.

Góc nhìn khác về cây sung Đồng Hới

Thứ Sáu, 03/04/2015, 10:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với những người bạn, tôi hứng thú  đi bộ buổi sáng bên bờ sông Nhật Lệ, ngày ngày, tháng tháng, năm năm... Mỗi ngày đi, tôi nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng (Phạm Tiến Duật) mà không thấy gì, bởi muốn giữ cho đầu óc hư vô, thư thái, đặng thả lỏng cơ bắp khi đi bộ ở thời khắc nguyên đán (đầu buổi sáng) nguyên sơ nhằm tĩnh dưỡng cơ thể. Bỗng một hôm, trong một lần đi bộ “rỗng không” như thế, tôi chợt thấy cây sung Đồng Hới mà tôi đã từng mỗi ngày hơn một lần nhìn cổ thụ.

Cây sung Đồng Hới

Tôi thấy cổ thụ đúng như hình ảnh đã ghi lại với sự hỗ trợ của gần 50 năm quá khứ gừng già. Năm 1964, học lớp 4 tại đình Đồng Hải, chúng tôi đã từng làm bạn với cây sung này, non tơ như chúng tôi, nhưng rõ ràng đã nhìn nhau từ thuở ấy. Sau chiến tranh, cùng với thành phố, cây sung sống sót oanh liệt, trở thành nhân chứng lịch sử với sự hồi sinh mãnh liệt hiếm thấy. Đó có thể coi là một báu vật sống của quê hương?  

Cây sung Đồng Hới từ khi tôi nhìn thấy lại, lạ thay, đã thực sự đánh thức sự bàng quan cố hữu của tôi. Theo đó, như từ tiềm thức, tôi âm thầm quan sát cổ thụ, tò mò một cách ngưỡng mộ, suốt một thời gian dài... Bây giờ, tập thành lại, trực quan, mới nghiệm thấm một điều: cây cũng như người, khao khát sống, khao khát dâng hiến, và cũng không quên khao khát phô diễn. 

Tôi từng thấy, thành phố  Đồng Hới sau chiến tranh không phải không còn những cây xanh sống sót oanh liệt như cây sung, nay đã thành cổ thụ, ngấm đầy cổ tích. Vậy thì, có nên ghi chép, kê cứu và "lên" kế hoạch bảo vệ, chăm sóc đặc biệt, bảo tồn những lão thụ, những chứng tích sinh thể (có thể có linh hồn?) hiếm hoi này như đã bảo tồn những di tích vật thể khác không? Bởi không ít người đã và đang đồng cảm với nhạc sỹ Trần Long Ẩn khi nhìn cây như một đời người...

Khi nghĩ về một đời người
Tôi thường nhớ về rừng cây.
Khi nghĩ về một rừng cây
Tôi thường nhớ về nhiều người.

Trần Hùng