.

Giúp đồng bào Vân Kiều phục dựng truyền thống văn hóa dân tộc

Thứ Ba, 24/06/2014, 12:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Xuất phát từ những sáng kiến kinh nghiệm của các thành viên trong nhóm nông dân nòng cốt về việc kiến nghị đề xuất Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh hỗ trợ kinh phí mua sắm một số loại nhạc cụ của người Bru-Vân Kiều và phục dựng lại những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình, từ năm 2006, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống trên địa bàn hai xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn được phục dựng và giữ gìn những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện nay, ở 2 xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn (Quảng Ninh) có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống ở các thung lũng, triền núi, dọc hai bên khe suối. Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào Vân Kiều còn gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, cùng với việc hỗ trợ nhân dân hai xã miền núi nói chung và đồng bào dân tộc Vân Kiều nói riêng về xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh còn hỗ trợ mua sắm các loại nhạc cụ, xây dựng và giữ gìn những nét truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Trước đây, người Vân Kiều sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ truyền thống, với những điệu hát, điệu múa mang giá trị văn hoá đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình như chiêng, sáo khơ lui, sáo sui, sáo pi, ta-riêng, đàn pơ lự, đàn tính tùng; các điệu hát si nớt, hát tà oải và với nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội cúng tế truyền thống của người Bru-Vân Kiều như lễ cúng cơm mới, lễ hội lấp lỗ vv...

Tuy nhiên, thanh niên Bru-Vân Kiều bây giờ không thích mặc áo của người Bru, không biết thổi sáo hay chơi nhạc cụ, không hát được bài hát của người Bru. Một số loại hình văn hóa như múa, hát, các nhạc cụ truyền thống ngày càng bị mai một dần. Các già làng, trưởng bản người Vân Kiều mong muốn, các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp đỡ để bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của người Bru-Vân Kiều.

Ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh cho biết: Theo nguyện vọng của các thành viên trong nhóm nông dân nòng cốt về việc việc khôi phục và phát triển nền văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều và thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh đã hỗ trợ nhóm phụ nữ dân tộc Bru-Vân Kiều bản Khe Ngang, xã Trường Xuân thực hiện sáng kiến cộng đồng về bảo tồn văn hóa dân tộc do nhóm phụ nữ đề xuất và thực hiện.

Đội văn nghệ dân tộc xã Trường Sơn tham gia liên hoan văn nghệ Bru-Vân Kiều.
Đội văn nghệ dân tộc xã Trường Sơn tham gia liên hoan văn nghệ Bru-Vân Kiều.

Ban đầu đội văn nghệ được hình thành với 13 thành viên nòng cốt. Sau khi thành lập đội văn nghệ đã tiến hành mua sắm các trang phục, nhạc cụ truyền thống từ nguồn kinh phí do Quỹ hỗ trợ. Đồng thời tổ chức luyện tập các bài hát, điệu múa, điệu hò và sử dụng một số nhạc cụ dân tộc do các nghệ nhân người Vân Kiều trong bản truyền dạy. Một số loại hình văn hóa văn nghệ được đội văn nghệ bản Khe Ngang phục hồi như múa mừng lúa mới, múa đám chay, múa đám cưới; hát giao duyên, hát đối đáp, hát ru con.  Đội cũng đã sử dụng, phục hồi một số nhạc cụ của dân tộc như kèn, sáo pi, đàn pơ lự và một số trang phục dân tộc cũng được phục hồi như váy khố, khăn đạm, gùi,  a rừa, a chói...

Đến nay, sau hơn 7 năm thực hiện, đội văn nghệ bản Khe Ngang tiếp tục duy trì và mở rộng được 30 thành viên. Ngoài ra, một số thành viên trong đội văn nghệ Khe Ngang đã tham gia các hoạt động hỗ trợ thành lập đội văn nghệ bản Khe Dây với 10 thành viên dân tộc Vân Kiều tham gia. Năm 2007, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình bằng việc thành lập đội văn hóa văn nghệ dân tộc tại xã Trường Sơn với 12 thành viên đều là người dân tộc Bru-Vân Kiều. Đến nay, đội văn nghệ dân tộc xã Trường Sơn đã tăng lên 20 thành viên. Từ đó thành lập thêm đội văn nghệ bản Khe Cát với 25 thành viên.

Từ những thành công bước đầu của Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, năm 2013, xã Trường Sơn đã huy động thêm một số nguồn kinh phí từ dự án Phát triển du lịch bền vững Tiểu vùng Mê Kông tỉnh Quảng Bình để mở lớp “Phục dựng và truyền dạy âm nhạc truyền thống của người Bru- Vân Kiều” cho 26 học sinh là người Bru-Vân Kiều trong xã.

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Bru-Vân Kiều tại hai xã Trường Xuân và Trường Sơn được chính quyền và người dân địa phương quan tâm và sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc vùng sâu vùng xa đã trở thành nét văn hóa truyền thống. Các đội văn nghệ dân tộc đã tham gia tích cực trong các hoạt động văn hóa văn nghệ và tham gia tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước tại địa phương rất hiệu quả. Điều đáng ghi nhận là đội văn nghệ dân tộc xã Trường Xuân và Trường Sơn tham dự “Liên hoan tiếng hát 54 dân tộc Việt Nam” tại Hà Nội năm 2009, giao lưu văn hóa dân tộc tại Gia Lai, Quảng Ngãi năm 2011 và hội thi “Làn điệu dân ca các dân tộc Việt Nam” tại Hà Tĩnh, Huế năm 2012 đạt được nhiều giải thưởng.

Từ những kết quả đạt được có thể khẳng định rằng, thông qua sự hỗ trợ của Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, hoạt động khôi phục và phát triển văn hóa người Bru-Vân Kiều đã góp phần quan trọng trong việc lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của hai xã miền núi Trường Sơn và Trường Xuân, giúp thế hệ trẻ người dân tộc Vân Kiều hiểu biết hơn, tự hào hơn về nền văn hóa của chính dân tộc mình, từ đó có ý thức tham gia phát huy, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Ngọc Khang
(Đài TT-TH Quảng Ninh)