có 5 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 4 đồng chí vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ở cấp huyện, thành phố đã luân chuyển trên 50 cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện, thành uỷ quản lý về các xã, phường, thị trấn. Những cán bộ được luân chuyển trong thời gian qua hầu hết có tuổi đời dưới 45, có triển vọng phát triển, đã được quy hoạch làm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nhiều nơi đã luân chuyển và bố trí lại cán bộ cơ sở; các huyện, thành uỷ đã luân chuyển một số đồng chí uỷ viên ban thường vụ, uỷ viên ban chấp hành đảng bộ, trưởng, phó phòng về xã, phường, thị trấn giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND.

Thực hiện chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đối với một số đơn vị cấp huyện để luân chuyển đào tạo cán bộ và kết hợp tăng cường cán bộ cho địa bàn khó khăn , Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn 2 đảng bộ huyện(Bố Trạch và Quảng Trạch) để bố trí, luân chuyển cán bộ về giữ chức danh phó bí thư phụ trách cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và số cán bộ này đã được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, được tín nhiệm bầu làm bí thư huyện uỷ, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn.

Để thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện luân chuyển hoặc tăng cường công tác, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Quy định tạm thời một số chính sách đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý luân chuyển hoặc tăng cường công tác, được thực hiện các chế độ, chính sách chung. Ngoài chính sách chung, tỉnh quy định cán bộ luân chuyển và tăng cường còn được hưởng khoản trợ cấp ban đầu và trợ cấp sinh hoạt phí hàng tháng; bên cạnh thực hiện chính sách chung của tỉnh, trong quá trình thực hiện công tác luân chuyển cán bộ các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới đã có chính sách hỗ trợ thêm cho cán bộ luân chuyển nhằm tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được triển khai, thực hiện tích cực, đồng bộ. Nhiều cấp uỷ đã xây dựng kế hoạch cụ thể, bước đầu đem lại kết quả khá; các huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới đã làm tốt công tác luân chuyển đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Việc luân chuyển cán bộ bước đầu đã tạo ra không khí mới, động lực mới trong công tác cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ trong quy hoạch, có năng lực và triển vọng; đồng thời, thúc đẩy công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ; tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ và sự năng động của đội ngũ cán bộ. Do chủ động, tích cực luân chuyển cán bộ, một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng được đội ngũ cán bộ kế cận theo quy hoạch, tạo, khắc phục một bước tình trạng hẫng hụt, bị động trong công tác cán bộ.

Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý qua luân chuyển đã có bước trưởng thành, tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường mới; có sự tiến bộ trong nhận thức về quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp chỉ đạo toàn diện, sâu sắc hơn, quan tâm hơn đến công tác xây dựng Đảng, công tác chính quyền; thể hiện được tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tự giác nhận nhiệm vụ; năng động, cùng tập thể cấp uỷ, cán bộ, đảng viên triển khai các chương trình kinh tế - xã hội bước đầu phát huy tác dụng, được cấp uỷ và nhân dân tín nhiệm bầu vào các chức danh chủ chốt của cấp uỷ, chính quyền địa phương theo quy hoạch. 

Tuy nhiên một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ và có sự thống nhất cao về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tình hình hiện nay. Việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết 11 chưa sâu sắc và cụ thể hóa thành các văn bản hướng dẫn theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh còn chậm, chưa đồng bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị; còn có sự nhầm lẫn việc luân chuyển cán bộ theo quy hoạch để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng lâu dài với việc điều động, tăng cường, bố trí cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ trước mắt.  Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ được luân chuyển đến nơi công tác mới, còn lúng túng trong việc thực hiện chính sách động viên cán bộ luân chuyển.

Về độ tuổi cán bộ diện luân chuyển, ở cấp huyện quy định là dưới 40 tuổi nhưng trong thực tế rất khó thực hiện, vì cán bộ trong quy hoạch ở độ tuổi này quá ít; đề nghị cần xem xét bổ sung, điều chỉnh theo hướng tăng độ tuổi luân chuyển.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, như nhà ở công vụ, phụ cấp thêm cho cán bộ luân chuyển, đặc biệt là các đồng chí được luân chuyển tới vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển để các địa phương có cơ sở điều chỉnh, bổ sung những quy định hiện tại về chế độ chính sách cho cán bộ luân chuyển phù hợp với tình hình mới, qua đó động viên, khuyến khích cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

                                                                                                     Tr. T



,
.
.
.