.
Chào mừng Đại hội Hội Người mù tỉnh lần thứ 4, nhiệm kỳ 2017-2022:

Những tấm gương vượt qua bóng tối

Thứ Năm, 28/09/2017, 16:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Dù khiếm khuyết đôi mắt, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nhưng với ý chí vươn lên, niềm tin vào cuộc sống, nhiều người mù, khiếm thị đã nỗ lực, cố gắng vượt qua số phận trở thành người có ích cho xã hội.

Ngay từ khi mới lọt lòng, anh Trần Xuân Thành, tổ dân phố 3, phường  Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, đã bị mất đi nguồn ánh sáng. Thế nhưng, bù lại anh Thành có một tư chất thông minh, nhạy cảm và nghị lực sống mãnh liệt. Vì thế, anh nhanh chóng chiếm được lòng tin của những người xung quanh bởi sự tháo vát, nhanh nhẹn trong công việc, sự nhiệt tình năng nổ, luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và sẵn sàng giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ.

Anh Thành cho biết, năm 2002, anh tham gia vào Hội Người mù huyện Quảng Trạch. Với sự giúp đỡ của các anh chị trong hội, anh được tạo điều kiện đi học nghề và tham gia các khóa đào tạo thuộc các dự án dành cho người mù, người khiếm thị, như: đào tạo giáo viên dạy chữ nổi, kỹ thuật tin học... Cũng từ đó, anh có cơ hội được tiếp xúc với những người cùng cảnh ngộ, học hỏi được nhiều điều từ những tấm gương người mù để phấn đấu vượt lên chính mình, trở thành con chim đầu đàn trong các phong trào của hội và tham gia dạy chữ nổi cho nhiều hội viên người mù ở trong tỉnh.

Với sự nỗ lực của mình, năm 2014, Hội Người mù thị xã Ba Đồn được thành lập, anh được hội viên tín nhiệm bầu giữ chức Phó chủ tịch hội. Trên cương vị mới, anh luôn tự nhủ mình phải đặt lợi ích của hội lên hàng đầu nhằm thực hiện tôn chỉ mục đích: bảo vệ quyền lợi cho người mù, nâng cao năng lực, tạo việc làm, thu nhập, giúp người mù vươn lên hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và gặt hái được nhiều thành tích cao, như: Huy chương bạc tại liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” toàn quốc năm 2016; giải nhất hội thi tay nghề xoa bóp bấm huyệt toàn quốc năm 2016; giải nhất hội thi công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật Quảng Bình năm 2017. Với sự nỗ lực hết mình, tháng 8-2017, anh được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Người mù thị xã Ba Đồn.

Anh Trần Xuân Thành (ôm hoa) đoạt giải nhất cuộc thi xoa bóp, tẩm quất toàn quốc năm 2016.
Anh Trần Xuân Thành (ôm hoa) đoạt giải nhất cuộc thi xoa bóp, tẩm quất toàn quốc năm 2016.

Bỗng dưng trở thành người mù khi mới 20 tuổi sau một tai nạn giao thông, cú sốc này khiến anh Võ Văn An, ở thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy, Lệ Thủy phải sống trong những tháng ngày đau đớn, buồn tủi. Tuy nhiên, được gia đình động viên, an ủi, dần dần anh cũng lấy lại sự cân bằng, vượt qua mặc cảm, xây dựng gia đình và phát triển kinh tế bằng đôi bàn tay của mình.

Anh An cho biết: “Tôi làm kinh tế cũng đã hơn 20 năm, ngoài công tác hội, thời gian còn lại, vợ chồng tập trung nuôi heo, gà, vịt. Lúc đầu, tôi nuôi 1 đến 2 con, sau đó lên 5, 7 con, rồi 10 con và tăng dần lên. Tuy vất vả, nhưng có tiền lo cho con cái”. Điều đáng khâm phục là tuy bị mù, nhưng bất cứ việc gì anh cũng làm được, từ việc cắt rau, vệ sinh chuồng trại đến chăm sóc vật nuôi... Điều dễ nhận thấy là anh luôn nở nụ cười với tinh thần lạc quan, vượt qua mặc cảm tự ti, vươn lên trong cuộc sống và trở thành tấm gương sản xuất giỏi của Hội Người mù huyện Lệ Thủy.

Năm 2015, được Hội Người mù huyện đứng ra tín chấp với ngân hàng cho vay 14 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tích góp được, anh đã xây dựng chuồng trại, mua thêm giống vật nuôi. Đàn lợn gia đình anh luôn duy trì từ 5 đến 6 con lợn và cho xuất chuồng thường xuyên. Bên cạnh đó, anh còn trồng thêm rau màu tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Đến nay, 5 người con của vợ chồng anh đều đã trưởng thành và lập gia đình. Tuy nhiên, không vì thế mà anh dựa dẫm vào các con. Anh tâm niệm: “Mình còn sức, mình vẫn còn làm. Không thể trông chờ ỷ lại vào người khác, dù đó có là con mình”.

Là chủ mô hình kinh tế tổng hợp, hội viên Võ Văn Bế ở thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân, Quảng Trạch có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Năm 1995, được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, gia đình anh Bế đã mạnh dạn nhận 2ha đất cát trắng hoang hóa để cải tạo, thành lập trang trại trồng rau màu và chăn nuôi. Ban đầu, gia đình anh Bế gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt, đặc biệt là do đôi mắt khiếm thị, nhưng với ý chí và nghị lực, vượt qua số phận, hai vợ chồng anh Bế đã dày công vun xới, đầu tư rất nhiều công sức cải tạo vùng đất cát hoang hóa trở thành vùng đất màu mỡ như hôm nay.

Nhờ cần cù chịu khó nên từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình anh Bế đã có trang trại trù phú với hàng nghìn cây tràm bao quanh để chống cát bay, cát chảy. Trong vườn, anh trồng đủ các loại cây rau màu xanh tốt quanh năm, như: cải cay, cải cúc, dưa chuột, mướp đắng, hành, ngò.... Năm 2013, anh Bế được Hội Người mù huyện đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 10 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tích góp được, anh đã xây dựng chuồng trại, trồng thêm cỏ để chăn nuôi bò sinh sản. Hiện tại, anh đã gây dựng được 17 con bò. Với mô hình này, gia đình anh Bế có nguồn thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống.

Ông Nguyễn Thế  Hùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, tuy có số phận kém may mắn, nhưng người mù, khiếm thị không vì thế mà lùi bước trong cuộc sống. Chính sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của xã hội, họ đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương sáng cho nhiều người noi theo.

Phạm Hà