.

Đời hàu - Bài 1: Lặn hàu đáy sông

Thứ Hai, 03/04/2017, 07:36 [GMT+7]

(QBĐT) - “Đời hàu, đã gắn cùng mùa xuân. Hàu sinh ra từ mùa xuân - mùa của dòng nước mát sau sự dữ dằn của bao ngày bão lũ và trước mùa chát mặn khi hè về” (Âm vang một miền quê  - Lê Trọng Duận). Và như con hàu từ bao đời cứ nương nhờ vào đá mà sống, mà trường tồn, người Quán Hàu dẫu cũng đi qua bao tháng mùa xuân, bao ngày bão lũ và thấm thía những giây phút chát mặn đời người, vẫn cứ thủy chung gắn bó với con hàu Nhật Lệ như một lối thoát cho cuộc mưu sinh.

Dòng Nhật Lệ, đoạn đi qua Cồn Hàu mùa này đẹp lạ lùng. Nắng ban mai lấp loáng trên mặt sông lộng gió. Trên chiếc thuyền máy dập dềnh trên sông, chúng tôi theo chân những người thợ lặn hàu (TT Quán Hàu, Quảng Ninh) ra giữa dòng, cùng họ bắt đầu một buổi sáng mưu sinh giữa nắng, gió và mênh mông sóng nước, cùng thấm cái vất vả với những người quanh năm chìm nổi cùng hàu.

Khoảng 10 phút lặn sâu dưới đáy sông, thợ lặn mới có được một mẻ hàu.
Khoảng 10 phút lặn sâu dưới đáy sông, thợ lặn mới có được một mẻ hàu.

8 giờ sáng, nắng đã chảy tràn trên những ngôi nhà ngói đỏ nằm quay mặt ra giữa bờ sông, lấp lánh trên những gương mặt sạm đen vì vất vả. Vợ chồng anh Võ Sỹ Triển (Tiểu khu 2, TT Quán Hàu) lại cùng sửa soạn cho một ngày làm việc mới.

Gần chục năm trời làm vợ người thợ lặn hàu chuyên nghiệp như anh Triển, chị Đào đã quá quen với những buổi sáng tất bật như thế khi vừa lo bữa ăn cho chồng, vừa phụ anh chuẩn bị đồ nghề lặn sông. Chị bảo, dù ngày mưa rét hay nắng ráo thì một thợ lặn bao giờ cũng mang trên mình năm lớp quần áo, trong đó có một áo mưa và hai bộ đồ lặn chuyên nghiệp, rồi mũ, kính, găng tay và đôi giày vải.

Vừa mang vội lớp áo quần cuối cùng, anh Triển nói thêm vào: “Trên có thể nắng chảy mỡ nhưng dưới lòng sông khi mô cũng lạnh nên chúng tôi phải mang kín đáo như ri mới mong chống chịu được với nhiệt độ dưới nớ. Thanh niên trai tráng cả, nhưng sức người đôi khi không địch nổi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhất là khi mỗi chuyến lặn hàu thường kéo dài từ 5 – 6 tiếng”.

Sau khi chuẩn bị tư trang đầy đủ với lỉnh kỉnh đủ thứ đồ nghề, họ bắt đầu xuống thuyền, nổ máy ra giữa dòng sông, cách bờ chừng hơn 1 km. Chiếc thuyền hôm nay ngoài anh Triển còn có thêm ông Võ Đại Thắng, vốn là thợ lặn hàu lành nghề, cùng với một thợ lặn chuyên nghiệp khác – anh Hoàng Minh Thọ.

Thấy tôi nhìn hai chiếc phao lớn mà mỗi người mang theo bên mình đầy thắc mắc, ông Thắng nói như thét vào tai tôi trong tiếng máy nổ rền rền: “Một để bỏ rổ đựng hàu, một để bỏ bình ắc quy chạy bình oxi. Cả hai cái đều được nối với thợ lặn, người đi đến mô, phao trôi theo đến nớ”.

Nhiều hộ ở Quán Hàu khấm khá hơn cũng nhờ hàu, con cái ăn học cũng tựa cả vào đây. Nhưng làm nghề mưu sinh dưới đáy sông này, cực nhọc quá đỗi.

Thanh niên trai tráng sức khỏe đuề huề cũng có lúc thấy thân thể bợt bạt đi vì sóng nước.

Nhưng rồi, nghề không phụ người nên cũng không ít người vẫn cứ thế thủy chung cùng nghề.

Ra giữa dòng, thuyền tắt máy. Hai anh thợ lặn trẻ tuổi đeo vội một chiếc rổ nhỏ trước ngực, tay cầm một thanh sắt dài tầm 30 cm, một đầu được uốn cong và đánh bẹt mũi, dùng để nạy hàu. Họ cười đùa giòn tan dưới cái nắng sớm mai dịu nhẹ, trước khi cùng nhảy ùm xuống nước. Hai chiếc phao bắt đầu trôi dập dềnh trên mặt sông.

Trên thuyền, ông Thắng vồn vã kể: “Làm thợ lặn hàu cực trăm bề. Có khi trời rét căm căm cũng phải nhảy xuống đáy sông mà kiếm chác chút cơm, gạo. Người thợ lặn ngoài sức khỏe cần sự khéo léo, nhanh nhạy và sự tinh tường, vì đáy sông thì muôn vàn nguy hiểm. Lứa như tui bựa ni ít lặn hơn. Còn tụi trẻ bữa ni cũng ít người theo nghề nhưng đứa mô đã theo là giỏi và chuyên nghiệp lắm. Dù điều kiện làm việc bữa chừ đã khá hơn trước nhưng đã vận vào mình nghề ni là chấp nhận trăm phần cực nhọc”. Nói rồi, người thợ lặn hàu dày dặn kinh nghiệm một thuở ném ánh mắt trầm đục ra giữa dòng sông mênh mang sóng.

Chốc lát, ông lão lại nhìn chăm chăm vào những bọt khí trước mặt, giọng trầm trầm: “Nhìn rứa thôi, chớ dưới nước, lởm chởm đá tảng. Còn tụi hắn cũng đang đi bộ chẳng khác chi trên bờ. Muốn không bị nổi lên, mỗi đứa phải đeo vào người ít nhất là 10 kg chì. Nhiều hôm về nhà, thằng mô cũng nằm rệu cả ra, nhưng đến mai lại tiếp tục làm nghề”.

Bất chợt, sợi dây nối hai phao bị kéo căng ra giữa nước. Ông Thắng chỉ trỏ: “Thằng Thọ bắt đầu ngoi lên rồi đó. Thắng nớ là thợ lặn giỏi nhất nhì ở đây”. Đúng như ông lão nói, dưới sông, anh Thọ “xé” toang làn nước rồi ngoi lên, trên tay cầm một giỏ đầy ắp hàu. Mẻ hàu đầu tiên được đổ vào rổ, vàng ươm dưới nắng mai lấp lánh. Xong xuôi, Thọ lại tiếp tục lặn sâu xuống nước. Bong bóng nước thi nhau nổi trên mặt sóng. Hai chiếc phao lại nối đuôi nhau chậm rãi trượt dài trên sông. Phía gần đó, anh Triển cũng bắt đầu ngoi lên, bàn tay chắc nịch nắm chặt chiếc giỏ hàu đổ ào vào rổ.

Ông Thắng bảo, mùa hàu năm nay hàu to và chắc hơn mọi năm. Có lẽ tại năm trước mùa thu hoạch chững lại vì sự cố môi trường biển. Giờ thì người ta lại bắt đầu mạnh dạn quay lại với những món đặc sản quen thuộc được chế biến từ hàu. “Người khai thác hàu ở đây bắt đầu dùng đến cào máy từ nhiều năm trước, làm rứa đỡ cực hơn nhưng hàu cào được thường to không đều. Mà những loại hàu nhỏ thì bị chết oan”, ông lão chỉ vào những chiếc thuyền cào máy đang chộn rộn giữa sông, tiếng máy nổ rền vang giữa mênh mang sóng nước.

Trời về trưa. Nắng bắt đầu chói chang và khét lẹt. Dăm ba rổ hàu đã được đổ đầy trên chiếc thuyền nhỏ. Nhưng dường như cuộc mưu sinh hôm nay của những người thợ lặn hàu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hết ngoi lên, rồi lặn xuống, trên tay họ vẫn đầy ắp những giỏ hàu vàng ươm dưới nắng. Chỉ một khúc sông nhỏ nhưng có vô vàn cá thể hàu bám chặt dưới đáy. Thế mới hiểu, người Quán Hàu bao đời nay được thiên nhiên ưu đãi cho một thứ đặc sản ngọt lành hiếm có. Họ đã sống và tựa nhờ cả vào hàu.

Trên thuyền, câu chuyện đầy tự sự và cũng lắm hoài niệm của ông lão Võ Đại Thắng vẫn cứ đều đều, thi thoảng, lão lại cười khề khà, tếu táo như muốn xua tan đi cái nắng nôi khó chịu đang bủa vây con thuyền nhỏ.

Khu vực lặn hàu cách bờ chừng 100m.
Khu vực lặn hàu cách bờ chừng 100m.

Thế hệ thợ lặn như ông Thắng phần lớn đã bỏ nghề, nhưng đến giờ, người Quán Hàu vẫn cứ nhắc mãi về ông thợ lặn nổi tiếng khắp thôn trên, xóm dưới thuở xưa: ông Võ Ngọc Câu. Thời trẻ, dù không có máy móc hỗ trợ nhưng ông Câu vẫn lặn sâu đến 12 mét. Thế rồi, đời này nối tiếp đời khác, trẻ em xóm này 10, 11 tuổi đã bắt đầu biết lặn hàu mưu sinh.

Thế nhưng, chẳng mấy đứa theo được nghề này, bởi nghề chát mặn và cực nhọc quá. Dù như chia sẻ của ông Thắng, những ngày lặn hàu suốt 5, 6 tiếng, mỗi thợ lặn mang về chừng 10 kg hàu thành phẩm, tính ra cũng 1 triệu đồng chứ ít ỏi chi! Nhiều hộ ở Quán Hàu khấm khá hơn cũng nhờ hàu, con cái ăn học cũng tựa cả vào đây. Nhưng làm nghề mưu sinh dưới đáy sông này, cực nhọc quá đỗi. Thanh niên trai tráng sức khỏe đuề huề cũng có lúc thấy thân thể bợt bạt đi vì sóng nước. Nhưng rồi, nghề không phụ người nên cũng không ít người vẫn cứ thế thủy chung cùng nghề.

Dòng suy nghĩ miên man của những người trên thuyền chợt bị cắt quãng bởi hai thợ lặn trẻ đã lần lượt ngoi lên sau gần 5 tiếng lặn ngụp dưới đáy sông lạnh lẽo. Đồng hồ điểm 1 giờ chiều. Con thuyền bắt đầu nổ máy chở những người thợ lặn vào bờ. Ở phía bến bờ bình yên kia là vợ, là mẹ, là những đứa con thơ tựa cửa đợi người đàn ông của họ trở về để cùng ăn bữa cơm trưa muộn màng.

Diệu Hương

Bài 2: Xây dựng thương hiệu hàu