.

Rào Đá-Bản tình ca về một nguồn nước mát

Thứ Bảy, 11/07/2015, 17:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Bí thư Huyện ủy huyện Quảng Ninh Trần Hải Châu vào một sáng tháng sáu đẹp trời bảo tôi: “Lâu lắm chú không lên huyện, mới tựa như cái chớp mắt mà Quảng Ninh tròn độ tuổi hai lăm sau ngày tái lập. Qua rồi thời “chang chang cồn cát”, Quảng Ninh kiên trung, Quảng Ninh vững vàng trên tâm thế mới. Lăn lộn với Quảng Ninh nhiều, chú xem có cái gì khắc họa đậm nét về một Quảng Ninh đang trên bước đường đổi mới hay không?”.

Tháng sáu... Quảng Bình nắng như đổ lửa, vùng đất eo thắt co mình lại trong cái nắng   khắc nghiệt đến khô người. Theo lời mời của Bí thư Huyện ủy Trần Hải Châu, tôi trở lại huyện Quảng Ninh, tìm về quãng thời gian cùng lăn lộn theo từng cung bậc gian khổ, thái lai của huyện.

Quảng Ninh có tứ danh hương “Văn- Võ- Cổ- Kim” nức tiếng gần xa. Quảng Ninh đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc với nhiều dấu ấn lịch sử: Nhà nhóm Thôn Trung, nơi xuất phát lực lượng Việt Minh cô Tám tham gia cướp chính quyền trong cao trào cách mạng tháng Tám năm 1945; tiếng trống Ninh Châu thúc giục quân dân về phong trào HTX hóa; phà Quán Hàu rầm rập tiếng quân đi...

Hồ thủy lợi Rào Đá.
Hồ thủy lợi Rào Đá.

Âm vang trên dòng Nhật Lệ câu chuyện kể về những người anh hùng phá bom từ trường, thủy lôi: Nguyễn Xảo, Hà Văn Cách. Rồi ngược Đại Giang chạm phà Long Đại, phía hữu ngạn sông, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại “tọa độ lửa” năm xưa trên con đường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trầm mặc khói hương. Đối diện về phía tả ngạn, núi Thần Đinh uy nghi soi mình vào bóng nước...

Không hẹn mà gặp ông Lê Huấn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh. Biết tôi đi tìm tư liệu viết bài nhân dịp 25 năm ngày tái lập huyện, ông bảo: “Rào Đá!”. “Rào Đá!”- tôi chợt nhớ vào một sáng nào đó, từ lưng chừng núi Thần Đinh nhìn xuống, sông Rào Đá uốn lượn dọc từ sông mẹ Đại Giang sâu vào trong núi đá chập chùng rồi mất hút về phía tận cùng dãy Trường Sơn ở huyện Lệ Thủy. Rào Đá!- năm 2005, tiếng mìn phá đá nổ tung trời báo hiệu sự đổi thay nơi vùng đất này. Mười năm sau, tôi trở lại nơi lưng lửng núi Thần Đinh, hồ thủy lợi Rào Đá lấp lánh ánh sáng mặt trời buổi sớm mai.

Trong hơn sáu năm trường, hàng ngàn ngày công lao động, hàng trăm xe máy tập trung vào đây, chung tay viết nên bản tình ca ngọt ngào về một nguồn nước mát trong cho vùng đất “Hai huyện” Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Tôi ngược về quá khứ, năm 1998, Quảng Ninh, Lệ Thủy gặp cơn đại hạn. Ông Lê Huấn kể lại: “Vùng nam Quảng Ninh bị nắng hạn vắt hết nước, vựa lúa vùng Cẩm Ly cháy hanh hao không còn mảnh nào còn nguyên màu xanh. Người dân Quảng Ninh gồng mình lên chống hạn. Ngày 30-8-1998, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu về thăm Quảng Bình.

Khi đi kiểm tra tình hình khô hạn ở Quảng Ninh, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phải thốt lên: “Khắc nghiệt quá!”- Ông chỉ đạo, trực tiếp giao nhiệm vụ cho huyện Quảng Ninh- “Dù khó khăn đến mấy cũng phải lo đủ gạo ăn cho đồng bào xã Trường Sơn, đủ nước sinh hoạt cho các xã vùng nam”. Cũng từ trong cơn đại hạn, câu chuyện đi tìm nguồn nước vững bền cho nhân dân “Hai huyện” được bàn đến. Hồ thủy lợi Rào Đá phôi thai vào những năm tháng đó”.

Chính thức khởi công ngày 16-12-2005, hồ thủy lợi Rào Đá trở thành một công trình trọng điểm quan trọng nhất của tỉnh thời điểm đó. Dung tích thiết kế trên 82 triệu mét khối; tổng mức đầu tư hơn 347 tỷ đồng với rất nhiều hạng mục được đánh giá là “khủng”: đập đất dài 700 mét, chiều cao 33 mét; 3 đập phụ tổng chiều dài 469 mét; tràn xả lũ đóng mở bằng van cung, tiêu năng bằng mũi phun; hệ thống kênh chính, kênh cấp 1, 2, 3 và rất nhiều hạng mục phụ trợ khác... chia làm 14 gói thầu. Công trình do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Dự kiến cuối năm 2009 công trình sẽ hoàn thành, bàn giao cho địa phương hưởng lợi.

Thế nhưng do địa hình thi công phức tạp, trong quá trình thi công phát sinh thêm nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ: vừa thi công vừa bảo đảm nguồn nước tưới tiêu cho nhân dân; xi- phông qua sông Kiến Giang nên chọn vật liệu nào? Ảnh hưởng việc thi công tới hai cống qua đường Hồ Chí Minh và đường sắt? Bảo đảm cảnh quan, môi trường di tích lịch sử Lũy Thầy, núi Thần Đinh... Nhưng bằng nỗ lực và sự quyết tâm “đội nắng, thắng mưa” vượt qua hơn sáu mùa lũ tràn, đến tháng 5-2011, công trình hồ thủy lợi Rào Đá chính thức hoàn thành.

Rào Đá Cung cấp nguồn nước tưới cho 6.000 ha lúa hai vụ tại Quảng Ninh và Lệ Thủy; bảo đảm nước sinh hoạt cho trên 4 vạn dân các xã vùng nam huyện Quảng Ninh: Tân Ninh, Vạn Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, An Ninh...

Hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ Rào Đá về xuôi.
Hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ Rào Đá về xuôi.

Bên cạnh đó Rào Đá còn điều tiết, giúp giảm nhẹ lũ cho vùng hạ du, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản. Hồ thủy lợi Rào Đá trở thành một điểm tham quan, du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách trong tương lai khi đến với vùng đất sơn thủy hữu tình: núi Thần Đinh, chiến khu Rào Trù, bến phà Long Đại...

Ngồi trò chuyện với Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Viết Ánh, nhắc đến Rào Đá, anh tâm huyết: “Cũng là mùa đại hạn gần như đỉnh điểm giống năm 1998, nhưng hiện tại Quảng Ninh, Lệ Thủy không thiếu nước trầm trọng như trước. Nhờ Rào Đá cả đó. Lúa hè-thu ở các xã vùng nam Quảng Ninh được nguồn nước Rào Đá nuôi dưỡng, tốt bời bời.

Từ khi có Rào Đá, diện tích, năng suất, sản lượng lúa toàn huyện liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nhà báo nhận định đúng, hành trình 25 năm phát triển, Quảng Ninh có nhiều cái để ghi nhận như: ưu tiên bậc nhất về các cốt vật chất “điện- đường- trường-kênh- đồng- trạm- chợ”; đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới... nhưng hồ thủy lợi Rào Đá đã tạo ra một bước ngoặc lớn trong nông nghiệp, nông thôn, không phải hiện tại mà về lâu dài, bền vững”.

Tôi đi qua các vùng đất tử địa một thời: Hàm Ninh, Duy Ninh, Tân Ninh. Ghé thôn Thu Thừ (An Ninh) ngày xưa người dân dùng nguồn nước nhiễm dầu... Nước Rào Đá xuôi về vùng nam Quảng Ninh, qua Kim Nại, Thu Thừ vượt xi-phông xuyên sông Kiến Giang ủ mát cho Hàm Ninh, Duy Ninh.

Đi ngược lên Rào Đá, buổi chiều gió lao xao trên mặt hồ. Mùa đại hạn, mực nước xuống thấp, hàng chục đảo chìm giờ thành đảo nổi, chơi vơi lan khắp một vùng lòng hồ rộng lớn vào tận bản Đá, bản Còi, khe Nước Đắng, Nước Lạnh xã Ngân Thủy (Lệ Thủy). Phía tây, núi Thần Đinh sừng sững, uy nghiêm muôn đời soi bóng xuống lòng Rào Đá mát lành...

Ở đâu đó,  rộng sâu giữa muôn sóng gợn... tôi lắng nghe được câu chuyện kể về những người một thời đi khơi nguồn dòng nước ngọt lành từ  Rào Đá yêu thương, cho vùng đất “Hai huyện” bốn mùa tươi xanh  cây trái dâng đời.

Ngô Thanh Long