.

Rừng dẻ ông Lý

Chủ Nhật, 16/04/2017, 16:51 [GMT+7]

(QBĐT) - 100 ha rừng dẻ tái sinh mà sinh thời “tiến sỹ thực hành” Ngô Văn Lý đã coi như báu vật trên vùng đồi Cự Nẫm (Bố Trạch) đang được tiếp tục gìn giữ và phát triển. Bằng sự lao động sáng tạo của những người con ông Lý, rừng dẻ đang “đẻ” ra tiền tỷ…

Một ngày đầu tháng tư chúng tôi về Cự Nẫm gặp lại chị Doãn Dương Khuyên, con dâu thứ ba của ông Lý. Chị Khuyên là trợ thủ đắc lực của ông trong những năm tháng lặn lội trồng rừng khi ông còn sống. Vẫn tươi trẻ như ngày nào dù đã sắp làm bà ngoại, nhưng trong câu chuyện chị Khuyên kể về rừng lại có nhiều điều mới lạ đến bất ngờ…

Sau khai thác dẻ, cây keo và chồi dẻ đã vươn lên.
Sau khai thác dẻ, cây keo và chồi dẻ đã vươn lên.

Cây dẻ và than hoạt tính

Rừng dẻ tái sinh năm xưa nay đã lớn lên rất nhiều và cây đã dày đặc hơn, rậm rạp hơn. Đã nhiều lần lên đây, với rừng dẻ, lúc đó chúng tôi cho là chúng chỉ có giá trị về sinh thái, phòng hộ như ý nghĩ của ông Lý khi nhận rừng. Còn giá trị kinh tế không lớn, nếu chỉ thu hạt, củi đun và… bóng mát.

Nhưng lần này chúng tôi đã bất ngờ, chị Khuyên cho biết, ngoài hạt dẻ thì gỗ dẻ bán cho các cơ sở chế biến than hoạt tính để xuất khẩu. Giá bao nhiêu? Chúng tôi hỏi. Một triệu đồng một tấn gỗ tươi, càng tươi càng được giá và không loại bỏ thứ gì khi đốn hạ một cây dẻ, chị nói.

Thế mỗi ha rừng dẻ của gia đình chị thu được bao nhiêu tấn gỗ dẻ như vậy? 200 tấn! Chị Khuyên nói và cũng có nghĩa là 200 triệu đồng/ha. Mà gia đình chị, con trai thứ của ông Ngô Văn Lý là Ngô Thế Anh chỉ có… chừng 20 ha dẻ, 1/5 trong tổng số 100 ha dẻ mà ông Lý để lại cho 5 người con. Nhưng đó là giá của “bán sỉ”. Đến bên một cây dẻ cao lớn, chị Khuyên cho biết giá của nó không dưới 1,5 triệu đồng.

Người ta mua để xẻ ra làm nhà, phần bìa, cành ngọn bán đốt than… Thế đồi dẻ này có bao nhiêu cây như thế? Nhiều lắm, chừng hơn nghìn cây! Chúng tôi lại dè dặt hỏi thế sau khi khai thác bán đốt than là… hết dẻ? Không! Và anh Ngô Thế Anh, chồng chị Khuyên nối dài câu chuyện về cây dẻ. Sau khi khai thác dẻ, đất sẽ được xử lý như làm vệ sinh, cày xới đào hố… rồi  trồng tiếp cây keo lên đó. Cây dẻ và cây keo là hai thứ cây khác nhau về tốc độ sinh trưởng, cây keo lớn nhanh hơn.

Vì vậy, khi cây keo lớn lên thì các gốc dẻ cũng đâm chồi nảy lộc. Sau 5 năm, cây keo đến kỳ thu hoạch, còn những chồi dẻ cũng sẽ thành những cây dẻ khép tán. Sau 5 năm nữa cây dẻ sẽ trưởng thành và cũng có thể khai thác… Cứ thế mà “ăn” dần trên hai thứ cây rừng. Anh Anh cho biết, theo quy trình này, sau 10 năm, thu từ dẻ, keo, tràm… trên dưới 500 triệu đồng mỗi ha. Như vậy, tính bình quân mỗi năm thu được 50 triệu đồng/ ha…

Lúc này, chúng tôi mới nhớ lại, cây dẻ có sức sống mãnh liệt, dù bị triệt phá đến mức tận diệt nhưng còn gốc là cây dẻ sẽ tái sinh. Chẳng thế mà ngày trước ông Lý đã chọn cây dẻ để tái sinh dù lúc ấy rừng dẻ ông nhận chăm sóc hầu như đã bị tận diệt…Anh Anh cho biết thêm: “Chúng tôi chỉ thực hiện quy trình trên với 5-7 ha, diện tích rừng dẻ còn lại vẫn được giữ gìn nguyên vẹn để còn tính đến những bước đi khác…”.

Du lịch sinh thái trên đồi dẻ

Dẫn chúng tôi qua một quả đồi dẻ khác, anh Anh cho biết về ý định xây dựng nơi này thành khu du lịch sinh thái. Có lẽ cái “chất” sinh thái đã hiện rõ ngay khi đặt chân lên đây. Gió thổi lồng lộng đến mát lạnh.

Quả đồi hình vòng cung như một túi đựng gió từ phía biển. Cùng với gió, quả đồi rộng chừng hơn 3 ha, có độ cao vừa phải, đủ để nhìn toàn cảnh thị trấn Hoàn Lão về phía đông. Trên đồi dày đặc dẻ, cây dẻ ở đây còn đẹp hơn những vùng khác, nhiều cây thẳng tắp, cao lớn, nhìn đến mê…Phía đông là đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua… Những phác thảo ban đầu được anh Anh “vẽ” ra, đó là sẽ xây dựng một khu nhà trên đỉnh đồi, xây dựng các “cầu thang” lên xuống, chăn thả lợn rừng trong rừng dẻ…

Một chút cảm hứng về điểm du lịch sinh thái trong tương lai, nhiều người hỏi sau khi hoàn thành sẽ đặt tên cho khu du lịch sinh thái này là gì? Anh chần chừ, có người nói lấy tên là  “Gió ngàn”- Anh cười, nghe cũng hay. Đến nay, anh đã chi hơn trăm triệu đồng để san ủi mặt bằng và tạo một số tuyến đường lên đồi dẻ.

Cây dẻ ra Vũng Chùa

Vẫn là chuyện cây dẻ, nhưng lần này lại có ý nghĩa lớn lao hơn. Chị Khuyên cho biết vừa hoàn thành một công việc trọng đại. Đó là trồng hai ha dẻ trên vùng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây không phải là điều bất ngờ với gia đình chị Khuyên.

Chị kể, sinh thời Đại tướng rất quan tâm đến việc trồng rừng, phục hồi rừng tự nhiên, đặc biệt với rừng dẻ. Năm 1992, khi về thăm Quảng Bình, Đại tướng đã ghé xem vườn huỵnh, rừng dẻ tái sinh của ông Ngô Văn Lý tại xóm Mít, thôn Đông Sơn này. Đại tướng đã biểu dương việc làm sáng tạo của ông trong việc nhân giống cây huỵnh và tái tạo rừng dẻ…

Thể theo nguyện vọng gia đình Đại tướng, các con của ông Lý được chọn để trồng dẻ trên vùng khu mộ Đại  tướng ở Vũng Chùa-Đảo Yến. Gia đình anh Anh, chị Khuyên đã đảm nhận công việc này.Thời gian qua, gia đình đã triển khai quyết liệt từ việc chọn hạt, ươm cây giống, làm đất và triển khai trồng… Khởi động công việc từ tháng 3-2016 đến đầu tháng 4 này thì công việc đã hoàn tất.

Không lâu nữa trên vùng đất thiêng Vũng Chùa- Đảo Yến sẽ có một rừng dẻ tốt tươi hòa trong gió biển ru giấc ngàn thu cho người con lỗi lạc của quê hương…

Cây dẻ có giá tiền triệu trong rừng dẻ anh Ngô Thế Anh.
Cây dẻ có giá tiền triệu trong rừng dẻ anh Ngô Thế Anh.

Chuyện dài huỵnh, tiêu…

Nhắc lại vườn huỵnh trong vườn ông Lý mà những năm trước chúng tôi từng đến, anh Anh cho biết, những cây huỵnh “cổ thụ” đã bán hết, nhà cũng đã cho đứa cháu ở. Nhưng thứ cây mà ông Lý “đắm say” năm xưa thì vẫn được mấy anh em duy trì và phát triển.

Theo anh Anh, 5 anh em có chừng 10 ha huỵnh, trong đó nhiều diện tích đã có thể thu hoạch. Gỗ huỵnh là thứ gỗ có giá trị sử dụng cao mà thông dụng, dễ tiêu thụ, giá dao động trong khoảng 12-13 triệu đồng một m3. Đưa chúng tôi đến những cây huỵnh sau vườn, hai vợ chồng anh Anh giới thiệu cách lấy hạt để ươm cây giống. Cái công việc mà ông Lý đã sáng tạo nên cách đây ba, bốn thập kỷ.

Nhưng khác với ngày xưa phải vào rừng xanh núi thẳm săn tìm cây giống để lấy hạt khá cực nhọc, thì nay cây giống ngay trong vườn. Lúc này, cây huỵnh đang ra hoa, vào độ tháng 5-6, hạt rụng xuống, lúc đó chỉ việc nhặt để ươm. Và cây huỵnh giống là một trong những ba thứ cây giống mà các con ông Lý đang làm chủ trên thị trường khu vực và một số tỉnh phía nam trong mấy chục năm qua.

Hàng năm gia đình, chị Khuyên xuất bán chừng 100 nghìn cây giống các loại. Cũng trong vườn huỵnh, một hình ảnh lạ mắt làm chúng tôi phải chú ý, cây tiêu đang leo vào cây huỵnh. Vườn tiêu xanh tốt lạ thường. Cách làm này quả là độc đáo, được cả tiêu và “cọc”, chứ không như trồng tiêu truyền thống phải tốn tiền cọc.

Vâng, còn bao nhiêu chuyện về cây, rừng trên vùng đất xóm Mít, thôn Đông Sơn, xã Cự Nẫm này, nơi ông Nguyễn Văn Lý đã chọn để khởi động sự nghiệp phát triển rừng. Nhưng ấn tượng sâu sắc trong tôi là các con ông đã kế nghiệp cha khá hoàn hảo, có nhiều sáng tạo để rừng dẻ thực sự thăng hoa, đem lại những nguồn thu lớn.

Văn Hoàng-Nguyễn Tâm