.

Tác phẩm để đời

Chủ Nhật, 05/04/2015, 15:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Là giám đốc công ty, suốt ngày lo sản xuất kinh doanh nhưng ông đồng thời yêu thơ văn. Ông thích thơ có vần điệu, đọc lên hiểu ngay; thứ thơ ngang phè phè như giàn bí hoặc nghĩ nát óc không ra, ông chẳng đụng đến. Thỉnh thoảng ông đảo mắt qua mấy đoản văn; còn những tập truyện dày cộp, với ông, giống như liều thuốc ngủ, cầm tới là díp mắt. Tủ sách tại tư gia ông đồ sộ, phía trên là tấm biển ghi lời danh nhân “Không có sách là không có tri thức...” Bạn bè thấy, khen nức nở. Ông chỉ cần thế, còn đọc thì...thời gian đâu. Và tới phần mình, ông bắt đầu mon men trên con đường sáng tác văn chương.

Lần đầu thấy thơ mình được đăng trên báo tỉnh, ông sướng tê người. Tất nhiên thuộc ngay từ khi sáng tác nhưng ông đọc đi đọc lại bài thơ rồi nhìn tên mình bên dưới, mỉm cười. Nhớ những con chữ xiêu vẹo trong bản thảo rồi nhìn bài thơ đều tăm tắp trên mặt báo cùng hình minh họa là thiếu nữ nâng đóa hoa chúm chím, ông lâng lâng. Niềm vui này chỉ có thể sánh với lần đầu ông nhận tin vợ sinh con.

Nghe sếp có thơ đăng báo, đám “tiểu yêu” trong công ty (ông thường gọi thuộc cấp như thế) xúm lại, vây lấy ông. Chúng giành tờ báo, dán mắt vào bài thơ, háo hức còn hơn xem bản thông báo tăng lương; hạ hồi là những lời xuýt xoa “Hay!” “Tuyệt!” Chúng bình luận, phân tích cái hay của bài thơ, đến tác giả cũng chưa kịp nghĩ tới. Khen thơ mỏi mồm rồi, đám bọn họ quay ra cật vấn về khoản tiền tác phẩm. Nói nhuận bút được hơn trăm ngàn đồng thì tội nghiệp cho chữ nghĩa nên ông cười cười. Thấy thế, đám kia càng tưởng sếp ăn dày, vớ bở quả này nên quyết lấn tới kiếm lộc. Chúng lung lạc ông bằng cách buông tiếng xa xôi: “Có tên trên báo, lại có tiền, sướng thật!” “Anh có niềm vui thì cũng nên tạo dịp để bọn em chúc mừng.”  “Ừ, thì khao”, ông vung tay, mở ví.

Rượu vào, khả năng thơ trong ông càng phát sáng. Ông lại ngân nga những sáng tác chắc khiến bác sĩ và cảnh sát giao thông phải ái ngại, đại loại như “Trăm năm bia đá thì mòn. Ngàn năm bia rượu vẫn còn vô tư”. “ Ví phỏng đời này không có rượu. Chúng ta nhạt nhẽo biết bao nhiêu”. “Tửu lượng không ai là giỏi cả. Phần nhiều do rèn luyện mà nên” Kèm mỗi đoản thơ là tiếng vỗ tay bốp bốp cùng những li bia dốc ngược. Từ đây, ông có thêm quý danh -nhà thơ. Khi giới thiệu ông trong các buổi tiếp khách, đám “tiểu yêu” không quên mở ngoặc “Anh là nhà thơ đang lên.” Ông không lắc, chẳng gật, chỉ cười cười khiến khách càng nể. Riêng vợ ông, gắn cho chồng hỗn danh “nhà thơ tự phong” và mỗi lần nhắc tới lại cười như hóa dại.

Niềm vui nhân lên cảm hứng, ông lao vào làm thơ, say như kẻ lên đồng. Mỗi ngày ông nhong nhóng chờ cô văn thư đem báo tới rồi líu ríu mở tìm trang thơ. Nét mặt háo hức ngời ngời, ngay sau đó bị thay bằng vẻ ỉu xìu lặng lẽ. Tên ông vẫn đều đều có trong hộp thư cộng tác viên của báo và chỉ có thế. Mãi không thấy thơ ông lại lên báo, đám “tiểu yêu” nóng lòng thay cho sếp: “Sao lâu thế?” Ông nhẩn nha: “Thơ mà cứ ra sòn sòn như bà đẻ không kế hoạch thì có mà bùng nổ, lạm phát à!?” Lần sau, lại nghe hỏi như thúc giục, ông thả tay, ngao ngán: “Giờ làm gì cũng phải thân nhưng mình có quen ai ở tòa báo đâu!?” Cả đám à lên, hóa ra thơ phú thời nay cũng không tránh khỏi cơ chế “xin-cho”. Phó phòng hành chính của công ty dè dặt gợi ý: “Anh ạ, hay ta nên mở quan hệ với tòa báo, như với đối tác làm ăn.” Nhớ lại khoản tiền chiêu đãi nhiều gấp vài chục lần nhuận bút mới rồi, ông xua tay lia lịa: “Thôi, thôi!”

Một hôm, phó phòng hành chính dẫn trưởng phòng kế toán công ty đến nhà ông. Ông ngớ người khi thấy cả hai thi nhau tự xỉ vả. “Em chậm hiểu quá anh ạ!” “Sao tôi không nghĩ ra nhỉ!?” Lời nặng nhưng mặt họ vẫn như hoa; ông chắc bọn họ sắp trình cao kiến gì đây. Sau một lúc lung khởi bao đồng, phó phòng hành chính vào đề:

- Anh ạ, người ta không in thơ thì ta tự in, có khó gì đâu.

Ông tò mò:

- Được không?

Trưởng phòng kế toán chém gió:

- Chắc chắn được.

- Tôi vẫn lăn tăn về chất lượng thơ mình.

- Anh không lo, chắc gì nhà xuất bản đã hiểu cái hay của thơ anh, ta phải tiếp thị chứ. Đến như danh họa Van-gốc nhưng sinh thời chỉ bán được một bức tranh bởi người đời chẳng hiểu tranh ông. Còn ngày nay, nhiều tranh Van-gốc  giữ giá kỷ lục thế giới-Phó phòng hành chính đả thông vẻ ngần ngại của sếp, rồi tiếp- In thơ tặng bạn bè đang là cách tự giới thiệu mình của nhiều doanh nhân thời nay đấy.

Ông chốt lại:

-Thôi được rồi, tôi chuẩn bị bản thảo; các cậu giúp liên hệ, thủ tục-Ông chợt nhớ- Nhưng phát hành và tiền in thế nào?

Phó phòng hành chính nhanh nhảu:

- Phát hành để em.

Trưởng phòng kế toán tiếp lời:

- Anh đừng bận tâm kinh phí. Công ty mình tài trợ bao chương trình thể thao từ thiện, chẳng lẽ không giúp anh in được tác phẩm để đời.

- Tôi không muốn phiền công ty.

Ông do dự kéo theo im lặng của khách. Hồi lâu, phó phòng hành chính hiến kế:

- Anh đã nói thế, bọn em sẽ ứng tiền công ty để in; sau đó, bán sách thu tiền trả lại.

Ông gật đầu, chia tay khách với lời cảm ơn mấy lần lặp lại. Ông chẳng phải phấp phỏng chờ lâu, hơn tháng sau, sách in xong, đẹp đến ngỡ ngàng. Trên giấy trắng láng bóng là hình ảnh minh họa cùng lời giới thiệu trân trọng và những bài thơ vốn quen thuộc, giờ trở nên sang trọng. Ông lần giở từng trang thơ để nhấm nháp niềm vui. Ông giữ lại một phần ba số sách, tức năm trăm cuốn để tặng bạn bè; số còn lại giao phó phòng hành chính. Độ hai tháng sau, ông ghé tai phát hành viên tình nguyện này: “Thu đủ chi không?” Anh ta cười tươi: “Vừa đẹp, anh ạ”. Ông chỉ mấy bao sách còn nguyên ở góc phòng, ra chiều thắc mắc. Anh này đi tắt đón đầu ngay: “Anh khỏi lo, người ta đăng ký mua cả rồi.” Quả nhiên mấy hôm sau, ông ngang qua phòng hành chính, không còn thấy những bao sách. Ông vui, lẩn thẩn tự hỏi: “Kẻ hồ đồ nào bảo thơ đang mất giá nhỉ?”

Lên gặp giám đốc quyết toán cuối năm, trưởng phòng kế toán rào từ xa: “Thời suy giảm kinh tế, giá cả vọt như tên lửa mà anh căng ke như kẻ chỉ, bọn em đến chết mất!” Tiếp đó là tiếng nói cười giả lả như muốn lái chú ý của ông khỏi việc trước mắt. Những khoản mua sắm, tiếp khách được trình lên sau đó khiến ông ngờ ngợ bởi giá cả trên trời. Như mọi lần, ông sẽ hỏi lại nhưng lần này ông ngần ngừ một lát rồi thôi. Thấy sếp ký vèo vèo vào những bảng kê quyết toán, trưởng phòng kế toán vui ra mặt.

Phó phòng hành chính đến nhà ông vào buổi tối nhập nhoạng. Anh ta nhuộm vẻ tù mù về lý do chuyến thăm bằng câu chuyện đầu Ngô mình Sở. Ấm trà chưa nhạt nhưng có lẽ không thể nén lòng lâu hơn, khách thăm dò: “Tới đây, trưởng phòng chỗ em nghỉ, ai thay đó anh?” Ông bảo “lãnh đạo chưa bàn.” Khách không hài lòng trước sự kiệm lời của gia chủ; ngồi lặng phả khói thuốc. Anh ta phá tan im lặng bằng cách với tay lấy ấm, châm thêm trà vào cốc; buông lời hững hờ như vô tình: “Em nghĩ, ai lên cũng được nhưng người tại chỗ lên là thuận hơn cả...” Ông hiểu lời lạng lách kia, rằng cấp phó thay trưởng là tốt nhất. Sự thận trọng khiến gia chủ không thể tiếp lời. Bấy giờ, ông bắt đầu ngộ ra ẩn ý của bọn họ thấp thoáng sau việc hăng hái in thơ cho ông. Khách về rồi, ông nuốt bực, tự dỗ mình yên lòng.

Về hưu, ông càng có thì giờ dành cho thơ. Ý định in sách, một lần nữa tái xuất trong ông. Vừa nghe chồng bảo chuẩn bị tiền cho thi phẩm ra đời, vợ ông tròn mắt: “Mười triệu?” Nghe ông lặp lại ý định như mệnh lệnh, bà rên như bị thương: “Lấy đâu ra chừng đó!?” Ông chém gió, cao giọng: “Bà suốt ngày loanh quanh với việc thu mua phế liệu, chẳng biết gì cả. Gạo ăn cũng hết, tiền tiêu cũng xong; chỉ những tác phẩm văn chương là còn lại với đời, bà hiểu không?” Chẳng biết hiểu không nhưng bà im. Lúc sau, bà quay ra bao vây ý định của ông bằng cách kể lể những khoản chi sắp tới, từ tiền học của hai con đến tiền chung góp xây mả tổ tiên, sửa nhà thờ tộc ở quê. Mặc ông cau có, bà vẫn kiên trì kể tiếp những đám cưới, nhà mới, thôi nôi, đầy tháng đang cận kề. Ông nhụt chí.

Cuối năm, ông vừa dọn nhà vừa nghe tiếng nói cười của vợ với bạn hàng từ ngoài hiên vọng lại. Dịp này, nhà nào cũng thu dọn, vệ sinh nên thải ra bao nhiêu là phế phẩm. Vợ ông bận hơn với những chồng sách báo cũ chất ngất từ hiên ra sân và đống nhựa phế liệu cao như núi. Bạn hàng vô ra liên tục. Một bà vừa ỳ ạch kéo xe bò tới, với chồng giấy vụn cao có ngọn. Bà khách cười nói từ cổng, cho hay vừa vớ được mớ sách báo do công ty cũ của ông loại ra. “Các chú ấy thương nên cho không, gần trăm kí lô- Khách tỉ tê- May quá, em được thêm chút cháo, chị ạ.”

Khách về rồi, vợ ông gọi giật ngược: “Ông ơi, ông ra ngay đây!” Đang quét dở đám mạng nhện nhưng nghe giọng bất thường của vợ, ông vội buông chổi, đi ra. Nhìn những bao lác đựng sách quen quen, ông ngờ ngợ. Thôi, đúng rồi, đây là những cuốn thơ của ông do phó phòng hành chính nhận phát hành. Ông sững người. Bà đưa một cuốn về phía chồng, giọng chua xót: “Tác phẩm để đời của ông đây ư!?” Ồng rối rít như van: “Bà khe khẽ có được không!?”

Nguyễn Trọng Hoạt