.

Ca khúc về Bác sống mãi với thời gian

Thứ Ba, 03/06/2014, 07:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Viết về Bác Hồ là một đề tài trang trọng của nền âm nhạc nước ta. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác đã in sâu vào trái tim khối óc của mọi người dân Việt Nam và nhân loại. Theo dòng lịch sử, nhiều ca khúc của các nhạc sĩ viết về Bác Hồ ra đời hàng chục năm qua đã thể hiện phẩm chất, đạo đức cao quý và công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lịch sử nước nhà.

Kể từ ngày khai sinh đất nước Việt Nam, một số ca khúc thể chính ca viết về Bác Hồ đã ra đời: Biết ơn cụ Hồ của Lưu Bách Thụ - 1945, Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Lưu Hữu Phước và Nguyễn Đình Thi, Ca ngợi Hồ Chí Minh của Văn Cao - 1949. Sau đó bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch, nhạc Lưu Hữu Phước, lời thơ Nguyễn Đình Thi được chọn làm "Lãnh tụ ca" trong các nghi lễ trang trọng.

Đất nước khai sinh chưa được bao lâu, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Một tác phẩm âm nhạc xuất sắc: Ba Đình nắng của Bùi Công Kỳ, phổ thơ Vũ Hoàng Địch ra đời, đã gợi lại hình ảnh của nhân dân thủ đô Hà Nội với vị lãnh tụ kính yêu trong ngày lịch sử trọng đại, để rồi bước vào không khí hào hùng và sôi động của cuộc kháng chiến. Các ca khúc Nhớ ơn Hồ Chí Minh của Tô Vũ và Nhớ ơn Hồ Chủ tịch của Phan Huỳnh Điểu nói lên sự biết ơn sâu sắc của mọi người dân Việt Nam đối với Hồ Chủ tịch, người đã lãnh đạo toàn dân thực hiện cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp ròng rã chín năm để có một Điện Biên lịch sử chấn động địa cầu.

"Đường giải phóng mới đi một nửa, nửa mình còn trong lửa nước sôi"... Đồng bào miền Nam đang ở trong thế kìm kẹp của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước. Bài hát Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường đã nói lên được điều đó: "Trên xóm làng miền Nam, đau thương mây phủ chân trời. Khi ca lên Hồ Chí Minh nghe lòng phơi phới niềm tin"...

Hơn ai hết, Bác Hồ luôn thương nhớ tới đồng bào miền Nam "Hai tiếng miền Nam luôn trong tim của Người. Thương nhớ ngày đêm không phút giây nào nguôi" - Bài Miền Nam nhớ mãi ơn Người, nhạc Lưu Cầu, lời thơ Trần Nhật Lam.

Múa Ngàn hoa dâng Bác của các cháu Nhà thiếu nhi Quảng Bình. Ảnh: P.V
Múa Ngàn hoa dâng Bác của các cháu Nhà thiếu nhi Quảng Bình. Ảnh: P.V

Bác đã đau nỗi đau của đồng bào miền Nam, Bác gửi muôn vàn tình thương yêu vào trong đó. Các bài Tình Bác sáng đời ta của Huỳnh Minh Siêng (tức Lưu Hữu Phước), Lời ca dâng Bác của Trọng Loan, Người sống mãi trong lòng miền Nam của Nguyễn Đồng Nai,... là những bài hát viết về Bác Hồ với đồng bào miền Nam trong những ngày đất nước còn bị chia cắt. Bác Hồ luôn tin tưởng một ngày không xa, đất nước thống nhất, Bác sẽ được vào thăm đồng bào miền Nam, thăm lại nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước.

Ước mơ của Bác chưa được thực hiện thì Bác đã đi xa! Nhiều tác phẩm âm nhạc ra đời ca ngợi công ơn trời biển của Bác. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có tác phẩm âm nhạc ngay sau khi Bác qua đời: Bài Trông cây lại nhớ đến Người, cải biên từ dân ca Nghệ Tĩnh. Các bài: Đôi dép Bác Hồ của Văn An, Từ Làng Sen và Việt Bắc nhớ Bác Hồ của Phạm Tuyên, Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên của Lê Lôi và bài Người là niềm tin tất thắng của Chu Minh là những tác phẩm xúc động viết trong dịp cả nước để tang Bác Hồ kính yêu của dân tộc. Trong số những ca khúc đó, Người là niềm tin tất thắng của Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh là một tác phẩm được giới nhạc sĩ đánh giá cao.

Hình tượng Bác Hồ đã trở thành một sức mạnh phi thường thôi thúc những đoàn quân ra trận, quyết trả thù nhà, đền nợ nước. Các bài: Theo lời Bác gọi của Nguyễn Xuân Khoát, Mang hình Bác, chúng cháu lên đường của Cao Việt Bách, Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục,... như những hồi kèn xung trận trong những ngày toàn Đảng, toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Ngày đất nước thống nhất, Bác Hồ kính yêu của chúng ta không còn nữa! Nhạc sĩ Phạm Tuyên với sự xúc động tuôn trào đã viết thành công hai tác phẩm: Như có Bác trong ngày vui đại thắng và Ngày thống nhất Bác đi thăm. Hai bài hát ấy cùng với bài Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, nhạc Cao Việt Bách, lời thơ Đăng Trung đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng, sau ngày đất nước thống nhất.

Trong những ngày cả nước bừng bừng khí thế thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hình ảnh Bác Hồ, đạo đức Bác Hồ, những lời dạy của Bác và cả cả cuộc đời sự nghiệp của Bác là một di sản vô giá để lại cho con cháu muôn đời. Đó chính là nguồn cảm xúc vô tận cho các nhạc sĩ sáng tác ca khúc về Bác Hồ. Nhiều ca khúc được viết trong thời kỳ này đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, mà chất liệu âm nhạc được xây dựng từ dân ca Nghệ Tĩnh.

Tiêu biểu nhất là những ca khúc của Thuận Yến, như các bài: Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Ngôi sao tình yêu và các bài: Những bông hoa trong vườn Bác của Văn Dung, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác của An Thuyên, Vào lăng viếng Bác, nhạc Hoàng Hiệp, lời thơ Viễn Phương, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, nhạc Trần Hoàn, lời Trần Hoàn và Đỗ Quý Doãn, Lời Bác dặn trước lúc đi xa của Trần Hoàn,... là những ca khúc chiếm được cảm tình của đông đảo người nghe.

Những nhạc sĩ Quảng Bình đã bày tỏ lòng tôn kính của mình với Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc với các tác phẩm âm nhạc: Ngày ấy Bác về của Thái Quý, Kết ngàn đài hoa kính dâng lên Người của Dương Viết Chiến, Ánh sáng Bác Hồ của Quách Mộng Lân, Lời Người vọng mãi của Hoàng Sông Hương,...

Chúng ta có được những tác phẩm âm nhạc quý giá về Bác Hồ, gắn bó với lịch sử cách mạng Việt Nam, chính vì những tư tưởng tình cảm, đạo đức cao đẹp, vì cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhạc sĩ; vì hình ảnh Bác Hồ đã in sâu vào mọi trái tim người Việt Nam. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong âm nhạc về phong cách sống, về đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người đã trở thành nghị lực cho chúng ta vượt qua thử thách, vững bước đi lên trên con đường Bác đã chọn.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến