.

Đồn Biên phòng Cà Xèng: Thành quả của sự quyết tâm và sáng tạo

Chủ Nhật, 02/03/2014, 09:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồn Biên phòng Cà Xèng được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới Việt Nam-Lào dài 31,5 km, gồm 7 cột mốc, là khu vực có địa hình núi non hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn. Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đã xác định vai trò ý thức trách nhiệm của mình, luôn đoàn kết phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

>> Điểm sáng vùng biên cương

>> Vững vàng nơi biên giới

Trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đơn vị đã triển khai đồng bộ toàn diện các mặt công tác biên phòng, hàng năm bám nắm tình hình thực tế đơn vị, địa bàn để có chủ trương, kế hoạch sát đúng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ.

Đặc biệt đơn vị đã chú trọng công tác nắm tình  hình, quản lý toàn diện có chiều sâu các loại đối tượng, con người phương tiện ra vào khu vực biên giới không để xảy ra bị động lúng túng trong quản lý địa bàn; làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, qua đó nhân dân đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có hiệu quả.

Trong 3 năm qua, đồn đã tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc được 72 đợt/365 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm giữ vững nguyên trạng đường biên, cột mốc. Đồn đã chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân sự trên địa bàn trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh tố giác tội phạm.

Đơn vị đã trực tiếp bắt, xử phạt vi phạm hành chính 114 vụ/388 đối tượng, trong đó xử phạt cảnh cáo 33 vụ/166 đối tượng, hành vi vi phạm chủ yếu là đi lại, hoạt động trái phép trong khu vực biên giới, đánh nhau, trộm cắp tài sản; phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ  126 vụ/261,9 m3 gỗ các loại và 98 kg rễ gỗ huê  chuyển giao cho kiểm lâm xử lý.

Đồn đã phát huy tốt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Ban chỉ huy Quân sự, Công an huyện Bua La Pha, chính quyền Khệt Bản Đủ (nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào) trong công tác phối hợp hiệp đồng bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự, chống vượt biên trái phép, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Thành quả của mô hình lúa nước Rục Làn.
Thành quả của mô hình lúa nước Rục Làn.

Đồn đã cùng với các ngành thực hiện tốt các chương trình phối hợp, tuyên truyền vận động nhân dân định canh, định cư, ổn định cuộc sống; tổ chức dạy 2 lớp xóa mù chữ cho 32 học sinh; khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí  cho nhân dân trên 21 triệu đồng; cử 2 đảng viên về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ bản khó khăn góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng; tham mưu địa phương xây dựng củng cố, kiện toàn 2 đảng bộ với 27 chi bộ trực thuộc (không có thôn, bản trắng đảng viên) và các tổ chức quần chúng 2 xã thường xuyên hoạt động có nền nếp; duy trì có hiệu quả phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự, đến nay đã vận động được 15/15 thôn, bản tham gia đăng ký phong trào.

Trên địa bàn do đồn phụ trách có 2 xã biên giới Thượng Hóa và Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, với số dân 1.124 hộ/4.929 khẩu. Đây là 2 xã biên giới đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, với đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là điều kiện ăn, ở, sinh hoạt. Chính vì vậy ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, thì tham gia phát triển kinh tế-xã hội được đơn vị xem là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong các hoạt động công tác.

Thông qua nhiệm vụ xây dựng cơ sở, đồn đã thành lập các đội công tác về tận các bản trong 2 xã đóng quân để giúp dân xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, xây dựng nếp sống văn hoá... Trong những năm qua, đồn đã tham mưu cho địa phương 2 xã có những chủ trương, chính sách hợp lý trong phát triển kinh tế như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng chăn nuôi, sản xuất, đưa các loại cây, con giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Trên cơ sở đó phối hợp với Hội Nông dân huyện Minh Hóa, Hội Nông dân 2 xã tổ chức mở các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học, kỹ thuật và cung cấp hàng nghìn cây giống các loại phục vụ cho đồng bào canh tác trồng trọt.

Địa bàn đơn vị đóng quân có 94 hộ/375 khẩu người Rục sinh sống. Người Rục hiện nay thuộc nhóm chậm phát triển, kinh tế khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, sản xuất chủ yếu theo lối cũ: săn bắt, hái lượm, chặt, đốt. cốt, trỉa. Việc cày, bừa và chăn nuôi đối với người Rục hết sức khó khăn. Trước tình hình trên, đơn vị đã cử các đội công tác xuống địa bàn cùng ăn, cùng ở với nhân dân tổ chức tuyên truyền vận động đồng bào sống định canh, định cư, tập trung hướng dẫn cho nhân dân biết cày, bừa, trồng ngô, sắn, lúa nước và chăn nuôi. Thông qua các mô hình làm mẫu với phương châm “Cầm tay chỉ việc, đồn làm trước, dân làm theo”, bước đầu mang lại hiệu quả.

Đơn vị đã xây dựng mô hình ruộng lúa nước ở hộ gia đình ông Trần Trung Trực ở Rục Làn bản Mồ O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, khai hoang được 0,14 ha ruộng lúa nước. Cán bộ chiến sỹ của đồn đã cùng người dân phát quang làm đất, đắp đập dẫn nước, phân chia bờ thửa, tiến hành cày ải, bón, ngâm ủ, gieo giống, chăm sóc và thu hoạch lúa; sau vụ đầu thử nghiệm sản lượng lúa đạt 3,5 tạ đã đem lại niềm vui lớn cho đồng bào. Với kết quả đó đã tạo được niềm tin của người dân, đơn vị tiếp tục vận động gia đình khai hoang mở rộng thêm và triển khai gieo trồng vụ thứ 2, kết quả sản lượng đạt 3,5 - 4 tạ.

Qua 2 vụ lúa đã khẳng định thành công của mô hình này. Trên cơ sở đó Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Rục Làn ở xã Thựơng Hóa do BCH Biên phòng tỉnh làm chủ đầu tư và giao cho đơn vị trực tiếp tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào Rục tiến hành trồng lúa nước trên diện tích 10 ha tại mô hình dự án.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đơn vị đã chủ động đề ra các chủ trương, biện pháp, kế hoạch cụ thể để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện. Phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân di dời 9 mồ mã của 7 hộ dân ra khỏi khu vực dự án thủy lợi Rục Làn; trực tiếp tổ chức, hướng dẫn nhân dân san, làm bằng 100.000 m2 mặt ruộng phục vụ canh tác trồng lúa nước; tu sửa trên 31.000m đường bờ; đắp 10.000m đường bờ ngăn chia thuở ruộng; làm 1.100m đường mương bê tông dẫn nước và thoát nước ở các ô ruộng; vận động nhân dân thu gom gần 31 tấn phân động vật các loại như trâu, bò, dơi....;  làm cỏ vệ sinh đồng ruộng. Qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã tham gia trên 5.000 ngày công, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tham gia 3.500 ngày công.

Kết quả hiện nay 10 ha ruộng lúa nước đã thu hoạch đạt sản lượng bình quân trên 4 tấn/ 1ha. Đây không những là kết quả khẳng định những vụ mùa thắng lợi góp phần bảo đảm lương thực tại chỗ cho đồng bào Rục mà còn là mô hình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững trên tuyến biên giới.

Hồng Quân