.

Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

Thứ Tư, 27/09/2017, 16:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, chương trình đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua phong trào, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) có điều kiện phát triển kinh tế, có việc làm ổn định vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

>> Tuổi trẻ Quảng Bình xung kích, sáng tạo, góp sức xây dựng quê hương

Khát khao làm giàu chính đáng từ đôi bàn tay và khối óc của bản thân là điều mong mỏi của không ít thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp như thế nào, bắt đầu từ đâu vẫn là điều còn khá mơ hồ với nhiều bạn trẻ.

Vì thế, phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp ra đời đã khơi dậy đam mê khởi nghiệp trong thanh niên. Nhiều cán bộ , ĐVTN đã trở thành những ông chủ, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều ĐVTN khác, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương.

Trung Hóa là một xã khó khăn của huyện miền núi Minh Hóa, phần lớn thanh niên ở đây đều không có việc làm ổn định. Tháng 6-2015, với mong muốn tạo điều kiện để thanh niên có thể phát triển kinh tế gia đình dựa vào phương thức sản xuất chăn nuôi an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, BTV Tỉnh đoàn đã chọn xã Trung Hóa để triển khai mô hình nuôi lợn bằng đệm lót sinh học và thức ăn ủ men vi sinh. Sau khi được hỗ trợ về vốn, tổ hợp tác thanh niên xã Trung Hóa đã xây dựng chuồng trại để nuôi lợn giống.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh THPT.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh THPT.

Chỉ sau một thời gian ngắn, tổ hợp tác đã mở rộng quy mô chuồng trại, tăng thêm số lượng con giống vì nhận thấy mô hình nuôi lợn bằng đệm lót sinh học không chỉ giảm chi phí thức ăn, ít bệnh tật, lợn tăng trưởng tốt mà lợi nhuận thu về cũng cao hơn chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Từ thành công của tổ hợp tác thanh niên xã Trung Hóa, nhiều ĐVTN trong huyện đã học hỏi và nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế gia đình.

Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, để hỗ trợ thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, BTV Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn triển khai nhiều chương trình cụ thể, đồng hành cùng thanh niên trên nhiều lĩnh vực. Nét nổi bật nhất là chương trình đồng hành cùng thanh niên trong phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức các buổi tọa đàm, tư vấn hướng nghiệp, tham quan mô hình phát triển kinh tế của những doanh nghiệp trẻ để ĐVTN có định hướng chọn nghề và phát triển kinh tế phù hợp.

Bên cạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho thanh niên tiếp cận với công nghệ mới áp dụng vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, tăng cường nguồn vốn vay cho thanh niên. Hiện tại, toàn tỉnh có 211 tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý với tổng số tiền 224 tỷ đồng; nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn ủy quyền cho Tỉnh đoàn quản lý là 1,972 tỷ đồng với 24 dự án, giải quyết việc làm cho trên 200 ĐVTN.

Hoạt động triển khai các nguồn vốn vay đã góp phần thúc đẩy thanh niên tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho lao động trẻ, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đơn vị. Các nhóm, CLB thanh niên giúp nhau lập thân lập nghiệp, làm giàu chính đáng tiếp tục phát triển.

Điển hình như các mô hình: tổ thanh niên lập nghiệp đánh bắt xa bờ (Đức Trạch (Bố Trạch), Quảng Phúc (Ba Đồn), Quảng Trường, (Quảng Trạch), trồng phật thủ và nuôi dúi (Trường Xuân, Quảng Ninh); nuôi cá lóc trên cát, nuôi lươn không bùn (Nhân Trạch, Bố Trạch); nuôi lợn bằng đệm lót sinh học và thức ăn ủ men vi sinh, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm...

Từ phong trào phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cá biệt có những mô hình doanh thu đạt hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động là ĐVTN.

Để giúp ĐVTN chọn nghề, học nghề lập nghiệp phù hợp với bản thân, chương trình đồng hành cùng thanh niên trong định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cũng được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Với phương châm “Đúng ngành nghề, sáng tương lai”, các cấp bộ Đoàn đã chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu từ thực tiễn, đồng thời tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Trong 5 năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên đã hướng nghiệp cho 42.259 ĐVTN; mở 23 lớp dạy nghề cho 741 lao động nông thôn; tổ chức 83 buổi tư vấn về việc làm và học nghề cho 49.274 lượt ĐVTN; cung ứng, giới thiệu việc làm cho 13.569 lao động trong nước và 2.829 ĐVTN xuất khẩu lao động.

Đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định, phong trào “Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm” thời gian qua đã góp phần giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều ĐVTN có việc làm, vươn lên làm giàu chính đáng. Tỉnh đoàn tiếp tục sẽ chỉ đạo đến các cơ sở đoàn tạo điều kiện cho ĐVTN tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; huy động các nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; tăng cường phối hợp với các đơn vị mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời khảo sát, lựa chọn những mô hình kinh tế tiêu biểu để giới thiệu cho ĐVTN, từ đó giúp họ mạnh dạn thực hiện các mô hình kinh tế tại địa phương”.

L.C