.

Nhà Thiếu nhi tỉnh với công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống

Thứ Sáu, 04/07/2014, 14:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc Nhà Thiếu nhi Quảng Bình hiện nay có 28 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Đây là địa chỉ gặp gỡ giao lưu, học tập, đưa âm nhạc dân tộc tiếp cận và gắn bó với thế giới trẻ thơ, giúp các em có những hiểu biết căn bản nhất về âm nhạc truyền thống, nhạc cụ dân tộc.

Ông cha ta đã để lại một kho tàng nhạc cụ rất phong phú và quý báu. Mỗi nhạc cụ đều có những âm thanh độc đáo, diễn tả nhuần nhụy tâm hồn con người Việt Nam qua bao đời. Nhưng trước sự du nhập của nhiều loại nhạc nước ngoài thì việc bảo vệ và phát huy giá trị của nhạc cụ dân tộc phải được quan tâm, coi trọng.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50 loại nhạc cụ rất đa dạng và phong phú, được thế giới ưa chuộng. Để bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam, Nhà Thiếu nhi Quảng Bình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các loại hình nhạc cụ phổ biến như là đàn tranh, đàn bầu, đàn tam thập lục, sáo trúc, trống dân tộc...

Việc làm quen với các loại hình nhạc cụ dân tộc, tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân gian cũng là cách để các em dần tự hoàn thiện nhân cách, nâng cao lòng tự hào về âm nhạc dân tộc mình, góp phần nuôi dưỡng tình cảm, tình yêu quê hương. Hơn 10 năm qua, CLB là nơi giúp các em thể hiện tình yêu đối với loại hình nghệ thuật truyền thống đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Tiết mục hòa tấu của các em trong đêm tổng kết các bộ môn năng khiếu hè 2013.
Tiết mục hòa tấu của các em trong đêm tổng kết các bộ môn năng khiếu hè 2013.

Cô Nguyễn Thị Như Hảo, Chủ nhiệm CLB Nhạc cụ dân tộc, giáo viên môn đàn tranh cho biết: “Có thể nói, Câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc là một trong các CLB “kén” học sinh nhất. Theo học bộ môn Nhạc cụ dân tộc, các em học sinh thật sự phải có niềm đam mê và năng khiếu. Các em phải trải qua các lớp học cơ bản 2 năm. Đây là CLB có số học sinh ít nhất, dao động từ 3-15 em sinh hoạt mỗi bộ môn. Khi các em thuần thục thì sẽ được học hòa tấu nhạc cụ dân tộc để biểu diễn”.

Trong kho tàng văn hóa âm nhạc dân tộc Việt Nam, mỗi loại đàn đều có đặc điểm âm thanh khác nhau. Âm thanh của cây đàn bầu mộc mạc, chân quê, sâu lắng, có sức quyến rũ lạ kỳ. Đàn tam thập lục có điệu nhạc âm vang, ấm, sáng sủa, thích hợp rộn rã. Tuy nhiên khi ở quãng thấp âm sắc đàn tam hơi đục, dùng để thể hiện những giai điệu trầm hùng, khỏe khoắn. Dùng để đệm cho hát, độc tấu, tham gia hòa điệu với những nhạc cụ âm trầm khác trong dàn nhạc.

Đàn tranh là nhạc khí tay gảy, với hình thức đẹp, khả năng biểu hiện tinh tế, âm thanh trong sáng, giàu sức diễn tả, linh hoạt, trang nhã, duyên dáng. Sáo trúc là một trong những nhạc cụ có cấu tạo đơn giản nhưng rất tiện dụng. Với nghệ thuật diễn tấu của người nghệ sĩ đã tạo ra âm thanh của sáo vi vu làm mê say lòng người... Mỗi loại nhạc cụ có một cái hay, cái độc đáo, nhưng để làm cho các em say mê âm nhạc là một bài toán khó đối với các giáo viên bộ môn. Nhiều em khi học nhưng không có đam mê phải bỏ giữa chừng.

Em Đào Nam Khánh, lớp 9B, Trường THCS Đồng Mỹ cho biết: Học nhạc cụ dân tộc đòi hỏi phải có sự đam mê. Lúc mới học môn đàn bầu, vì đàn chỉ có 1 dây nhưng để tạo ra các âm nên rất khó. Nếu không có đam mê, không có sự động viên, khích lệ của thầy cô thì giờ em đã bỏ cuộc. Giờ học thành thạo đàn bầu rồi nên em thấy rất thích môn học này”.

Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn, sự quan tâm, ủng hộ của phụ huynh chưa nhiều nhưng Nhà Thiếu nhi tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho các em là miễn toàn bộ học phí cho các em (từ độ tuổi 7-15), đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ nhằm phục vụ tốt cho các hoạt động dạy và học dành cho các môn âm nhạc truyền thống như: đàn tranh, đàn bầu, đàn tam thập lục, sáo trúc, trống dân tộc... nhằm góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua những bài biểu diễn, những nhạc cụ các em được học.

Hơn 10 năm qua, CLB đã gặt hái được rất nhiều thành công, cụ thể: Liên hoan thanh thiếu nhi hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ nhất năm 2010 CLB đã giành giải B; năm 2013, đạt 2 HCV Festival các nhà thiếu thi toàn quốc về bộ môn hòa tấu nhạc cụ dân tộc liên khúc bài “Trên biển quê hương” và bài “Quảng Bình quê ta ơi”... và nhiều giải thưởng các cuộc thi cấp tỉnh và khu vực.

T.Hoa-T.Nhàn