.

Hát đồng dao với tuổi thơ

Thứ Năm, 12/06/2014, 16:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Hát đồng dao là lối hát của trẻ thơ chơi đùa với nhau tụm năm, tụm bảy trên sân chơi ở trong làng hay ngoài đồng hoang, nơi thả rong trâu bò của những vùng nông thôn hay vùng đồi núi.

Đồng dao là những bài hát truyền miệng của trẻ thơ. Đồng dao cũng có thể là các bài hát của người lớn, do người lớn sáng tác, sử dụng, song chủ yếu phải phù hợp với thế giới quan, tâm lý của trẻ con và do trẻ con trực tiếp lưu truyền, diễn xướng, nhưng loại này không nhiều.

Hát đồng dao không những chỉ phổ biến nhiều ở hầu hết các vùng miền của tỉnh ta mà còn được phổ biến rất nhiều vùng miền trên khắp đất nước ta.

Người ta thường chia hát đồng dao thành bốn dạng như sau:

1- Dạng hát gắn liền với công việc trẻ em phải đảm nhiệm hàng ngày, như việc chăn trâu bò, việc giữ em, như những bài ca gọi bê (bò con), gọi nghé (trâu con), các bài hát ru em của trẻ nhỏ.

2- Dạng hát gắn liền với trò chơi của trẻ em như trò dung dăng dung dẻ, trò chơi ù, rồng rắn...

3- Dạng hát gắn liền với nhu cầu hiểu biết, học hỏi, mở mang trí tuệ của trẻ em. Đây là các bài rất phù hợp với sự phát triển tư duy của trẻ em.

4- Dạng sấm ký, sấm truyền do trẻ em hát.

Người ta chia ra bốn dạng như vậy là để tìm hiểu, nghiên cứu, còn đối với trẻ em, thế giới xung quanh các em đều nên thơ, hồn nhiên; thiên nhiên đối với các em đều gần gũi, trong trẻo. Dù xa, dù gần, dù trong đời sống hàng ngày hay trong chuyện cổ tích thần tiên, hiện thực đối với các em đều được nhân hoá.

Nói tới đồng dao là phải nói tới sự gắn bó giữa hát với công việc hàng ngày, với trò chơi và với những hiểu biết, học hỏi, mở mang trí tuệ của trẻ em hàng ngày.

Trong sinh hoạt của các em, trên các bãi cỏ chăn trâu bò, trên các cồn đất nổi giữa đồng, dưới bóng cây đa đầu làng,... các em thường vui chơi với nhau. Trong lúc các em bé gái đánh ô quan, đánh thẻ, đánh bồi, chơi ù, thì các bé trai gọi bê, gọi nghé. Có khi sôi động hơn, các em trai còn giục trâu, bò chọi nhau trên các bãi cỏ rộng. Chiều tà các em lại rủ nhau gọi bê, nghé về chuồng. Các em đã nhại tiếng bê, nghé kêu, nên trong các bài hát đồng dao này thường có mô phỏng âm thanh tiếng bê, nghé gọi mẹ vào đầu bài hát và ngân dài.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ở Quảng Bình, hát đồng dao vẫn còn được các em nhỏ vui đùa hát với nhau trong những lúc sinh hoạt tập thể. Chính vì vậy mà những câu hát đồng dao thường ngắn gọn, mỗi câu 4 chữ, toàn bài cũng không dài lắm, nên dễ hát, dễ nhớ và dễ thuộc. Về nội dung các bài hát đồng dao thường mang tính giáo dục nhẹ nhàng mà phong phú, dễ thương, hợp với lứa tuổi trẻ em.

Ví dụ: Những câu hát "Gọi bê" khi mặt trời sắp xuống núi như:

"Bê à ời! Bê à ơi!
Bê con theo mẹ / Mẹ cho miếng bú
Bê con theo chú / Chú cho củ khoai
Đừng ăn lúa ai / Cắt tai, xẻo mũi
Bê à ời! Bê à ơi!"...           

Nhìn chung, phần âm nhạc của hát đồng dao đơn giản, chỉ có hai týp nhạc ngắn và giống nhau, ở âm vực trung, mỗi týp gồm 2 ô nhịp 2/4 như là tiếng gọi bê (gọi hai lần), dùng để mở đầu và cũng chính týp nhạc đó để kết thúc; còn ở giữa là những câu 4 chữ, có khi 3 chữ hoặc 5 chữ, mỗi chữ đi với một nốt đen hoặc nốt đen có chấm dôi đi liền với nốt móc đơn. Còn về cao độ thì phụ thuộc vào thanh âm của chữ đó, tạo nên một giai điệu đều đều, theo nhịp bước chân đàn bò, bê đi nhè nhẹ và có thể nối dài cho đến khi đàn bò, bê về đến chuồng mới thôi.

Có những lúc em bé chăn bò ôm con bê mới sinh còn non yếu, đi chưa vững, vừa vuốt ve âu yếm, vừa hát một cách tự nhiên:

"Bê con như hoa / Như gà trong trứng
Mẹ nuôi, mẹ nấng / Mẹ hứng trong tay
Lên một bạo cày / Lên hai bạo bừa
Thương bê con lắm / Ăn no chóng lớn
Bê con! Bê ơi ... bê... "
Hoặc là những câu nghe rất tình cảm như:
"Bò cỏn bò con / Đừng đi một mình
Lạc vô trong rú / Có con cọp dữ
Nó chụp bò con / Bỏ đồng cỏ non
Bỏ dòng nước mát / Bỏ chú, bỏ bác
Bỏ cỏ, bỏ rơm / Để mẹ chạy cuồng
Mẹ kêu, mẹ rống / Bò con ời! Bò
                                           con ơi!...

Chúng ta có thể căn cứ vào phần âm nhạc đã trình bày để hát hai bài đồng dao nêu trên và các bài khác nữa. Ngoài những bài đồng dao mà lời ca là những câu 4 chữ như trên, ở các vùng quê của tỉnh Quảng Bình, còn có nhiều bài hát đồng dao phong phú khác nữa.  

- Bài đồng dao về con chuồn chuồn:

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì dâm (râm).
Hoặc: Chuồn chuồn có cánh thì bay
Kéo thằng cu Lép bắt ngay bây giờ.

- Bài đồng dao về thằng Cuội:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời.

(Hai câu này được hát nhiều lần. Lần thứ nhất thì ở câu 2 hát là "gọi cha ời ời", lần thứ hai hát là "ời ời gọi cha", ...).

- Bài đồng dao về đố trong tay nào có vật nhỏ:

Tập tầm vông / Tay không, tay có
Tập tầm vó / Tay có, tay không
Tập tầm vông / Tay nào không, tay
                                          nào có?
Tập tầm vó / Tay nào có, tay
                                      nào không?
(Tay nào không, tay nào có.
 Tay nào có, tay nào không?)...   

Ngày nay, hát đồng dao vẫn còn được phổ biến khá rộng rãi trên quê hương Quảng Bình, đặc biệt là ở các vùng đồng bằng và vùng đồi núi. Hát đồng dao cần được phổ biến nguyên bản, hoặc cải biên vào sáng tác ca khúc đồng dao nhiều hơn nữa cho lứa tuổi thiếu nhi tươi đẹp và hồn nhiên của chúng ta.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến