.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy

Thứ Tư, 14/08/2013, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 13-8, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Đặng Văn Hoàn, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan...

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy.

Theo báo cáo của lãnh đạo Huyện ủy Lệ Thủy: Sau 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và các chương trình trọng điểm của huyện, đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9,6% (kế hoạch 11-12%); giá trị bình quân sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,8% (kế hoạch 5,5-6%); công nghiệp-xây dựng tăng 13,04% (kế hoạch trên 15%); dịch vụ tăng 14,78% (trên 16%). Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 39,28% (kế hoạch 35%); công nghiệp-xây dựng chiếm 24,97% (kế hoạch 28%); dịch vụ chiếm 35,74% (kế hoạch 37%); tổng sản lượng lương thực đạt 90.280 tấn/ năm (kế hoạch đến năm 2015 đạt 88.000 tấn/năm); thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng/người/năm (kế hoạch đến năm 2015 đạt 26-28 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 13,5% (thấp hơn mức bình quân của tỉnh 3,8%); thu ngân sách đạt 70,9 tỷ đồng/năm (kế hoạch đạt trên 100 tỷ đồng/năm); bình quân mỗi năm toàn huyện giải quyết công ăn việc làm cho 4.166 lao động...

Toàn huyện có 2.138 ha có giá trị thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/năm (tiêu biểu như xã Thanh Thủy, Cam Thủy...); tổng diện tích trồng cao su trên địa bàn đạt 4.233 ha (trong đó cao su tiểu điền là 1.555 ha); diện tích thông nhựa đã cho khai thác 2.000 ha.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã đầu tư xây dựng được 27,2 km đường giao thông liên xã, cứng hóa 31,9 km đường liên thôn, 35,5 km đường xóm và 27,2 km đường nội đồng với tổng nguồn vốn đầu tư 529 tỷ đồng (chưa tính tới vốn đóng góp của nhân dân 76 tỷ đồng).

Về công tác xây dựng Đảng đã được Đảng bộ huyện Lệ Thủy quan tâm chỉ đạo thực hiện khá tốt. Hàng năm, có 78,7% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh (kế hoạch 75-80%), không có đơn vị yếu kém; 99% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ; chính quyền cơ sở đạt loại khá, vững mạnh 82,14% (kế hoạch 60-70%). Toàn huyện hiện có 66 tổ chức cơ sở đảng, với 1.400 đảng viên, 100% thôn, bản và trường học đều có tổ chức đảng.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, thời gian qua Lệ Thủy cũng gặp phải không ít tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn còn nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường; nguồn thu ngân sách thiếu bền vững, phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất; nhiều trường học trên địa bàn hiện đang xuống cấp; một số công trình, dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn do nguồn vốn bị cắt giảm nên tiến độ thi công chưa bảo đảm kế hoạch đặt ra...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Đăng Quang đã biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân Lệ Thủy trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và xây dựng Đảng... trong thời gian qua. Sau đại hội Đảng các cấp, Lệ Thủy đã bám sát sự chỉ đạo của cấp trên để chủ động xây dựng 5 chương trình kinh tế trọng điểm phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế ở địa phương mình. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực của huyện đã vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; đời sống người dân không ngừng được nâng lên; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của tỉnh.

Lệ Thủy hiện là địa phương đầu tiên ở tỉnh tiên phong xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Ngoài ra, địa phương cũng rất chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ngày càng có hiệu quả và đạt chất lượng tốt; tích cực quan tâm tới chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; tăng cường thu hút các nguồn lực tập trung đầu tư vào xây dựng nông thôn mới, đường giao thông, thủy lợi, đê, kè...

Đặc biệt, hiện Lệ Thủy không có điểm trắng về tổ chức Đảng và đảng viên. Năng lực hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn không ngừng được nâng cao. Nội bộ từ huyện tới cơ sở luôn có sự đoàn kết, thống nhất và đồng tâm hiệp lực để quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra...

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế của Lệ Thủy như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt cao nhưng chưa có sự bền vững; vùng miền núi, gò đồi, vùng cát ven biển ở địa phương vẫn chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có; vấn đề lồng ghép các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đang còn yếu; việc phát triển sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, tạo sức cạnh tranh với thị trường chưa cao; công tác đào tạo nghề chưa thực sự tốt, tỷ lệ lao động có chuyên môn giỏi không nhiều...

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý: Thời gian còn lại của nhiệm kỳ này không nhiều, do đó đề nghị Đảng bộ huyện Lệ Thủy cần tập trung rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, chẳng hạn như: thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người... Trên cơ sở đó, Lệ Thủy cần tập trung mạnh vào việc chỉ đạo thực hiện và tháo gỡ những khâu yếu, việc khó, chỉ tiêu thấp... Tiếp tục xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp sắp tới; chú trọng công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn...

                                                                           Văn Minh