.

Tri ân liệt sỹ Gạc Ma thông điệp gửi muôn đời sau - Bài 2: Thông điệp gửi muôn đời sau

Thứ Ba, 14/03/2017, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - CCB Gạc Ma Lê Hữu Thảo từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình ghé thăm mẹ Hồ Thị Đức, ra nghĩa trang thắp vội nén hương cho liệt sỹ, anh hùng LLVTND Trần Văn Phương rồi tiếp tục hành trình của mình. Anh hẹn tôi: “Gặp lại em vào dịp tổ chức lễ tri ân liệt sỹ Gạc Ma nhé, ngày 14-3”. Lê Hữu Thảo cho hay, anh đang tìm lại những đồng đội mình, những người lính sau sự kiện hải chiến Trường Sa năm 1988.

>> Bài 1: Niềm tin từ thế hệ trẻ

CCB Gạc Ma Lê Hữu Thảo với mẹ Hồ Thị Đức tại lễ tri ân.
CCB Gạc Ma Lê Hữu Thảo với mẹ Hồ Thị Đức tại lễ tri ân.

Như đã đề cập, trong 64 liệt sỹ hy sinh để bảo vệ chủ quyền Gạc Ma, Cô Lin, quần đảo Trường Sa, tỉnh Quảng Bình có 13 liệt sỹ. Sau sự kiện bi tráng này, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND cho 2 người ở Quảng Bình là Nguyễn Văn Lanh (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) và liệt sỹ Trần Văn Phương (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn). Những người con của Quảng Bình dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho biển đảo Tổ quốc có người đã “trở về” quê hương, nhiều người mãi mãi nằm lại giữa sóng nước Trường Sa.

Trong số những chiến sỹ hải quân anh hùng ấy có liệt sỹ Trần Văn Quyết, sinh năm 1967, thôn Xuân Thủy, xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn. Năm 2009, hài cốt liệt sỹ Quyết được đưa về chôn cất tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Thủy. Nhập ngũ cùng một đợt, hy sinh cùng một ngày với liệt sỹ Trần Văn Quyết nhưng liệt sỹ Trương Minh Thương, xã Quảng Sơn vẫn đang an nghỉ nơi biển đảo Trường Sa.

Liệt sỹ Phạm Hữu Tý, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy tình nguyện lên đường nhập ngũ thay anh trai là Phạm Hữu Cành. Ngày đi, em động viên anh ở nhà lo cho bố mẹ và gia đình. Nhà nghèo quá, ra Trường Sa rồi mà lòng day dứt mãi không yên. Phạm Hữu Tý ra đi từ đó mãi mãi không về. Liệt sỹ Võ Minh Đức, xã Liên Thủy, Lệ Thủy cũng như liệt sỹ Phạm Hữu Tý, để lại nỗi nhớ thương cho những người thân đang sống.

Mấy năm trước gia đình ông Hoàng Nhỏ ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh hy vọng sớm thấy hài cốt con trai mình, liệt sỹ Hoàng Văn Túy, khi có người về thực hiện các thủ tục làm xét nghiệm AND. Thế rồi chút hy vọng mong manh cũng lắng dần. Bây giờ chỉ biết động viên nhau: “Hoàng Văn Túy... thôi cho con mình ở lại với đồng đội nơi đầu sóng ngọn gió. Để quê hương, đất nước an bình”.

Liệt sỹ Nguyễn Tiến Doãn, xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy hy sinh khi tròn 23 tuổi để lại con trai Nguyễn Đình Thế mới hơn 2 tuổi nơi  quê nhà. Cha đi mãi không về, để lại một khoảng trống lớn lao trong lòng con trai. Nguyễn Đình Thế lớn lên, lập gia đình và luôn tự hào về bố là liệt sỹ Trường Sa.

CCB Nguyễn Văn Thống, xã Nhân Trạch, Bố Trạch, một trong 9 người lính hải quân nhân dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh. Sau 3 năm rưỡi bị giam cầm tại đảo Lôi Châu, Trung Quốc, anh được trao trả về nước. Năm nào đúng vào ngày 14-3, Nguyễn Văn Thống cũng có mặt từ sớm ở Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc.

Ngày gặp tôi tại lễ tri ân liệt sỹ Gạc Ma 14-3-2016, Nguyễn Văn Thống bảo: “Sẽ không bao giờ quên ký ức màu đỏ rực máu của trận hải chiến Gạc Ma. Anh bị thương, hỏng một bên mắt, vỡ nát xương gò má cùng những vết thương ở chân tay... chỉ là những vết thương thể xác có thể chữa lành. Nhưng cái bi tráng của Gạc Ma, Cô Lin, sự tàn bạo của kẻ thù xả súng tắm máu bộ đội giữ đảo trên tay chỉ có cuốc, xẻng và sau đó là những tháng ngày bị giam cầm, tù đày... ám ảnh theo anh đi hết cuộc đời”. Đó là những thông điệp của những người lính Gạc Ma truyền lại cho muôn đời sau.

Năm nào cũng thế, trước phần mộ con trai, mẹ Hồ Thị Đức cũng không cầm được nước mắt. Nước mắt người mẹ gần 30 năm trông ngóng con về. Bây giờ là nước mắt mẹ tiếc thương con chan cùng hạnh phúc khi sự hy sinh của con trai và đồng đội nơi Trường Sa xa xôi ngày càng được xã hội ghi nhận và tri ân. Hơn nữa, sự tri ân liệt sỹ Gạc Ma cứ lan tỏa, lan tỏa rộng khắp cả nước, để bây giờ rất nhiều đồng đội liệt sỹ Trần Văn Phương tìm về bên mẹ. Mẹ Hồ Thị Đức bảo rằng: “Mất đi thằng Phương nhưng mẹ lại có thêm nhiều thằng Phương khác, là thằng Thảo, thằng Thống, thằng Hải...”

Hai năm nay, gần 100 bạn trẻ trong CLB Thanh niên vận động hiến máu nhân đạo Quảng Bình đã đồng hành cùng Công ty Phú Mạnh và nhà báo Phạm Phú Thép công tác tại Báo Văn Hóa tổ chức lễ tri ân 64 liệt sỹ Gạc Ma diễn ra trang trọng, thành kính, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người tưởng nhớ đến sự kiện Gạc Ma, Cô Lin. Tình nguyện viên trong CLB phần lớn là các bạn trẻ đang theo học tại Trường đại học Quảng Bình.

CLB Thanh niên vận động HMTN Quảng Bình tri ân liệt sỹ Gạc Ma.
CLB Thanh niên vận động HMTN Quảng Bình tri ân liệt sỹ Gạc Ma.

Mai Thanh Phúc, Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên vận động hiến máu tình nguyện Quảng Bình chia sẻ: “Tổ chức các hoạt động tri ân, về nguồn, thăm hỏi gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ... để định hướng cho các bạn trẻ trong CLB biết hơn về lịch sử, về những mất mát, hy sinh của thế hệ cha anh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Tri ân liệt sỹ Gạc Ma là một hoạt động CLB sẽ cố gắng đồng hành cùng Công ty Phú Mạnh tiến hành hàng năm”.

Hai mươi chín năm sau trận hải chiến Trường Sa, “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma vẫn mãi lan tỏa. Tri ân 64 liệt sỹ Gạc Ma, là dịp để mỗi người con dân Việt hiểu hơn về lịch sử bảo vệ, giữ gìn biển đảo Tổ quốc mình.

Lần đầu tiên trong 6 năm tiến hành lễ tri ân 64 anh hùng, liệt sỹ Gạc Ma, lễ tri ân năm nay có sự hiện diện của 18 CCB, những người lính trở về từ sự kiện Gạc Ma. Trước đó Thị đoàn Ba Đồn tổ chức đêm giao lưu giữa tuổi Ba Đồn với 18 CCB Gạc Ma tại Trung tâm Văn hóa thị xã.

Ngô Thanh Long