.
Kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2014):

Nghề báo: Vất vả mà thú vị

Thứ Sáu, 20/06/2014, 10:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Mải miết với công việc thoáng chốc đã ngót 20 năm làm báo. Nhìn lại,  thấy bao khổ ải trên chặng đường đã qua, nhưng cũng thật thú vị về một nghề được xã hội tôn vinh và những ấn tượng khó quên...

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Báo Quảng Bình nhân chuyến về thăm quê tháng 11-2004. Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Báo Quảng Bình nhân chuyến về thăm quê tháng 11-2004. Ảnh: Tư liệu

Tôi là người luôn được bạn bè cũ khi gặp lại đặt ra câu hỏi tại sao? Cụ thể hơn là tại sao lại nghề báo? Vâng, tôi vốn là nghề giáo, ngót chục năm “gõ đầu trẻ”, lại đột nhiên chuyển sang nghề báo. Chuyện xẩy ra từ hơn hai chục năm trước, thời ấy phương tiện thông tin còn hạn chế nên cũng ít thông tin cho bạn bè về những thay đổi mang tính “số phận”  nên khi gặp lại nhau thì quả là bất ngờ với bạn bè về cái nghiệp mới của mình...

Lại nói về cái sự “đột nhiên” này. Giai đoạn ấy chuyện đổi nghề như tôi không hiếm. Nhiều nhà báo có xuất phát điểm là một... "nhà" nào đó không phải là nhà báo. Họ được đào tạo “bát nháo” với nhiều quân- binh chủng khác nhau nhưng rồi cơ duyên nào đó họ lại về ở chung trong một "làng báo”. Tất nhiên những năm gần đây chuyện như thế  không còn phổ biến nữa, các phóng viên hầu hết đều được đào tạo từ các lò báo... 

Tản mạn một chút để có thể hình dung được những khó khăn, trở ngại của những người cầm bút “trái nghề”. Và đương nhiên, những nhà báo “trái nghề” như chúng tôi đã phải nỗ lực rất lớn. Ngoài việc phải đào tạo lại để có văn bằng nghề báo, là những tháng ngày tự đào tạo, tự rèn nghề. Cùng với cái sự vất vả do trái nghề, công việc của nhà báo quả là nhọc nhằn và cả nguy hiểm. Có lẽ với nghề báo đã có bao nhà báo nói  một cách sâu sắc về cái sự nhọc nhằn, nguy hiểm.

Nhưng với tôi và có lẽ với nhiều đồng nghiệp khác, bên cạnh nhọc nhằn, nguy hiểm là cả “một trời” thú vị và những ấn tượng khó quên mà nghề báo đưa lại. Vâng, 20 năm tôi đã được đi khắp các miền quê, đến mọi ngóc ngách đất và rừng Quảng Bình. Không chỉ đến còn biết cặn kẽ về từng vùng đất, con người,những danh lam, thắng cảnh, những di tích lịch sử... Có lẽ đây là điểm “vượt trội” so với nhiều người. Và cùng với đó là vô vàn chuyện thú vị, những ấn tượng sâu đậm mà nghề nghiệp đưa lại.

Trong khuôn khổ bài viết ngắn này xin được nhắc lại một vài sự kiện. Mùa thu năm 2005, tôi có chuyến đi với đoàn khảo sát hang động ở Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.  Động Thiên Đường bây giờ là một địa chỉ du lịch hấp dẫn và quen thuộc không chỉ với du khách trong nước mà cả với du khách quốc tế. Nhưng khi ấy, nó chỉ mới là một sự phát hiện chấn động... tỉnh nhà! Tôi có may mắn là trong số ít người được đặt chân đến đây khi nó còn hoang sơ, ít có dấu chân người. Vượt qua quãng đường dài rừng nguyên sinh rậm rạp, leo lên một đoạn dốc phải đi bằng bốn... chân mới đến được miệng hang. Với một đoạn dây thừng mỏng manh, hàng chục người chui tọt xuống một “hố đen” sâu hoắm, đen ngòm...

Trong bóng  đen “tuyệt đối” cảm giác sợ hãi xâm chiếm tâm trí mọi người. Chỉ khi đèn bật sáng (một máy phát điện nhỏ mang theo), một không gian rộng lớn phát lộ trong muôn vàn hình thù kỳ lạ, mê hoặc đoàn người.  Được chứng kiến những điều kỳ diệu của tạo hóa, lúc ấy chúng tôi chưa dám nghĩ đến một ngày nào đó nó sẽ là điểm đến của du khách...

Cũng trong năm ấy, tôi lại được “xuyên thủng” rừng Phong Nha- Kẻ Bàng để đến với quần thể rừng bách xanh trên đá.  Chuyến đi cực kỳ vất vả và cả nguy hiểm. Đường 20  mờ trong hơi nước, đến km 37 rẽ trái và leo núi. Đá tai mèo lởm chởm sắc như dao cạo, chỉ một chút sơ sẩy là tai họa ập đến. Đoàn người như những vận động viên leo núi thực thụ nhích dần lên dốc núi. Lên đến độ cao gần ngàn mét, đỉnh của dãy núi đá vôi, trước mắt chúng tôi là những cây cổ thụ lạ mắt, thân to cả mấy người ôm, nhưng tán lá không sum suê như cây rừng thường thấy ở rừng Phong Nha- Kẻ Bàng, lá cây nhỏ, thưa cành...

Các nhà báo đang tác nghiệp.
Các nhà báo đang tác nghiệp.

Theo giới thiệu của cán bộ Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, đó là cây bách xanh mà đoàn đang đi tìm. Nơi này là cả một rừng bách xanh bạt ngàn, theo thống kê sơ bộ của Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, quần thể bách xanh phân bổ trên diện tích hơn 5 nghìn ha, trong đó 2500 ha có mật độ dày đặc, khoảng 600 cây/ ha. Theo giáo sư người Nga Leonid V.Ave ryanov, chuyên gia hàng đầu về thực vật thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga, đây là một trong 4 loài bách xanh trên thế giới vừa được phát hiện, là loại rừng cổ xưa, quý hiếm cần được giữ gìn...

Tháng 10 năm ngoái, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, chúng tôi lại là những người đặt chân đến nơi an nghỉ của Người khá sớm. Ngày 5-10-2013, khi biết tin Đại tướng không an nghỉ ở Lệ Thủy mà có thể là ở phía bắc tỉnh, chúng tôi đã nghĩ đến Vũng Chùa- Đảo Yến, nơi anh Võ Điện Biên, con trai của Đại tướng đang xây dựng dự án du lịch sinh thái.

Lúc này là cực kỳ bận rộn với những người làm báo tỉnh vì phải viết bài cho số báo đặc biệt ra sáng thứ 2 (ngày 7-10). Nhưng dù eo hẹp về thời gian chúng tôi vẫn quyết ra Vũng Chùa. Có nhiều lý do để phải đi trước, đó là chuẩn bị các phương án cho việc viết tin tường thuật sau này và trước mắt, độc giả trong và ngoài tỉnh đang rất muốn biết vũng Chùa- Đảo Yến ở đâu, là như thế nào, chúng tôi cần thông tin sơ bộ...

Nói dự án du lịch sinh thái của anh Võ Điện Biên, nhưng chỉ biết chung chung, chúng tôi đành dừng xe bên bãi biển hỏi dò một ngư dân đang soạn ngư cụ chuẩn bị ra khơi. Câu hỏi thì chung chung mà người ngư dân này lại nói ngay, chùa của Đại tướng ở ngoài đó tề. Theo hướng tay người chỉ là một chấm đỏ giữa triền núi xanh... Chúng tôi lên xe nhằm chấm đỏ giữa bát ngát trời và biển Vũng  Chùa- Đảo Yến...

Nghề báo vất vả và cả nguy hiểm nhưng cũng là nghề mang lại cho những người “đã mang cái nghiệp vào thân” những điều thú vị, những ấn tượng khó quên. Đấy là chất men làm say nghề của những người làm báo!

Văn Hoàng