10 năm Câu lạc bộ Hán Nôm Quảng Bình
(QBĐT) - Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh Quảng Bình được thành lập năm 2005 nhưng đã có cơ sở từ năm 2003, lúc đó đã có sự vận động và chuẩn bị cho việc thành lập CLB. Chữ Nôm là một dạng chữ Hán đã được chính quyền phong kiến nước ta lập ra đã khá lâu, nó viết như chữ Hán nhưng đọc thành âm Việt, đó là thứ chữ của riêng nước ta. Tuy nhiên chữ Nôm hiện nay rất ít người viết và đọc được.
CLB đã vận động được 20 hội viên ở các huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới, trong đó chủ yếu là các hội viên ở Đồng Hới. Nhà thơ Văn Lợi là Chủ nhiệm danh dự của CLB. Trong số hội viên có 1 nữ cử nhân Hán Nôm. Tháng 6/2005, CLB đã tiến hành đại hội thành lập, Ban chủ nhiệm gồm 3 vị, cụ Trương Quang Phúc là Chủ nhiệm. Được biết trong cả nước có 5 CLB Hán Nôm nhưng hầu như chỉ có CLB tỉnh ta hoạt động đều. Thành phố Huế tuy có nhiều vị thông hiểu Hán Nôm nhưng chưa tổ chức CLB. Đó là điều đáng khen của tỉnh ta.
Năm 2004, tuy chưa chính thức thành lập nhưng CLB đã tổ chức cho chữ Tết Nguyên đán Giáp Thân. Khu triển lãm ở Trung tâm văn hóa Quảng Bình đã dành cho CLB một gian riêng để trưng bày. Cụ Trương Quang Phúc, cụ Hoàng Gia Hy và Phạm Ngọc Hiên là những thành viên hoạt động rất tích cực tuy không được bồi dưỡng gì. Cụ Hoàng Gia Hy là cây bút thư pháp Hán Nôm rất tốt, là niềm tự hào của CLB. Tuy nhiên, đa số các hội viên am hiểu Hán Nôm còn ít, rất ít người viết đẹp, lại hoạt động không đều làm cho CLB không được mạnh.
Sau khi chính thức thành lập, CLB đã có phương hướng hoạt động cụ thể: sưu tầm các văn bản chữ Hán, Nôm trong tỉnh để dịch thuật, phiên âm và dịch ra chữ Việt các hồ sơ, gia phả cũ các họ tộc trong tỉnh đưa đến. Trong 10 năm qua, CLB đã nhận dịch thuật khoảng 40 bộ gia phả của các họ tộc ở huyện, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Đồng Hới, sưu tầm hàng chục câu đối, chỉnh lý, sửa chữa một số câu đối, hoành phi ở các di tích văn hóa,... CLB đã tổ chức cho chữ Tết Nguyên đán nhiều năm. Đặc biệt 5 năm qua, do CLB Hán Nôm Quảng Bình đã có tiếng vang trong nước nên Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam đã mời lãnh đạo của CLB ta đi dự Hội nghị nghiên cứu Hán Nôm và các báo cáo của CLB tỉnh ta đã được đăng trên Thông báo Hán Nôm học của Viện hàng năm.
Năm 2014, báo cáo của CLB do cụ Trương Quang Phúc viết đã nêu lên một số tư liệu mới là: Bài thơ Thần Nam Quốc Sơn Hà trước đây cứ tưởng là của danh tướng Lý Thường Kiệt sáng tác nhưng chính là của hai vị tướng Trương Hống và Trương Hác sáng tác và đọc trong đền thờ Thần trong đêm khuya để cổ vũ tinh thần yêu nước của binh sỹ ta thêm mạnh, đánh thắng quân Nguyên. Bài thơ đó có câu khác với bài thơ chúng ta hay đọc, cụ thể là:
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Hoàng thiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch tặc lai xâm ngã
Nhất đán phong vận tận tảo trừ.
Bản này dịch ra chữ Việt cũng ý nghĩa như vậy. Bài thơ này cũng đã được ông Nguyễn Đình Hưng (Sở VH-TT-DL Thái Nguyên) xác định (bài đăng trong Thông báo Hán Nôm học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm năm 2013).
Tháng 6-2013, CLB đã tổ chức triển lãm các văn tự Hán Nôm được viết đẹp trên các chất liệu tốt trong Hội chợ Thương mại ba nước Việt Nam, Lào và Thái Lan do tỉnh ta tổ chức cũng đã gây được tiếng vang. Đặc biệt sáng mồng Một tết Nguyên đán Ất Mùi, CLB đã tổ chức cho chữ Tết tại chùa Đại Giác (Hội Phật Giáo Quảng Bình). Rất nhiều Phật tử đã xin chữ đầu năm, các nhà sư ở đây rất phấn khởi vì CLB vì đã làm cho chùa Tết năm nay rất vui.
Trong thời gian qua, Chủ nhiệm CLB đã dạy Hán Nôm cho 2 hội viên nữ trẻ là học sinh Trung học ở phường Đồng Phú. Nhưng đã có 5 cụ cao tuổi đã qua đời. Đó là điều băn khoăn của CLB vì dần dần các cụ cao tuổi, kiến thức nhiều sẽ qua đời, ít kết nạp được thêm hội viên, khó duy trì thành viên ổn định cho CLB.
Về kinh phí hoạt động, trong các năm qua, CLB được Sở VH-TT-DL cấp cho 5 triệu đồng mỗi năm, trong 3 năm qua tăng lên 10 triệu đồng/năm. Trong các lần cho chữ, những người xin chữ đã biếu cho CLB một số tiền, tuy không nhiều nhưng cũng là nguồn động viên cho những hội viên cho chữ.
Phương hướng trong thời gian tới là CLB sẽ có dự án trình lên lãnh đạo tỉnh về việc nghiên cứu, đánh giá sự chính xác của các văn tự trên các hoành phi, câu đối ở các đình, chùa, miếu trong tỉnh để sửa chữa các câu chữ sai, làm cho những người am hiểu Hán Nôm thỏa mãn, vừa lòng khi đến tham quan.
Được biết, cuối năm qua, do biết CLB Hán Nôm Quảng Bình đã hoạt động tốt nên Viện nghiên cứu Hán Nôm đã có gặp lãnh đạo tỉnh ta và nêu ý định thành lập Trung tâm Hán Nôm Quảng Bình. Vấn đề này là một thách thức của CLB vì đòi hỏi CLB phải hoạt động mạnh và đa dạng hơn.
CLB Hán Nôm Quảng Bình tuy chưa thực sự lớn mạnh toàn diện nhưng cũng đã gây được tiếng vang trong nước và trong tỉnh. Đó là một vốn quý giá của tỉnh ta mà ít tỉnh khác có được, cũng là niềm tự hào của những người am hiểu Hán Nôm tỉnh nhà.
Ngọc Hiên Hiên