.

Sứ giả Trường Sa...

Chủ Nhật, 02/02/2014, 21:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là những cán bộ, chiến sỹ hải quân công tác trên con tàu vận tải quân sự HQ 571 mang tên Trường Sa…Và chúng tôi rất đỗi tự hào khi được biết trong những người lính hải quân làm nhiệm vụ thực hiện chuyến hải trình nối đất liền với Trường Sa có nhiều chiến sỹ cùng quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”.

 

HQ 571, một trong những con tàu vận tải quân sự hiện đại nhất Việt Nam.
HQ 571, một trong những con tàu vận tải quân sự hiện đại nhất Việt Nam.

HQ 571 là một trong những con tàu vận tải quân sự được đóng mới và hạ thủy năm 2012. Tàu có nhiệm vụ chở cán bộ, chiến sỹ từ đất liền ra Trường Sa làm nhiệm vụ và ngược lại.

Đúng 8 giờ sáng ngày 17-4-2013, tàu HQ 571 mang tên Trường Sa kéo ba hồi còi dài chào tạm biệt đất liền, bắt đầu chuyến hải trình vượt gần 1.000 cây số để đến với quần đảo Trường Sa. Đây cũng là thời điểm bắt đầu một phiên làm việc mới của trung úy Lê Văn Sao, hàng hải số 1 và gần 20 thành viên khác trên tàu. Công việc của anh là nhanh chóng rà soát, kiểm tra lại hệ thống định vị, bảo đảm hướng đi của con tàu theo lịch trình đã vạch sẵn.

Sinh ra ở vùng quê chiêm trũng xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, nhưng tình yêu biển cả đã giúp trung úy Lê Văn Sao gắn bó cuộc đời binh nghiệp của mình với sóng gió qua những chuyến hải trình dài đằng đẵng. Từ một người lính đi nghĩa vụ quân sự, anh theo học lớp trung cấp kỹ thuật hải quân. Và rồi, sau nhiều năm lái xuồng cao tốc, lăn lộn với sóng gió biển khơi trên hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Sao đã được giao nhiệm vụ làm hàng hải số 1 trên con tàu HQ 571 mang tên Trường Sa. Bận bịu với những chuyến đi biển dài ngày, nhưng gia đình, quê hương vẫn luôn là điểm tựa, là động lực để người lính trẻ, người con của quê hương Quảng Bình vững chắc tay lái giữa muôn trùng sóng dữ.

“Thật vinh dự và tự hào là người chiến sỹ hải quân công tác trên tàu HQ571. Để làm chủ được hệ thống thiết bị công nghệ cao của con tàu vận tải quân sự hiện đại nhất Việt Nam, em luôn phải tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi kiến thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những giờ lên ca trực lái, em và các thành viên trong ê kíp phải tập trung tư tưởng cao độ để giữ đúng hướng đi của tàu, xác định đúng gió, dòng nước để đưa tàu đi an toàn”, trung úy Lê Văn Sao tâm sự.

Ngoài trung úy Lê Văn Sao, trên tàu HQ 571 mang tên Trường Sa còn có 3 thủy thủ khác cũng là con em của quê hương Quảng Bình. Đó là thiếu tá Phạm Xuân Hải, Phó Thuyền trưởng phụ trách quân sự, quê ở xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch; thượng úy Bùi Vĩnh Thùy, phụ trách điện máy, quê ở xã Đức Hóa và thiếu úy Lê Thanh Tùng, phụ trách vũ khí boong tàu, quê ở xã Thạch Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa.

Có một sự trùng hợp thú vị là cả bốn cán bộ, chiến sỹ này đều được phân công điều khiển con tàu trong cùng một kíp trực. Tâm sự với các anh, những đồng hương quê Quảng Bình, chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết như anh em một nhà qua những câu chuyện kể, những tâm sự của họ về chuyện nghề, chuyện biển hay những lời động viên, chia sẻ về nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Lòng yêu nghề, quê hương và trên tất cả là tình yêu, trách nhiệm với một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc giữa điệp trùng sóng nước đã giúp họ gắn chặt thành một khối đoàn kết, vững tin thực hiện những chuyến hải trình nối đất liền với hải đảo.

Thiếu tá Phạm Xuân Hải đang cùng ê kíp lái tàu HQ 571 (bên phải, ngoài cùng là trung úy Lê Văn Sao) ra quần đảo Trường Sa.
Thiếu tá Phạm Xuân Hải đang cùng ê kíp lái tàu HQ 571 (bên phải, ngoài cùng là trung úy Lê Văn Sao) ra quần đảo Trường Sa.

Trực tiếp làm nhiệm vụ trên chiếc tàu vận tải quân sự hiện đại nhất Việt Nam song điều đáng mừng là các chiến sĩ hải quân mà chúng tôi quen gọi là “chủ tàu” đều còn rất trẻ. Họ trẻ cả về tuổi đời, tuổi quân ngũ nhưng lại rất chủ động, nhạy bén khi tiếp ứng với khoa học công nghệ mới hiện đại. “Ngay khi nhận được lệnh của thủ trưởng Vùng IV Hải quân, chỉ huy tàu sẽ trực tiếp quán triệt, giao nhiệm vụ cho từng người, phân công cắt cử các kíp lái, kíp trực máy bảo đảm thời gian cho từng chuyến hải trình vượt biển”. - Phó thuyền trưởng tàu HQ 571 Phạm Xuân Hải tâm sự.

Sinh ra và lớn lên tại thôn Hưng Lộc, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch), bố mẹ đều là giáo viên trường làng nhưng chàng thanh niên Phạm Xuân Hải đã sớm gắn bó với nghiệp đi biển ngay từ khi rời ghế nhà trường. Tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 1996, anh được phân công công tác tại Vùng III Hải quân với quân hàm thiếu úy, Trưởng ngành hàng hải. Sau nhiều năm công tác, đảm nhận nhiều cương vị khác nhau anh được phân công giữ cương vị Phó thuyền trưởng tàu HQ 571 mang tên Trường Sa. Trong những buổi trò chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ: Sự nghiệp của mình gắn với biển, xuất phát từ lòng yêu biển và mong muốn cống hiến một phần sức lực của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi vậy, 15 năm kể từ ngày lập gia đình nhưng khoảng thời gian anh có mặt ở nhà, bên vợ con là rất ít.

Anh kể: Năm 2007, khi đang làm nhiệm vụ trực tại quần đảo Trường Sa thì nhận được tin vợ sinh con. Thời điểm ấy Trường Sa chưa có sóng điện thoại. Bởi vậy, phải mất nhiều ngày sau anh mới nhận được tin vui này. Khi vợ muốn tranh thủ ý kiến anh về việc đặt tên cho con, anh nghĩ ngay đến tên Quân. Anh muốn đặt tên con là Quân với mong muốn thể hiện lòng thương nhớ qua mối quan hệ máu mủ cha - con, sự sẻ chia về nhiệm vụ và mối liên hệ mật thiết giữa đất liền với biển đảo. “Mình tên Hải, lại đang phục vụ trong lực lượng hải quân. Đặt tên con là Quân sẽ có mối liên hệ gắn kết qua tên gọi Hải - Quân”. Anh Hải nói.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, thiếu tá Phạm Xuân Hải với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác đã được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm chức vụ thuyền trưởng tàu HQ 571. Đây quả thực là một vinh dự lớn không chỉ của riêng cá nhân anh mà còn là niềm tự hào của mỗi một người con quê hương Quảng Bình đang thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối giữa đất liền với Trường Sa thân yêu.

Dù ngày hay đêm, khi giông bão hay nắng cháy bỏng rát, những người lính hải quân ấy vẫn lặng thầm vượt sóng, vượt gió đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa đất liền với Trường Sa.

Nguyễn Hoàng