.
Chào mừng Đại hội Hội Người mù tỉnh lần thứ 4, nhiệm kỳ 2017-2022:

Điểm tựa của người mù và người khiếm thị

Thứ Năm, 28/09/2017, 09:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Những người mù và người khiếm thị luôn mặc cảm, tự ti về bản thân, họ thường sống khép mình và ngại tiếp xúc với mọi người, nên cuộc sống đã khó khăn lại thêm phần gian nan hơn. Vì vậy, những năm qua, Hội Người mù tỉnh đã luôn đồng hành, là chỗ dựa tinh thần cho hội viên toàn tỉnh.

Thành lập từ năm 2000, đến nay, Hội Người mù tỉnh phát triển tổ chức hội tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, 4 hội cấp xã và 42 chi hội người mù ở các xã phường, thị trấn, với tổng số hội viên 1.300 người. Để giúp những người mù vượt qua những mặc cảm, chủ động hòa nhập với cộng đồng, Hội Người mù tỉnh xác định công tác dạy nghề, giải quyết việc làm chính là lối đi cho những người khiếm thị. Có việc làm không chỉ giúp người mù nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn vững tin khi tiếp xúc với cuộc sống thực tế.

Chính vì vậy, Tỉnh hội đã quan tâm đầu tư mở các lớp dạy nghề cho người mù, người khiếm thị. Từ năm 2012 đến nay, Tỉnh hội đã mở 13 lớp dạy nghề cho 264 hội viên trong độ tuổi lao động. Ngoài các khóa đào tạo nói trên, những năm gần đây, nghề xoa bóp-tẩm quất được xem là nghề chính, nghề mũi nhọn của hội, phù hợp với khả năng, điều kiện và có nguồn thu nhập ổn định. Vì vậy, hội đã quan tâm, giúp đỡ truyền nghề xoa bóp, tẩm quất và tạo việc làm hội viên trẻ. Hội đã cử nhiều hội viên tham gia các khóa học mát-xa nâng cao như: mát-xa chân, mát-xa Nhật Bản... tại Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng của Trung ương Hội.

Vì vậy, chất lượng tay nghề của hội viên luôn được nâng cao. Hiện nay, toàn hội đã có 15 cơ sở xoa bóp tẩm quất, tạo việc làm ổn định cho 65 lao động với mức thu nhập bình quân 2 triệu đến 3 triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết việc làm cho hội viên. Đồng thời, Tỉnh hội và các Huyện hội đã mở được 19 lớp truyền nghề tiểu thủ công nghiệp, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tạo việc làm cho hàng trăm hội viên với mức thu nhập bình quân 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh trao quà cho hội viên nghèo.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh trao quà cho hội viên nghèo.

Bên cạnh tạo việc làm, việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm do hội viên làm ra cũng đã được các cấp hội quan tâm. Trong nhiệm kỳ qua, hội đã tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục cùng với các tổ chức đoàn thể..., phát huy truyền thống tương thân tương ái, xem việc mua các sản phẩm do người mù, người khiếm thị làm ra là việc làm từ thiện, nhân đạo của mọi người. Vì vậy trung bình mỗi năm tiêu thụ hàng trăm nghìn gói tăm tre, hàng nghìn cái chổi đót..., giải quyết được việc làm cho nhiều hội viên.

Đặc biệt, nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, đầu tư chăn nuôi trồng trọt, vươn lên làm giàu. Anh Võ Văn Bế ở Quảng Xuân (Quảng Trạch) trước đây nghèo đói, nhờ cần cù chịu khó, tích cực trồng rau màu, nuôi bò vỗ béo và trồng hơn 2ha cây keo lai phủ xanh đồi cát, nay đã xây được nhà cửa khang trang, có của ăn, của để. Anh Nguyễn Văn Mỵ-“Người thông tin làng chài” hơn 10 năm trước được Chủ tịch nước gửi thư khen, nay mạnh dạn mua thêm máy xay xát, tạo việc làm cho 2 lao động có thu nhập ổn định. Anh Phan Thanh Sơn ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tuổi còn trẻ nhưng đã làm chủ một cơ nghiệp với gần 500 con gà mái đẻ, hơn 30 con lợn, 20 con nhím, 5 ao cá và 3ha bạch đàn, tạo việc làm cho 7 người khuyết tật ở trong thôn. Anh Dương Thanh Lịch ở Tuyên Hóa vay vốn chăn nuôi lợn, bò... mỗi năm thu được hàng chục triệu đồng.

Bên cạnh việc dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, hội còn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Hội không chỉ quan tâm nâng cao dân trí cho cán bộ, hội viên mà còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động làm cho xã hội hiểu rõ hơn về những người mù, khiếm thị và các hoạt động của hội. Từ năm 2012 đến nay, Tỉnh hội đã mở 8 lớp dạy chữ Braille; Huyện hội Bố Trạch, Quảng Trạch tổ chức 2 lớp, tạo điều kiện cho 134 hội viên được tham gia học tập; tổ chức cho gần 60 lượt cán bộ, hội viên đi đào tạo nhiều khóa học ở Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng của Trung ương Hội. Tỉnh hội cũng tích cực tổ chức các hội thi "Đọc viết nhanh chữ Braille", "Biết Tin học để cuộc sống tốt hơn", cuộc thi viết "Người mù làm theo lời Bác", thi "Tay nghề xoa bóp tẩm quất"...

Ngoài ra, Hội Người mù tỉnh còn quan tâm đến những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, già yếu neo đơn không nơi nương tựa. Hội luôn tạo điều kiện, giúp đỡ họ bằng nguồn quỹ tiêu thụ sản phẩm và nguồn vận động từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Trong 5 năm qua, hội đã vận động, quyên góp và trích từ nguồn quỹ của các cấp hội hơn 1,6 tỷ đồng cùng với hàng nghìn suất quà thăm hỏi hội viên; có 22 nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương được làm mới, tu sửa 26 nhà ở cho hội viên với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, thời gian tới, nhằm phát huy những thành quả đạt được, hội cố gắng phấn đấu 100% tổ chức hội hoàn thành tốt nhiệm vụ; 100% hội viên trong độ tuổi lao động có nhu cầu đủ điều kiện được vay vốn, được học nghề, tạo điều kiện tìm việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên mỗi năm từ 2% trở lên; 100% hội viên được cung cấp thông tin, thường xuyên được hội cấp sách, báo bằng chữ Braille. Những người mù trong độ tuổi đi học được hội tạo điều kiện đi học chữ Braille, tin học, học hoà nhập ở các trường phổ thông, lên bậc cao đẳng, đại học.

Ph.Hà