.

"Đãi cát tìm vàng"

Thứ Sáu, 17/03/2017, 15:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Chinh phục vùng cát trắng thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh từ những năm 2000, bây giờ sở hữu cơ ngơi vào hàng nhất nhì xã nhưng ông chủ trang trại Nguyễn Văn Tam vẫn trăn trở với nhiều dự định cho tương lai. 17 năm gắn bó cùng cát, "sống chết" với cát… anh Nguyễn Văn Tam thực sự đãi từ trong cát, chắt lọc ra “vàng mười”.

Giữa khu trang trại mênh mông màu xanh tựa như một ốc đảo nhỏ giữa muôn trùng cát trắng, anh Nguyễn Văn Tam nhớ lại thời điểm hai vợ chồng dắt díu, chân trần lội cát lập nên cơ ngơi bề thế: "Năm 25 tuổi, tôi vừa lập gia đình xong, thời điểm đó, phía trong làng đất chật, người đông, gia cảnh quá khó khăn, mở mắt thấy toàn đói nghèo. Nhìn ra phía biển, đất mênh mông, nhưng chỉ toàn cát. Hai vợ chồng bàn nhau xin đất, khai hoang, bắt tay tính chuyện làm kinh tế".

Trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Văn Tam (Võ Ninh, Quảng Ninh) đa dạng với nhiều loại cây, con.
Trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Văn Tam (Võ Ninh, Quảng Ninh) đa dạng với nhiều loại cây, con.

“Bây giờ kể lại không ai tin đâu. Ban đầu chúng tôi lợi dụng con suối nhỏ chảy ra từ trong lòng cát, đắp đập, nắn dòng để trồng chuối, trồng sắn, trồng môn. Vốn liếng chẳng có bao nhiêu, chồng ngày ngày khai hoang, cải tạo cát trắng, vợ chắt chiu từng tàu môn, buồng chuối, quả mướp, hoa bí... mang ra chợ. Cứ tích trữ theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Thế rồi, qua giai đoạn khó khăn, hai vợ chồng chinh phục được cát, để từ đó, cát trắng cho vàng”.

Trang trại vợ chồng anh Nguyễn Văn Tam dần thành hình hài trên vùng cát Hà Thiệp dù vẫn đối mặt với bốn bề khó khăn: không điện, không đường, không thông tin liên lạc, không cơ sở vật chất. Bao nhiêu vốn liếng tích trữ dồn cả vào chăn nuôi bò, số lượng ban đầu 30 con. Những năm tiếp theo, quy mô trang trại được mở rộng dần trên cát với các loại con mới như: lợn, gà, vịt...

Năm 2008, Hội Nông dân quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình anh Tam vay 20 triệu đồng vốn mở rộng mô hình. Nhờ đó, anh phát triển thêm 5 lợn nái và 60 lợn thịt. Trang trại phát triển, được tỉnh, huyện thẩm định, cấp giấy công nhận đạt tiêu chuẩn trang trại. Lúc này, quy mô khoảng 25 lợn nái, 300 lợn thịt, 20.000 con gà, trên diện tích 70.000m2.

Năm 2013, khi gia đình anh Tam mạnh dạn đầu tư mở rộng, phát triển thêm con giống thì siêu bão ập đến, trang trại tan hoang theo bão. Không nản lòng, anh Nguyễn Văn Tam cùng gia đình tiếp tục khắc phục khó khăn, vừa mở rộng thêm chuồng trại chăn nuôi gà, vịt đẻ; áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, đưa công nghệ mới vào sản xuất, năng động nắm bắt thị trường, tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh sản xuất. Từ đó, trang trại tăng lên 32 lợn nái, 600 lợn thịt, 30.000 con gà thịt, 1.000 con vịt đẻ trứng và 300 cặp bồ câu bố mẹ...

Ngoài việc phát triển kinh tế trang trại, gia đình còn sản xuất theo mùa vụ, lấy ngắn nuôi dài, như: trồng xen cây ăn quả và các loại hoa màu, cùng một số cây công nghiệp nhằm tăng thêm nguồn thu.

Trang trại tổng hợp còn áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, vệ sinh môi trường, sử dụng 2 hầm khí Biogas để xử lý phân thải và tận dụng nước thải tưới cho cây trồng. Sau cơn bão năm 2013, trước nguy cơ xâm thực của nạn cát bay, cát lấp, anh Nguyễn Văn Tam nảy ra sáng kiến, nắn dòng chảy của con suối sao cho vừa tạo thành con đập lớn ngăn cát tràn vào khuôn viên trang trại, vừa giữ được nước tưới tiêu cho những tháng hè khô hạn.

Dựa theo địa thế, anh thuê xe ủi một lòng suối, lấy cát đắp đê, hình thành dòng chảy mới. Vào mùa mưa lũ, nước theo dòng suối mới này chảy ra biển không tràn vào phía bên trong. Mùa hè, nước ngấm sâu vào cát, theo bờ suối chảy ra tưới cho cây trồng xanh tốt. Tại khu vực chuồng trại chăn nuôi gà, anh Tam trồng hàng trăm gốc mưng tạo bóng mát cho gà ngày nắng nóng. 

Tính từ 2012 đến nay, tổng doanh thu bình quân của trang trại gia đình anh Tam đạt trên 2,7 tỷ đồng/năm. Quan trọng hơn, trang trại anh Tam giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/ người/ tháng. Ngoài ra, trang trại còn tạo điều kiện hỗ trợ về con giống, thức ăn cho các hộ chăn nuôi, hộ nghèo trong xã và các địa bàn lân cận, đồng thời hướng dẫn cách làm ăn, truyền đạt kinh nghiệm cho các hộ khó khăn, giúp họ vươn lên trong sản xuất, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 Anh Nguyễn Văn Tam dự định xây dựng khu du lịch sinh thái ven biển.
Anh Nguyễn Văn Tam dự định xây dựng khu du lịch sinh thái ven biển.

Trang trại tạo lập trên cát ổn định, bảo đảm thân thiện với môi trường, ông chủ Nguyễn Văn Tam còn hướng đến một tương lai vững chắc hơn -  xây dựng khu du lịch sinh thái cạnh bờ biển. Để biến ý tưởng này thành hiện thực, anh ngăn hẳn một bên của trang trại, cho đào hệ thống ao, tích nước, nuôi cá. Dọc hệ thống bờ, anh thuê người trồng cây xanh dựa theo ý tưởng do mình nghĩ ra.

“Mình phải đi tắt, đón đầu cơ hội”- Nguyễn Văn Tam cho biết - “Trang trại có vị trí khá thuận lợi khi cách Bảo Ninh khoảng 7 cây số và cách xã Hải Ninh chừng 10 cây. Tương lai dự án FLC Hải Ninh hoàn thành, các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng ở Bảo Ninh mở rộng ra, sẽ có nhiều du khách đến tham quan trang trại gia đình. Tất nhiên với một vị thế đẹp, gần gũi thiên nhiên, trang trại gia đình sẽ níu chân du khách bằng những sản phẩm sạch do trang trại làm ra”.

Dám nghĩ, dám làm, không sợ khó, sợ khổ… đó là bản lĩnh của ông chủ trang trại Nguyễn Văn Tam. Chắc chắn với những gì đã định hình trên cát trắng, anh Tam sẽ tiếp tục “cho cát đẻ ra vàng”.

Hương Trà