.

Hoàng Sa, Trường Sa trong Phủ biên tạp lục

Thứ Sáu, 27/06/2014, 16:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Lê Quý Đôn là một nho sĩ yêu nước, một nhà bác học lớn nhất Việt Nam dưới thời phong kiến. Là một quan đại thần, ông luôn có những hoài bão lớn về xây dựng một xã hội thái bình thịnh trị, mang lại cuộc sống bình an cho dân lành.

Dưới triều Lê - Trịnh, Lê Quý Đôn đã giữ những cương vị quan trọng, năm 1754 ông được giữ chức Hàn lâm viện thừa chỉ sung Toản tu Quốc sử quán, 1757 ông được thăng chức Hàn lâm viện Thị giảng. Năm 1762, được cử giữ chức Học sĩ ở Bí thư các. Năm 1769 ông lại được thăng chức Công bộ hữu thị lang. Năm 1775 ông được thăng chức Lại bộ Tả thị lang kiêm Quốc sử quán Tổng tài.

Bên cạnh sự mẫn cán của một vị đại thần, Lê Quý Đôn còn là người ham hiểu biết, đọc, suy ngẫm và viết rất nhiều các công trình vĩ đại, có giá trị to lớn bậc nhất về lịch sử, địa lý, kinh tế xã hội của nước ta dưới thời Lê Trịnh như Phủ biên tạp lục; Kiến văn tiểu lục; Bắc sứ thông lục; Đại Việt thông sử; Lê triều công thần liệt truyện; Vân đài loại ngữ; Quần thư khảo biện...

Phủ biên tạp lục là tác phẩm Lê Quý Đôn viết năm 1776 khi ông giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa. Bên cạnh việc tổ chức lại chính quyền chăm lo đời sống nhân dân, Lê Quý Đôn đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe về xứ Đàng Trong nhất là xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam trong tập bút ký lịch sử này.

Có thể nói, Phủ biên tạp lục là tác phẩm duy nhất ghi chép tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ XVIII trở về trước. Các nhà viết sử trong Quốc sử quán triều Nguyễn sau này khi viết các bộ sử ký triều Nguyễn đã sử dụng nhiều tư liệu của Phủ biên tạp lục. Không chỉ biên soạn tình hình kinh tế, xã hội ở giai đoạn lịch sử dưới thời Trịnh - Nguyễn, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn còn là một tác phẩm có giá trị về mặt địa lý học, viết rõ hình thể núi sông, cương vực, địa giới của vùng đất xứ Đàng Trong.

Trước Lê Quý Đôn, chỉ có Dương Văn An đời nhà Mạc trong Ô Châu cận lục viết về núi sông, phong thổ, nhân vật của xứ Thuận Hóa. Phải chờ đến Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì hình thể núi sông, phong tục tập quán, nhân vật hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam mới được giới thiệu đầy đủ.

Khi giới thiệu về núi sông, thành lũy, trị sở, đường xá bến đò, nhà trạm hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, Lê Quý Đôn không chỉ viết về  vùng đất của các phủ, châu, huyện từ Quảng Bình trở vào mà ông còn viết đến các vùng biển, các hòn đảo gần bờ và xa bờ thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn trước đó.

Phủ biên tạp lục chép: “Phía ngoài các biển xứ Thuận Hóa, Quảng Nam đều có núi đá nổi lên trong biển để làm trấn, rộng hẹp không giống nhau. Châu Nam Bố Chính ở thôn Bắc Biên xã An Náu có núi gọi là cù lao Cỏ, ra biển đi 4 canh thì đến nơi. Phủ Điện Bàn, ở ngoài cửa biển Đà Nẵng có núi Hòn Trà, Hòn Lỗ ra biển nửa canh thì đến. Phủ Thăng Hoa, ở ngoài cửa biển Đại Chiêm có núi to gọi là cù lao Chàm, ba ngọn đối nhau, hai ngọn lớn mà xanh tốt, có dân cư ruộng nương, có các thứ cam quýt đỗ lạc, trên có suối nước ngọt, một ngọn thì nhỏ và khô khan, ra biển 2 canh thì đến.

Yên bình làng chài. Ảnh: T.H
Yên bình làng chài. (Ảnh minh họa của T.H)

Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tư Chính, dân cư trồng đậu, ra biển 4 canh thì đến; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải Phủ Quy Nhơn thì các cửa biển Tân Quan, Thời Phú, Nước Ngọt, Nước Mặn đều có đảo, nhiều yến sào, lập đội Thanh Châu để lấy. Ngoài biển phủ Bình Thuận thì có ngọn núi Côn Lôn rộng mấy dặm, cũng có yến sào. Ở ngoài nữa có cù lao Khoai, trước có nhiều hải vật và hóa vật của tàu, lập đội Hải Môn để lấy. Cửa biển phủ Gia Định có núi gọi là Côn Lôn. Phía ngoài biển trấn Hà Tiên có núi gọi là Đại Côn Lôn có dân cư...” (1) .

Như vậy có thể thấy các chúa Nguyễn đã tổ chức quản lý các hòn đảo và quần đảo ngoài khơi và tổ chức các đội thuyền như Hoàng Sa , Thanh Châu, Hải Môn để khai thác các hải vật và hóa vật trên các đảo đó. Đặc biệt, Lê Quý Đôn viết khá rõ những hòn đảo ngoài khơi phủ Quảng Ngãi và sự quản lý của các chúa Nguyễn đối với vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Về các hòn đảo ngoài khơi phủ Quảng Ngãi Lê Quý Đôn viết: “Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh khác hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh giờ thì đến” (2). Những hòn đảo ngoài khơi phủ Quảng Ngãi được Lê Quý Đôn mô tả khá đậm nét với những tài nguyên, sản vật biển quý: Trên núi có chỗ có nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy.

Bên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất  nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc Xà Cừ để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba tục gọi là trắng bông, giống đồi mồi mà nhỏ, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm, tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bãi, lấy về dùng vôi xát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt. Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này” .(3)

Việc quản lý vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các chúa Nguyễn tổ chức các đôi thuyền cắt phiên nhau ra đảo, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết rõ: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn” .(4)

Suốt 6 tháng trong một năm, các thuyền của đội Hoàng Sa bên cạnh thực hiện việc quản lý vùng đảo còn tổ chức việc khai thác sản vật có từ biển,  những hóa vật từ các con tàu đắm khi bị bão, Phủ biên tạp lục viết: “Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không” (5) .  

Qua Phủ biên tạp lục cho thấy, việc quản lý quần đảo Hoàng Sa là một chủ trương nhất quán của các chúa Nguyễn để thực thi chủ quyền của mình. Hằng năm đều có cử đội thuyền Hoàng Sa cắt phiên nhau ra đảo từ tháng 2 đến tháng 8. Khi đi đều có lệnh “nhận giấy sai đi” và khi về đều phải báo cáo lại phủ chúa ở Phú Xuân và “rồi lĩnh bằng trở về”. (6)

Chính Lê Quý Đôn đã từng xem sổ ghi việc khai thác trong những chuyến đi Hoàng Sa, Trường Sa của cai đội cũ là Thuyên Đức, Phủ  biên tạp lục chép: “Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ, 5 năm ấy chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được khối thiếc, bát sứ và 2 khẩu súng đồng mà thôi” (6).  

Bên cạnh đội Hoàng Sa, các chúa Nguyễn còn đặt thêm đội Bắc Hải do cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Đội Bắc Hải không định bao nhiêu suất lấy người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương (thuộc Phú Yên) để quản lý và khai thác vùng đảo phía nam là Trường Sa. Sách Phủ biên tạp lục ghi rõ: “Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền nhỏ ra xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm các vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm”  (7) ...

Qua những dẫn chứng trên cho thấy, trước thế kỷ XVIII các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong đã tổ chức thực hiện chủ quyền lãnh hải của mình bằng việc tổ chức các đội thuyền quản lý, khai thác vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là bằng chứng lịch sử không thể chối cãi được đã được nhà bác học Lê Quý viết trong Phủ biên tạp lục vào năm 1776.

Phan Viết Dũng

---------------------------------------------

1. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Nxb Văn hóa Thông tin. Hà Nội. 2007. Tr 150, 151; 2. Sách trên. Tr 154
3. Sách trên Tr 154; 4.Sách trên Tr 155; 5.Sách trên Tr 155; 6.Sách trên Tr 155; 7. Sách trên Tr 155