.

Ngược dòng Long Đại

Thứ Bảy, 11/04/2015, 14:28 [GMT+7]

(Tâm sự của một kiểm lâm viên, cựu chiến binh Tăng -Thiết giáp)

(QBĐT) - Mồng 5-10 năm nay có định làm gì không anh?

- Làm gì là làm gì?

- Thì tụ tập...kỷ niệm. Năm ngoái, kỷ niệm 55 năm thành lập binh chủng, “quân ta” đã chẳng nhúc nhích gì...

Ồ, thì ra cái anh Đoàn Văn Công này theo rừng đến sắp tuổi hưu mà vẫn không nguôi quên thời trai trẻ. Tuổi 25, hắn từng đeo quân hàm trung úy chỉ huy cả một đại đội xe tăng cơ đấy. Mười một chiếc tăng, chưa nói xung trận, chỉ hành quân dọc đường thôi đã là hoành tráng lắm. Vậy rồi, chuyển ngành, anh chàng qua Kiểm lâm, đi ruông rừng...

Long Đại hôm nay.                                             Ảnh: T.H
Long Đại hôm nay.              Ảnh: T.H

Là câu chuyện thuộc cách “nhàn đàm”. Tự dưng mấy đứa thuê thuyền đi một chuyến ngược Long Đại. Thôi thì, người ta đi Tây đi Tàu, mình ngược sông tìm chút cảm giác ngày “xuân chín”. Quảng Bình ta có hai sông lớn: Đại Linh giang (sông Gianh) và Nhật Lệ. Hai nguồn Kiến Giang và Đại Giang hợp lưu ở Đuồi Diện mà thành Nhật Lệ. Hai chi lưu này còn có những tên Hán tự và “Nôm tự” khác như Bình Giang, Long Đại nguồn Đợi, nguồn Côi (trên) nguồn Côộc, nguồn đưới (dưới). Long Đại, nghĩa là “con Rồng lớn, phát nguyên từ nguồn côộc? (theo Nguyễn Tú), chảy theo hướng tây nam ra đông bắc qua vùng sơn hệ huyện Quảng Ninh, đi vào địa phận hai thôn Long Đại, Xuân Dục để gặp Kiến Giang ở Cổ Hiền-Trần Xá. Có điều khác với Kiến Giang, Long Đại từ Đuồi Diện lên tận ngọn nguồn qua gần ba chục cái thác lớn nhỏ, nước cứ trong xanh như... không thể trong hơn được nữa. Kiến Giang nước đục bởi quanh năm tải phù sa bồi đắp cho cánh đồng hai bên tả hữu. Còn Long Đại, sao nước sông lại trong suốt vậy ta?! Khi dừng lại ở một bến vắng thuộc xã Trường Xuân, tôi nêu thắc mắc này với một nông phu. Người này ngẩn tò te một lúc rồi thảng thốt: chắc là nhờ rừng. Ôi cha! Cái nguyên lý đơn giản vậy thôi mà dân văn chương chúng tôi không biết. Nếu hai bờ là đồi trọc, mưa xuống, mà cũng không đợi mưa, tất cả mọi tác động lớn nhỏ đều có thể xả đất cát rều rác xuống sông, liệu nước có trong được không?! Kể từ đây, trong suốt hành trình ngược sông chúng tôi luôn nhìn bao quát hai bờ. May mắn thay, những khoảng “không có rừng” đều là khu dân cư, hoặc giả những thảm cỏ, những rừng chuối. Càng lên thượng nguồn càng yên tĩnh, sông nằm sưởi nắng xuân.

Câu chuyện giữ rừng của kiểm lâm viên thu hút sự chú ý của chúng tôi. Rừng bây giờ không còn là của lâm nghiệp hay nhà nước nữa. Là của dân. Cái chính sách “giao đất giao rừng” đã thực sự có tác dụng. Dân trồng rừng, tự quản lý lấy, không có đội quân hùng mạnh nào có thể thay thế được. Nhưng, về chuyên môn, nói dân trồng rừng cũng chưa chính xác lắm đâu. Những ha cây keo vài ba năm đốn hạ, trồng lại chưa đáng gọi là rừng, mặc dù cái công cụ che chắn để đất khỏi bị xói mòn thì không thể phủ nhận. Và, “lâm tặc”, như cách gọi có phần nặng nề xúc phạm đối với những người sống nhờ rừng, cũng không để mắt đến loại rừng keo ấy. Cuộc chiến của những Kiểm lâm viên với người phá rừng thực sự diễn ra quyết liệt ở phần rừng gỗ quý. Còn nhớ, cách đó vài ngày, có dịp tiếp xúc với Hạt phó kiểm lâm Quảng Ninh, một người đàn ông tứ tuần “râu hùm hàm én” đẹp như một võ sĩ giác đấu. Tôi khen: Chân dung chú mày thế này chắc gặp nhau giữa rừng, lâm tặc cũng phải thúc thủ. Phạm Hồng Khánh, hạt phó, đáp hiền khô: “Lâm tặc là ai đâu anh! Là bà con ta cả, ngày bầu cử cũng đi bầu, ngày giỗ họ, hội làng cũng đóng góp, cũng quần áo lễ hội ra sân đình, để rồi, lâm tặc với kiểm lâm, chính quyền, mặt trận, cấp ủy con nhà bà làng cùng... nâng cốc. Hết chạp giỗ, hết hội làng là việc ai nấy làm. Oan gia ngõ hẹp, gặp thằng bạn học đang vận chuyển gỗ lậu cũng đành mời về trạm thôi”. Trong bài viết này tôi cũng mạo muội dùng cái danh từ mà người đời đã quen miệng cho gọn nhẹ chứ không hề dám có ý miệt thị những bác sơn tràng kiếm ăn không hợp pháp từ tài nguyên rừng.

Lại nhớ, trong một lần đàm đạo, Chi cục trưởng Phạm Hồng Thái khẳng định: “Trước đây, lấy việc bắt được bao nhiêu vụ phá rừng, bao nhiêu vụ vận chuyển gỗ trái phép làm thành tích. Nay, không thể như thế, phải lấy việc hạn chế cháy rừng, hạn chế vụ việc khai khác gỗ trái phép làm mục đích. Phải giữ rừng từ gốc. Muốn vậy....” Bởi thế cho nên, kiểm lâm có một đội quân công tác địa bàn giỏi dân vận, và, như anh em nói đùa là còn phải giỏi “cán bộ vận” nữa. Nghĩa rằng, phải tranh thủ được sự đồng tình giúp đỡ của cấp ủy chính quyền địa phương. Phạm Hồng Khánh tâm sự: “Nói thật với nhà báo, tôi rất không thích cái cách khi xảy ra sự cố gì là đổ lỗi do lực lượng mỏng! Vậy, dày là bao nhiêu? đủ là bao nhiêu? Không có sự đồng thuận, giúp đỡ của cấp ủy chính quyền địa phương, của nhân dân trên địa bàn, thì một nghìn chứ đến mấy nghìn kiểm lâm viên cũng không bảo vệ được rừng. Làm sao để bà con có được cuộc sống cơ bản tàm tạm thì mình tuyên truyền mới lọt lỗ tai”. Rồi Khánh kể lại câu chuyện dở cười dở khóc của anh em mình khi đến tuyên truyền ở bản Vân Kiều. Bà con chất vấn: “Miềng hỏi cán bộ, vì răng, biển và rừng đều là tài nguyên mà ngư dân đi biển đánh cá thoải mái, nhà nước lại còn hỗ trợ tiền dầu, mà miềng đi rừng chặt cây thì bị phạt...?”. Giải thích cho thông suốt chuyện này chắc phải tốn một luận án tiến sỹ. Lại nói chuyện đào tạo nâng cao. Vị hạt phó ‘võ sĩ giác đấu” đang theo học lớp trên đại học ở Đà Nẵng. Lớp được ba giáo sư Trường đại học Soul đến thuyết trình về chiến lược tăng trưởng xanh. Trong suốt bốn giờ liền cả ba vị toàn nói chuyện rừng. Mới hay, rừng, lá phổi xanh, đã thành vấn đề của toàn cầu. Trường đại học mời chuyên gia Hàn Quốc diễn thuyết, vì, sau chiến tranh Nam-Bắc Triều 1950-1953, Hàn Quốc như một quả đồi trọc. Vậy mà, chưa tới nửa thế kỷ, quốc gia này đã thành hình mẫu của việc tạo rừng, môi trường, môi sinh.

Trở lại với cuộc du khảo ngược dòng Long Đại. Thuyền ghé trạm Chuối phía tả ngạn, nơi có một đơn vị của Ban quản lý rừng phòng hộ Ba Rền. Đang có một cuộc gặp mặt chia tay ai đó. Cái cách người dân địa phương và cán bộ cơ sở đón chào cán bộ kiểm lâm khiến chúng tôi có cảm giác ấm áp. Hình như các vị kiểm lâm nhà ta đã làm thành công cái việc dân vận cơ sở. Con sông như con đường. chỉ khác con đường là càng lên thượng nguồn dân cư càng thưa thớt. Qua các trạm Lùi, Kim Sen, Chuối, Bến Tiêm, Hôi, Rống... Công đều chủ động ghé thuyền thăm hỏi, tay bắt mặt mừng như thể lâu lắm mới gặp lại. Mà cái thời gian xa cách mỗi nơi chắc cũng không thể tính giống nhau. Chuyện cổ tích từng kể, chàng nho sinh Từ Thức một lần ngược rừng gặp Tiên, lưu lại mấy tháng, khi trở về dưới trần đã qua mấy đời. Ngày ở thượng nguồn sông như dài hơn bởi sự vắng vẻ. Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu chiến sĩ kiểm lâm nào đi qua các bến các trạm mà không ghé lại nói dăm ba câu chuyện, uống cốc nước, hút điếu thuốc.

Ghé bến ở trạm Hôi. Nơi đây có hai cán bộ bảo vệ rừng gác trực, trẻ tuổi đến không ngờ. Một cậu quê ở Võ Ninh tên là Tình, cậu thứ hai ở Đức Ninh tên Quý.

Chia tay hai “người trẻ này để lên thuyền, tôi cứ ám ảnh mãi đôi mắt nhìn theo của hai cậu chàng và chợt nhớ lại cái cảnh nhộn nhịp đêm đêm của quán cà phê cạnh nhà dập dìu nam thanh nữ tú. Đành rằng, công việc nào cũng có tính đặc thù có phần thua hơn, nhưng giả sử thằng tôi, ở tuổi lục tuần này mà phải cắm chốt ven dòng Long Đại, tầm nhìn xa ba bốn cây số không thấy bóng người, chắc không trụ nổi quá một tuần. Đoàn Văn Công cho biết, nhiệm vụ của hai thanh niên này là canh gác dòng sông 24/24, không để lọt những bè gỗ mà lâm tặc ngày đêm rình rập tìm cách vượt trạm. Rồi Công kể một kỷ niệm từ hồi còn ở hạt Lệ Thủy. Cắm thuyền chốt giữ trên sông Kiến Giang, anh biết có một nhóm lâm tặc đang chờ cơ hội giong bè gỗ xuôi dòng. Nhóm này cho “trinh sát” tiếp cận, chờ Công ngủ là qua mặt. Anh mở radio nằm nghe. Trên bờ, mấy vị trinh sát kiên nhẫn chờ. Công đánh lạc hướng bằng cách giả vờ mở qua kênh tiếng nước ngoài như thể ngủ quên không chỉnh sóng. Mắc bẫy, nhóm khai thác gỗ lậu bị lập biên bản mà không hay biết hồi phục vụ trong quân ngũ, Công có cả một thời gian dài công tác trong lực lượng đặc biệt chuyên bảo vệ những mục tiêu... đặc biệt. Về số “gỗ lạt” tịch thu được, hạt phó Phạm Hồng Khánh cũng có lúc ngạc nhiên về cái cách những công chức hẳn hoi mà đặt vấn đề ngang xương với hạt:

- Này, sắp tới nhà mình có việc, “hạt” bán cho mình vài tấc nhóm... với nhé!

-Gỗ đâu mà bán? “Hạt” hỏi lại.

-Ủa, thì bắt về để đầy sân đấy thôi.

-...!

Gỗ tịch thu về đấy, phải bảo quản cẩn thận, thiếu một que so với biên bản là họa. Chờ các cơ quan chức năng đến làm việc vòng vo qua rất nhiều thủ tục để cuối cùng anh nào cần mua hoặc đấu giá xin mời đến cổng cơ quan Tài chính. Cán bộ Kiểm lâm có nhu cầu cũng không ngoại lệ. Khánh trầm ngâm: Nói ra chuyện này rất dễ mếch lòng ngành bạn. Nhưng tại sao bên Công an thu tiền phạt thì được trích phần trăm cho quỹ của ngành mà chúng tôi thì không được trích đồng nào...?.

- Bắt gỗ lậu giữa rừng có nguy hiểm?

- Nhà báo tính, bên kia là năm sáu lâm tặc tay rìu tay rựa với sản phẩm sắp bị tịch thu, mất trắng cả chục ngày ăn rừng ngủ rú. Bên này là hai kiểm lâm viên thực thi công vụ ăn lương. Trách nhiệm thì nặng nề, so sánh lực lượng thì như thế mà công cụ hỗ trợ cũng có quy chế sử dụng ngặt nghèo... Nhiều vụ kiểm lâm bị hành hung thương tích nặng mà hình như cả các cấp các ngành và công luận cũng chưa quan tâm đầy đủ...

- Còn chuyện cháy rừng?

Cháy rừng còn đau hơn. Một tiều phu vào rừng bật diêm hút thuốc rồi thờ ơ ném que diêm sang vệ đường. Lá khô bén lửa, cháy. Thế là, như triết lý một thời: “Tia lửa nhỏ đốt cháy đồng cỏ rộng”. Cháy rừng cũng như đốt rừng làm rẫy, phải mất trăm năm rừng mới tái sinh đúng nghĩa. May sao, hay chính là kết quả của toàn ngành mà độ che phủ của rừng Quảng Bình ta lúc này là nhất toàn quốc. Về điều này, không phải chỉ nghe qua báo cáo, chỉ hành trình vài chặng trên đại lộ Hồ Chí Minh đông hay tây Trường Sơn đều có thể cảm nhận được. Có một cái lăn tăn nho nhỏ mà lâu nay anh em trong ngành không tự lý giải được. Ví như, việc triệt hạ rừng nguyên sinh để phát triển cây cao su, nên chăng? Một vài nơi thấy nhựa thông xuống giá bèn chặt thông trồng cao su. Cao su xuống giá lại chặt trồng cây khác...? bất cứ sản phẩm gì trên trái đất này đều có thể tạo ra bởi văn minh công nghiệp. Duy cây thân gỗ thì phải đợi thời gian, từng tháng từng năm. Ở thủ đô vừa có vụ chặt cây xôn xao dư luận. Khi phó chủ tịch thành phố nhận lỗi thì hơn năm trăm cây cổ thụ đã bị hạ rồi, mang theo bao giá trị môi sinh môi trường, cả giá trị di sản, giá trị nhân văn vô cùng lớn, đích thân Phó Thủ tướng phải trực tiếp có ý kiến chỉ đạo. To lớn như Trung Quốc mà người dân Bắc Kinh ra đường phải đeo khẩu trang đồng loạt cũng bởi hệ lụy từ việc không tôn trọng môi trường cây xanh. Tôi nêu một nhận xét ướm thử:

- Người nông phu yêu ruộng đồng, ngư dân yêu biển cả, người kiểm lâm có yêu rừng, yêu cái cây!? Hay chỉ yêu cái công việc mang lại cho mình lương tháng?

Đoàn Văn Công không chịu trả lời trực tiếp vào thắc mắc ẩm ương của tôi mà nhẩn nha kể câu chuyện về những năm tháng ở chiến trường phải tìm nơi giấu xe. Có lúc đang ấm chỗ dưới rừng cao su nằm chờ chiến dịch thì kịp đến kỳ cao su rụng lá, thế là cả quan lẫn lính lại lôi thôi lếch thếch đi tìm bãi đỗ xe khác. Thật đúng là: “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến anh sau khi cởi áo lính liền chuyển sang lâm nghiệp. Kết quả, nói là chuyến du khảo của bạn bè đồng ngũ bàn chuyện thành lập hội cựu chiến binh tăng thiết giáp lại cả buổi nói chuyện rừng. Quả thực, không thể tưởng tượng nếu một ngày nào đó trên trái đất này không còn rừng nữa. Lúc đó, chỉ có thể nói một từ ngắn: Thảm họa!

Kết thúc bài viết này, xin trở lại với khung cảnh “mùa xuân chín’ và câu thơ rất giản dị của Bác Hồ:

“Mùa xuân là tết trồng cây
 Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Ai đã từng xem bộ phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” hẳn còn nhớ, đạo diễn người Đức đã kết thúc phim về một danh nhân Văn hóa thế giới bằng một lời bình tưởng như không thể ngắn hơn: “Người bao giờ cũng tìm thời gian rỗi để trồng một cái cây”.

Đồng Hới xuân 2015

Bút ký của Nguyễn Thế Tường